(KTSG Online) - Hiện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TPHCM đang gặp không ít vướng mắc trong quá trình xây dựng cơ sở vật chất của trường, hạn chế trong công tác liên kết đào tạo giữa nhà trường với doanh nghiệp… Vì vậy, nhiều trường dạy nghề mong muốn sớm được tháo gỡ một số khó khăn này trong mùa tuyển sinh năm 2024 sắp tới để nâng cao chất lượng theo yêu cầu của thị trường lao động.
- Hàng ngàn thí sinh trúng tuyển đại học chọn học trường nghề
- Saigon Times Foundation ra mắt sách dành cho trường nghề
Trường nghề vẫn gặp khó đủ bề
Theo Sở Lao động - Thương binh và xã hội TPHCM, hiện thành phố đang có tiềm lực mạnh mẽ trong đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho thị trường lao động với 376 cơ sở GDNN, chiếm 12,51% cả nước. Bình quân hàng năm có trên 195.000 người học tốt nghiệp các trình độ nghề, tham gia thị trường lao động.
Chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo cơ bản của các trường nghề đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Điều này cũng góp phần giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, không ít cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.
Nói về những bất cập của cơ sở dạy nghề hiện nay, ông Bùi Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng kỹ nghệ 2 (TPHCM) cho biết, việc triển khai công tác dạy văn hóa cấp 3 trong trường nghề vẫn còn gặp khó. Ngoài ra, một số chính sách hỗ trợ phát triển, đặt hàng đào tạo nhân lực của TPHCM chưa bố trí công bằng cho các trường trực thuộc cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố, trong đó có Trường Cao đẳng kỹ nghệ 2.
Còn theo Tiến sĩ Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa TPHCM, việc xây dựng cơ sở của trường rất khó khăn và thủ tục phức tạp. Khi xảy ra vướng mắc, lãnh đạo nhà trường gõ cửa khắp nơi. Thế nhưng, các sở ban ngành đùn qua, đẩy lại mà không giải quyết được. Vì vậy, dù đã hơn 10 năm nhưng cơ sở mới của trường vẫn chưa xây xong.
Tương tự, Tiến sĩ Tống Thanh Nhân, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng cho biết, trường gặp nhiều khó khăn khi triển khai xây dựng cơ sở 2 (diện tích 10 héc-ta tại khu đất của dự án Làng Đại học, huyện Nhà Bè). Dự án xây dựng cơ sở 2 của trường đã thực hiện từ năm 2014 đến nay. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa xong do vướng công tác đền bù giải phóng mặt bằng.
Không chỉ gặp khó khăn trong quá trình xây dựng cơ sở vật chất của trường, “hiện giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn đang lúng túng khi thực hiện chính sách miễn, giảm học phí cho người học nghề. Kể từ khi Nghị định số 81 của Chính phủ được ban hành, chính sách này có nhiều thay đổi về mức chi, cách thức thực hiện khiến các trường và địa phương lúng túng, chưa triển khai hiệu quả”, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội TPHCM nêu ra tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo Sở với tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp vào cuối năm 2023 vừa qua.
Ông Thinh cũng cho rằng công tác liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục, công tác phối hợp giữa nhà trường với doanh nghiệp vẫn còn nhiều trở ngại. Chế độ chính sách dành cho doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giáo dục chưa đủ hấp dẫn. Công tác giao đất, cho thuê đất cho các cơ sở giáo dục chưa được thực hiện hiệu quả. Ngoài ra, chương trình đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu thị trường là thực trạng của nhiều trường nghề hiện nay.
Nâng cao chất lượng đào tạo theo thị trường lao động
Theo đại diện Sở Lao động - Thương binh và xã hội TPHCM, những khó khăn của các cơ sở giáo dục hiện nay là đang được đơn vị này rà soát và sửa đổi nhằm rút ngắn các thủ tục hành chính. Sở cũng sẽ tham mưu cho thành phố tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác hướng nghiệp, tuyển sinh, tạo quỹ đất sạch…
Trong năm 2024, các trường cũng cần đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng nghiệp. Các trường có trách nhiệm cung cấp thông tin về người học sau tốt nghiệp tại đơn vị (số lượng cụ thể ở từng nghề, từng trình độ đào tạo) theo hướng dẫn của sở để tạo lập cơ sở dữ liệu về cung lao động đã qua đào tạo. Các tiểu ban chuyên gia theo nhóm ngành của Hội đồng hiệu trưởng tổ chức các sàn giao dịch việc làm, ngày hội tuyển dụng để kết nối cung – cầu lao động theo nhóm ngành tương ứng.
Bên cạnh đó, để đạt mục tiêu “Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp tại TPHCM năm 2024” do UBND TPHCM ban hành vào cuối tháng 1-2024, ông Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng đề xuất, thành phố cần có chế độ, chính sách phù hợp hơn trong xây dựng đội ngũ nhà giáo theo hướng chuẩn hóa. Việc này giúp bảo đảm số lượng và chất lượng kỹ năng người dạy, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực theo yêu cầu của thị trường lao động.
Đặc biệt, hiện TPHCM có khoảng 5.500 doanh nghiệp hoạt động chuyên ngành điện tử - công nghệ thông tin và gần 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong đó, số doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin khoảng hơn 1.400 doanh nghiệp (chiếm 70%). Để đáp ứng với yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này, một đại diện của trường cao đẳng công nghệ cho rằng các trường nghề cần cải tiến nội dung và phương thức đào tạo. Cụ thể là thực hiện đào tạo lại nguồn nhân lực công nghệ thông tin theo nhu cầu của xã hội.
Đặc điểm của ngành công nghệ thông tin là vòng đời sản phẩm ngắn. Công nghệ phát triển liên tục nên việc đào tạo phổ cập là điều tất yếu. Các đơn vị có thể thực hiện chương trình đào tạo lại bằng cách đào tạo theo từng vị trí công việc hoặc mở khoá đào tạo tại chỗ, vị đại diện trường chia sẻ thêm.
TPHCM dự kiến sáp nhập ít nhất 80% trường trung cấp vào trường cao đẳng
Theo đề án quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 1 của Sở Lao động - Thương binh và xã hội TPHCM, đến năm 2025, dự kiến TPHCM sẽ sáp nhập ít nhất 50% trường trung cấp vào trường cao đẳng hoặc sáp nhập trường cao đẳng hoạt động không hiệu quả vào trường đang hoạt động hiệu quả. Đến năm 2030, sáp nhập ít nhất 80% trường trung cấp vào trường cao đẳng.