(KTSG) - Khác với những năm trước đây, ngân sách nhà nước đang bội thu, tức thu nhiều hơn chi.
- Đề xuất dùng vốn ngân sách mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây
- Nợ thuế ở TPHCM chiếm hơn 9% số thu ngân sách được giao
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, bảy tháng đầu năm 2023 tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.016.100 tỉ đồng, bằng 62,7% dự toán năm và giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tổng chi ngân sách nhà nước trong cùng thời kỳ chỉ là 957.000 tỉ đồng, bằng 46,1% dự toán, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, bảy tháng đầu năm nay ngân sách nhà nước bội thu - thu nhiều hơn chi khoảng 59.100 tỉ đồng. Con số bội thu của cả năm 2022 còn lớn hơn, đạt mức 241.000 tỉ đồng, bởi tổng chi ngân sách cho cả năm chỉ bằng 87,5% dự toán.
Những năm trước đó, ngân sách nhà nước luôn ở mức bội chi, tức chi nhiều hơn thu. Chẳng hạn, mức bội chi của năm 2019 là 222.000 tỉ đồng, tương đương 3,6% GDP; của năm 2020 sau quyết toán là 216.405 tỉ đồng, tương đương 3,44% GDP và năm 2021 là 343.670 tỉ đồng, tương đương 4% GDP.
Bội chi ngân sách nhiều thì gây lo lắng, vì thu không đủ chi buộc chúng ta phải vay nợ, cả trong lẫn ngoài nước. Vì thế nghe ngân sách nay chuyển sang bội thu, tưởng đâu là tin mừng nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Ngân sách đang ở trạng thái bội thu là bởi chúng ta không thể chi tiền cho các dự án, chương trình, kế hoạch đã được lên kế hoạch, đã được phê duyệt, thông qua; cụ thể năm 2022 chỉ chi bằng 87,5% dự toán và bảy tháng đầu năm nay chỉ bằng 46,1% dự toán. Đây là những vướng mắc cần nhanh chóng tháo gỡ vì chi không hết các khoản tiền đã lên kế hoạch có nghĩa nền kinh tế sẽ không đạt được mức tăng trưởng vạch ra, không đạt được các mục tiêu kinh tế, xã hội gắn liền với các dự án hay chương trình và nhất là không giúp tạo công ăn việc làm cho xã hội.
Phân tích kỹ hơn cơ cấu chi ngân sách, trong khi chi thường xuyên và chi trả nợ vẫn gần đúng tiến độ đã định (lần lượt bằng 53,7% và 57,5% dự toán) thì chi đầu tư phát triển chỉ đạt 36,8% so với dự toán mặc dù đã tăng 43,2% so với cùng kỳ năm trước. Vì thế để GDP đạt mức tăng trưởng đã đề ra cần chú trọng công tác giải ngân cho đầu tư công, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của những tháng còn lại trong năm.
Cũng chính vì tình hình hai năm gần đây ngân sách đã chuyển từ bội chi sang bội thu nên nhiều chuyên gia, nhà kinh tế, các tổ chức quốc tế đều khuyến cáo chúng ta còn dư địa để triển khai nhiều chính sách tài khóa thích hợp nhằm kích thích tăng trưởng, đặc biệt chính sách tài khóa giúp nhắm tới các đối tượng cần được hỗ trợ hơn là các chính sách tiền tệ chung. Thế giới bên ngoài vẫn nằm trong xu hướng tăng lãi suất để chống lạm phát; chúng ta không nên sớm áp dụng chính sách tiền tệ quá nới lỏng, nhất là trong bối cảnh giá lương thực thế giới, giá gạo đang tăng cao, có thể kéo theo giá cả trong nước tăng theo. Chính sách tiền tệ nới lỏng cũng không phù hợp khi nợ xấu của hệ thống ngân hàng vẫn trong xu hướng tăng.
Liên quan đến chính sách tài khóa, trong nội dung tham vấn mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa tiến hành với Việt Nam, IMF có khuyến cáo nên thận trọng với các mức giảm thuế mang tính lũy thoái và có hại cho nỗ lực chống biến đổi khí hậu như giảm lệ phí trước bạ ô tô. Thay vào đó nên chú trọng các chính sách tăng chi cho hạ tầng, củng cố mạng lưới an sinh xã hội và giải quyết các nhu cầu xã hội khác. Đó là một khuyến cáo đáng lưu ý, nhất là khi ngân sách đang bội thu như hiện nay.
Hiện nay, các bệnh viện lớn đang thiếu, thậm chí bệnh nhân phải nằm hành lang, phòng khám thì chật cứng bệnh nhân đến khám, nhiều bệnh viện xuống cấp cũ nát như bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM, bệnh viện tâm thần TP HCM v.v. Các trường học cũng thiếu, phụ huynh phải thức hai, ba giờ sáng để xếp hàng chờ nộp hồ sơ hay có trường phụ huynh phải rút thăm để con mình được nhập học. Sao không tăng ngân sách dành cho Y tế và giáo dục lên để xây thêm bệnh viện và trường học.
Nếu bội thu vì chậm chi/ chối chi/ cắt chi… Hoặc bội chi vì không hiệu quả/ không tiết kiệm/ không bền vững… Cả hai tình huống đều bị xem là tối kỵ trong quản trị ngân sách. Định nghĩa lại ngân sách mới là điều tối quan trọng. Quan điểm chính thống lâu nay vẫn cứ ngộ nhận rằng ngân sách là tài sản của nhà nước. Thực chất đó phải là sở hữu của toàn dân. Giống như đất đai, ngân sách là tài sản do chính nhân dân ủy thác nhà nước quản lý và sử dụng. Nhân dân có trách nhiệm chính trong việc tạo lập nên nguồn lực ngân sách, cũng như có đầy đủ quyền trong việc hưởng thụ nguồn lực đó một cách công khai, minh bạch, hợp lý. Một khi không định nghĩa lại để có định hướng thiết kế lại cơ chế quản lý thì sẽ không thay đổi được thực trạng ngân sách như hiện nay.