(KTSG) - “Chúng ta cần nỗ lực để đầu tư công không chỉ đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng ngắn hạn của từng năm mà phải tạo dựng được tiền đề cho tăng trưởng bền vững trong những năm tiếp theo”, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.
- Bổ sung gần 6.400 tỉ đồng kế hoạch công trung hạn cho Bộ GTVT, tỉnh Sơn La
- GS.TS. Tô Trung Thành: Tư duy đúng hướng về đầu tư công
Tư duy khác về đầu tư công
KTSG: Trong năm 2024, đầu tư công vẫn được xác định là một trong những động lực tăng trưởng chính. Tuy nhiên, những tồn tại trong đầu tư công vẫn chưa có lời giải: giải ngân đầu tư công chậm, đầu tư công lãng phí, không tạo ra sức lan tỏa… Ông đánh giá như thế nào về tác động của đầu tư công tới tăng trưởng kinh tế năm 2024? Trước mắt, chúng ta cần điều chỉnh những vấn đề gì?
- TS. Lê Duy Bình: Thông thường, sau mỗi cuộc suy thoái, khủng hoảng hoặc khi nền kinh tế phải chịu một cú sốc từ bên ngoài, môi trường đầu tư bị tác động, gây ảnh hưởng tiêu cực tới đầu tư tư nhân. Khi đó, chi tiêu chính phủ, đặc biệt là chi cho đầu tư phát triển được thúc đẩy, bù đắp lại sự sụt giảm từ khu vực đầu tư tư nhân nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng kỳ vọng.
Đối với Việt Nam, trong năm 2023, các thành tố của tổng cầu đều có xu hướng tăng chậm lại. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tiêu dùng cuối cùng và tích lũy tài sản lần lượt tăng 3,52% và 4,09%, thấp hơn nhiều so với mức tương ứng là 7,09% và 5,4% năm 2022. Vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước chỉ tăng 2,7%, từ khu vực đầu tư nước ngoài tăng 5,4%, thấp hơn đáng kể so với mức tương ứng là 8,9% và 13,9% năm 2022. Vốn đầu tư từ khu vực nhà nước, trong đó có đầu tư công, là động lực trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Bước sang năm 2024, dù nền kinh tế đã ghi nhận một số dấu hiệu tích cực hơn trong hoạt động xuất nhập khẩu nhưng đầu tư từ tư nhân trong nước quí 1-2024 chỉ tăng khoảng 4,2%. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng đặt ra, đầu tư công vẫn đóng một vai trò rất quan trọng.
Tuy nhiên đối với đầu tư công, có một số vấn đề mà chúng ta cần ưu tiên giải quyết.
Thứ nhất, đầu tư công phải tập trung vào một số dự án lớn, dự án trọng điểm, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải. Đồng thời, thời gian triển khai dự án cần được rút ngắn để dự án sớm phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội. Cần chú trọng ưu tiên các dự án có ý nghĩa thúc đẩy hay là động lực cho sự phát triển của một địa phương, một vùng hay một lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế.
Thứ hai, cần đảm bảo tốc độ và quy mô giải ngân vốn đầu tư công. Theo thông tin từ Bộ Tài chính, đến hết ngày 30-4-2024, có tới 316 dự án, tiểu dự án của 48 địa phương có tỷ lệ giải ngân là 0%. Điều đó cho thấy nguồn vốn đầu tư công vẫn chưa được sử dụng một cách hiệu quả tại nhiều địa phương. Thực trạng này cần sớm được khắc phục.
Thứ ba, cần tập trung hơn vào một số ưu tiên để tạo dựng được mô hình tăng trưởng mới. Theo đó, đầu tư công cần hỗ trợ việc hình thành một số ngành công nghiệp mới như năng lượng sạch, công nghệ bán dẫn, sản xuất chip, điện tử, giao thông xanh, hạ tầng cho chuyển đổi xanh…
Cuối cùng, đầu tư công phải tạo ra sức lan tỏa lớn hơn, lôi kéo và kích thích đầu tư tư nhân. Điều này rất cần thiết với Việt Nam trong giai đoạn sắp tới, khi vốn đầu tư công sẽ ngày càng giảm dần khi so sánh với quy mô ngày một tăng của nền kinh tế. Sẽ có rất nhiều lĩnh vực cần đầu tư mà đầu tư công không thể đáp ứng được hay đầu tư công không nên làm mà phải dành cho đầu tư tư nhân. Chúng ta phải đặt ra mục tiêu ưu tiên kích thích đầu tư tư nhân thông qua đầu tư công và tìm được lời giải cho bài toán này.
KTSG: Trên một bài viết gây chú ý mới đây, ông đã đề cập tới vấn đề đầu tư công phải mở đường, là đòn bẩy để kích thích đầu tư tư nhân. Thực tế, chúng ta đã chú trọng và có các khung khổ pháp luật cho đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đã có những dự án đáng ghi nhận nhưng bức tranh chung vẫn chưa được như kỳ vọng. Theo ông, vấn đề đang nằm ở đâu?
- Đầu tiên, đầu tư thông qua hình thức đối tác công tư đang gặp nhiều vấn đề mang tính kỹ thuật, ví dụ như những quy định về thời gian hoàn vốn, tỷ lệ lãi cho phép của nhà đầu tư tư nhân, tỷ lệ tham gia của vốn nhà nước… Các vấn đề liên quan tới giải phóng mặt bằng phải được xử lý sao cho hài hòa giữa lợi ích nhà nước, lợi ích tư nhân và lợi ích của những người dân nhường mặt bằng cho dự án. Như vậy, còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ để hình thức đầu tư này thực sự hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư tư nhân.
Vấn đề thứ hai là các quy định của pháp luật liên quan tới đầu tư theo hình thức đối tác công tư phải rõ ràng, có tính tiên liệu cao hơn. Nhiều dự án PPP, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng có thể kéo dài hàng chục năm hoặc hơn, nếu có sự thay đổi trong các quy định của pháp luật có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của nhà đầu tư. Vậy nên, khung khổ pháp luật phải có tính tiên liệu cao, khi có sự thay đổi trong các quy định, phải đảm bảo tính kế thừa, tôn trọng cam kết đã ký kết trong hợp đồng PPP.
Dù vậy, đầu tư PPP không phải phương tiện duy nhất để dùng đầu tư công kích thích hay lôi kéo đầu tư tư nhân. Thực tế cho thấy vai trò của đầu tư công đã mở đường, dẫn dắt cho đầu tư tư nhân. Trong nhiều thập niên vừa qua tại nhiều địa phương, cơ sở hạ tầng như đường xá, sân bay, bến cảng được xây dựng đến đâu, đầu tư tư nhân đã nở rộ và lan rộng đến đó. Nhưng cũng không phải tất cả các địa phương đều được chứng kiến điều này.
Do vậy, hiệu quả đầu tư công phải được xem xét từ góc độ đóng góp như thế nào cho thúc đẩy đầu tư tư nhân, đánh thức tiềm năng kinh tế của một vùng đất, địa phương hay một ngành kinh tế mới. Thực tiễn thì hiệu quả của đầu tư công cũng phụ thuộc vào chất lượng của công tác quy hoạch, các mối liên kết vùng khi được thực hiện bài bản, có cân nhắc lợi thế so sánh từng vùng, phát triển kinh tế liên vùng, có cân nhắc tới nhu cầu và khả năng phát triển, kết nối giữa các thị trường.
Đầu tư công có thể thúc đẩy đầu tư tư nhân bằng cách giúp tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn đối với đầu tư tư nhân. Chẳng hạn, đối với những ngành công nghệ cao, sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, từ công nhân có tay nghề tới các kỹ sư thiết kế, vận hành đang là một trong những vấn đề tồn tại. Vậy thì đầu tư công có thể tập trung cho việc xây dựng hệ thống đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực mà các ngành kinh tế đang có nhu cầu cao thông qua nâng cấp, hiện đại hóa các trường dạy nghề, các phòng thí nghiệm, xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D).
Đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) còn có thể xây dựng cơ sở nền tảng, hạ tầng cho đầu tư tư nhân, mở ra những ngành, lĩnh vực kinh tế mới. Ví dụ như mạng lưới viễn thông, cáp quang, cơ sở dữ liệu dân cư, các trung tâm dữ liệu sẽ tạo ra những nền tảng cơ sở cho đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực kinh tế số, thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến.
Trước xu thế phát triển mới của kinh tế thế giới, tư duy về đầu tư công cũng cần được thay đổi, không chỉ được hiểu đơn thuần là những khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng như năng lượng, đường cao tốc, sân bay, bến cảng. Vốn đầu tư từ NSNN cũng có thể được sử dụng để đầu tư trực tiếp vào các công ty khởi nghiệp theo hình thức đầu tư mạo hiểm. Nhiều quốc gia đã áp dụng thành công khái niệm này.
Ví dụ như Israel từng có những nỗ lực ươm tạo các doanh nghiệp công nghệ dựa vào nguồn lực của nhà nước. Đặc biệt, thành công đã thực sự đến sau khi chính phủ đầu tư nguồn lực từ NSNN cho một tổ chức đầu tư mạo hiểm chuyên nghiệp, đó là Yozma, trụ cột đầu tiên của ngành đầu tư mạo hiểm ở nước này.
Sự ra đời của Quỹ Khởi nghiệp Yozma vào năm 1993 đã làm thay đổi căn bản hệ sinh thái khởi nghiệp Israel cũng như cách nhìn nhận của các nhà đầu tư vào thị trường này, tạo động lực phát triển cho các khối trong hệ sinh thái khởi nghiệp và giúp Israel sở hữu những phát minh và sáng chế thuộc hàng đầu trên thế giới, hỗ trợ rất nhiều cho ngành công nghệ mang hàm lượng chất xám cao của nước này. Yozma bao gồm vốn từ NSNN, ngân hàng đầu tư Israel, các quỹ đầu tư mạo hiểm ngoại quốc (đầu tư vốn, nhân lực quản lý), các nhà đầu tư Israel.
Tới nay đã có 20 tỉ đô la Mỹ đầu tư trong khối đầu tư mạo hiểm với nhiều công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán NASDAQ. Mô hình Yozma đã truyền cảm hứng cho rất nhiều nước sau này. Đầu tư bằng nguồn NSNN như vậy đã mang lại hiệu quả rất lớn, góp phần hình thành nền kinh tế dựa trên đổi mới, sáng tạo - một mô hình tăng trưởng mà Việt Nam đang hướng tới.
Tóm lại, chúng ta cần nỗ lực để đầu tư công không chỉ đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng ngắn hạn của từng năm mà phải tạo dựng được tiền đề cho tăng trưởng bền vững trong những năm tiếp theo, đồng thời đóng góp cho việc chuyển dịch sang một mô hình tăng trưởng mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, vị thế của Việt Nam trong bản đồ kinh tế thế giới.
Để tạo dựng nền tảng công nghệ cao
KTSG: Trước mắt, nếu Việt Nam muốn tập trung vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển những ngành mũi nhọn như chip bán dẫn, hay các ngành công nghiệp quan trọng như đường sắt, đầu tư công có thể thể hiện vai trò thúc đẩy đầu tư tư nhân ra sao? Chúng ta có thể nhìn vào kinh nghiệm của nước nào để học hỏi, rút kinh nghiệm về vấn đề này?
- Ở thời điểm hiện tại, đầu tư công đang đứng trước thách thức mới. Nhiệm vụ của đầu tư công là thúc đẩy và dẫn dắt đầu tư tư nhân để tạo nên một nền tảng mới, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế.
Chẳng hạn, rất nhiều thị trường xuất khẩu đòi hỏi hàng hóa từ Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, tiêu chuẩn về phát triển bền vững. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) yêu cầu được tiếp cận năng lượng sạch mới vào Việt Nam để đảm bảo các yêu cầu về nhà máy trung hòa carbon. Trước tình hình đó, đầu tư công phải tính toán sao cho đáp ứng được những yêu cầu mới này, tức là tự mình hoặc cùng đầu tư tư nhân để tạo ra một sản lượng năng lượng xanh đủ để đáp ứng nhu cầu mới này của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đối với các ngành công nghệ cao như chip hay bán dẫn, việc thu hút được doanh nghiệp FDI đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam rất quan trọng. Một mặt, đầu tư công phải nâng cao nguồn nhân lực, củng cố hệ sinh thái cho các ngành quan trọng như bán dẫn, mặt khác đầu tư công cần góp phần nâng cao chất lượng môi trường đầu tư và chất lượng môi trường sống, giáo dục, y tế...
Trong các ngành công nghệ cao, chúng ta không thể ép buộc doanh nghiệp FDI liên kết với doanh nghiệp nội địa. Chỉ khi doanh nghiệp trong nước mạnh lên, có lợi thế so sánh về sản xuất, tiếp cận thị trường, công nghệ, nhân lực, trình độ quản trị thì các doanh nghiệp FDI sẽ tự tìm đến để thiết lập mối quan hệ đối tác kinh doanh. Nguồn vốn đầu tư công do vậy cũng cần phải góp phần tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước lớn mạnh.
Các công trình cơ sở hạ tầng lớn, ví dụ như đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, các tuyến đường sắt đô thị với tổng vốn đầu tư công lên tới hàng trăm tỉ đô la, sẽ là cơ hội tốt để giúp các doanh nghiệp trong nước lớn mạnh. Đầu tư công vào các lĩnh vực này cần phải tính đến các mục tiêu về phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước, phát triển các doanh nghiệp trong nước trong những ngành này chứ không chỉ có mục tiêu duy nhất là hoàn thành những tuyến đường sắt đó.
Do vậy, mức độ đóng góp về phát triển doanh nghiệp trong nước, hình thành và củng cố ngành công nghiệp trong nước và thu hút sự tham gia của đầu tư tư nhân nhất định phải được coi là một tiêu chí quan trọng khi thiết kế, thẩm định và phê duyệt các dự án đầu tư công có tính chất trọng điểm quốc gia này.
Trong những năm qua, chúng ta đã sử dụng tốt nguồn vốn đầu tư công, đặc biệt là cho việc hình thành kết cấu cơ sở hạ tầng phục vụ nền kinh tế. Thực tiễn phát triển mới của đất nước hiện nay đòi hỏi chúng ta cần có những tư duy mới về nguồn vốn đầu tư công, về vai trò của nó và cách thức sử dụng, đầu tư nguồn vốn này để sao cho nền kinh tế thông qua nguồn vốn này sẽ phát huy mạnh mẽ hơn sức mạnh tổng hợp từ nguồn vốn đầu tư tư nhân, đánh thức được tiềm năng nội lực của các doanh nghiệp trong nước và đồng thời phát triển được doanh nghiệp trong nước, phát triển được các ngành công nghiệp mới với mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hiện đại, công nghiệp hóa, tự chủ, tự cường.