Thứ ba, 7/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Trung tâm R&D và nhà máy ứng dụng AI của Nhật Bản sẽ được xây dựng tại Đà Nẵng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung tâm R&D và nhà máy ứng dụng AI của Nhật Bản sẽ được xây dựng tại Đà Nẵng

Nhân Tâm

(KTSG Online) – Một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) và sản xuất sản phẩm công nghệ cao ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) đầu tiên của Nhật Bản sẽ được khởi công tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng vào tháng 8 nếu tình hình cho phép.

Trung tâm R&D và nhà máy ứng dụng AI của Nhật Bản sẽ được xây dựng tại Đà Nẵng
Mô hình Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) và sản xuất sản phẩm công nghệ cao ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) do Fujikin International (Nhật) tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: DHPIZA

Trung tâm này do công ty Fujikin International (Nhật) đầu tư với vốn đầu tư 35 triệu đô la Mỹ, theo thông tin từ Ban Quản lý Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (DHPIZA).

Với quy mô 3,3ha, dự án thực hiện nghiên cứu – phát triển – sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, bao gồm các thế hệ robot khác nhau với AI, máy bay không người lái tự động với AI, thiết bị y tế và thiết bị môi trường, năng lượng mới của Hydrogen.

Dự án nghiên cứu – phát triển sản xuất sản phẩm công nghệ cao này có sự tham gia của Giáo sư Amano Hiroshi (Đại học Nagoya), người giành giải thưởng Nobel Vật lý năm 2014, về công trình nghiên cứu đèn LED.

Nhân dịp này, trường Đại học Bách khoa (thuộc Đại học Đà Nẵng) đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Fujikin, phối hợp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến như: Thiết kế robot, chế tạo các thiết bị y tế thế hệ mới, triển khai công nghệ ứng dụng vật liệu, năng lượng sạch (Hydro, LED, Nano…), công nghệ thông tin và truyền thông (AI, IoT…).

Fujikin cam kết triển khai đầu tư trang bị Phòng thí nghiệm Công nghệ cao phục vụ đào tạo, nghiên cứu phát triển tại Đại học Bách khoa –Đại học Đà Nẵng . Fujikin sẽ tuyển dụng các kỹ sư xuất sắc tốt nghiệp của Trường (theo tiến cử của nhà trường) đến làm việc tại trung tâm này. Ngược lại trường Đại học Bách khoa sẽ bố trí Phòng thí nghiệm Công nghệ cao ngay trong Tòa nhà Khoa học Công nghệ (Smart Building) của nhà trường; phối hợp cử các nhà khoa học, giảng viên và chuyên gia của hai bên thực hiện các nghiên cứu chung. Dự kiến, dự án sẽ được hoàn thành vào Quý II/2022.

“Dự án được kỳ vọng sẽ thu hút các chuyên gia trong và ngoài nước đến nghiên cứu tại Đà Nẵng, góp phần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trên địa bàn thành phố”, ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban DHPIZA, cho biết và chia sẻ thêm DHPIZA đang xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước tìm hiểu cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực cơ khí chính xác, sản xuất vật liệu mới, điện, điện tử công nghệ cao, công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR).

Ông SƠn cũng tiết lộ, DHPIZA cũng đã giới thiệu địa điểm đầu tư dự án Nhà máy sản xuất Bảng mạch in & Vi cơ điện tử (MEMS) của nhà đầu tư Vector Fabrication đến từ Hoa Kỳ vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Dự án có tổng vốn đăng ký đầu tư dự kiến là 60 triệu đô la Mỹ. Trước đó, dự án Nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprise của nhà đầu tư Ha Vinh Ly và Nhe Thi Le (Hoa Kỳ) với vốn đầu tư 110 triệu đô la Mỹ vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, Khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã thu hút được 16 dự án, trong đó có 4 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 12 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký lần lượt là 145,33 triệu đô la (chiếm hơn 99,13% tổng vốn FDI thu hút vào thành phố Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2021) và 481,4 tỉ đồng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới