Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trước 2020, áp dụng BHXH ngắn hạn với lao động nước ngoài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trước 2020, áp dụng BHXH ngắn hạn với lao động nước ngoài

Thùy Dung

Trước 2020, áp dụng BHXH ngắn hạn với lao động nước ngoài
Lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam – Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) – Dự kiến, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam trước mắt sẽ phải đóng các chế độ bảo hiểm xã hội ngắn hạn gồm ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Tiến tới đến năm 2020 hoặc 2022 sẽ đóng các chế độ bảo hiểm xã hội dài hạn gồm hưu trí và tử tuất.

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 quy định, kể từ ngày 1-1-2018, người nước ngoài lao động tại Việt Nam phải đóng BHXH bắt buộc.

Tuy nhiên, quy định này tới nay vẫn chưa thực hiện được do vấp phải sự phản ứng của các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cũng như chưa có Nghị định hướng dẫn. Trước đó, các hiệp hội doanh nghiệp và nhiều chuyên gia kiến nghị chỉ nên áp dụng chế độ BHXH ngắn hạn hoặc nên áp dụng chế độ BHXH mang tính tự nguyện, không nên bắt buộc đối với lao động nước ngoài.

Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của TBKTSG Online về vấn đề này, ông Trần Hải Nam, Phó vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho hay, mới đây, Quốc hội đã có ý kiến chính thức là sẽ triển khai chính sách theo chế độ bắt buộc. Hiện nay, rất nhiều nước cũng lựa chọn hình thức BHXH bắt buộc. Ngay cả Nhật Bản, nơi Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam kiến nghị về vấn đề này, thì trong Luật Hưu trí quốc gia của họ cũng áp dụng bắt buộc đóng BHXH với lao động nước ngoài. Hàn Quốc cũng tương tự.

Tại Việt Nam, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thì bản thân người lao động đó cũng phải đóng một lần BHXH ở Việt Nam và khi sang nước khác, ví dụ như Nhật Bản, vẫn phải đóng vào quỹ hưu trí của họ. Như vậy xảy ra tình trạng song trùng BHXH.

Để giảm tình trạng này, hiện nay, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán hiệp định tránh đóng BHXH hai lần với Đức, Hàn Quốc. Bộ LĐTB&XH đang xúc tiến trao đổi thông tin, tiến tới triển khai đàm phán với Nhật Bản.

“Trong dự thảo nghị định, chúng tôi có thiết kế đảm bảo lộ trình hợp lý cho doanh nghiệp có thể tiếp cận dần với các chế độ BHXH”, ông Nam nói. “Nếu như theo quy định của Luật BHXH thì lao động nước ngoài phải tham gia năm chế độ. Tuy nhiên, chúng tôi đề xuất lộ trình từng bước trong dự thảo Nghị định. Trước mắt ưu tiên chế độ ngắn hạn”.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng đề xuất đến năm 2020 hoặc 2022, người lao động nước ngoài mới phải đóng BHXH bắt buộc dài hạn gồm hưu trí và tử tuất. Mục đích là để đến thời điểm đó, Việt Nam sớm hoàn tất hiệp định tránh đóng BHXH hai lần với các nước.

Nhiều Hiệp hội doanh nghiệp nước ngài cho rằng việc áp dụng quy định trên sẽ làm tăng chi phí của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Nam, quy định mới không những không làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp nước ngoài mà còn tạo ra sự bình đẳng giữa lao động trong và ngoài nước. Do thay vì trả hết lương cho lao động nước ngoài, chủ sử dụng sẽ trích một phần trong đó để đóng BHXH và không làm thay đổi tổng quỹ lương của doanh nghiệp.

Dự thảo Nghị định được trình Chính phủ xem xét trước ngày 1-4 và sẽ sớm được ban hành.

Mời đọc thêm:

Eurocham lo ngại lao động nước ngoài đóng BHXH hai lần

BHXH bắt buộc với lao động nước ngoài: yếu cơ sở, thiếu ngoại trừ

Không sống ở Việt Nam, sao bắt đóng quỹ hưu trí, tử tuất?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới