Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Từ chuyện ‘cứu’ vải thiều Bắc Giang đến quy trình tiêu thụ hàng hóa từ vùng dịch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Từ chuyện 'cứu' vải thiều Bắc Giang đến quy trình tiêu thụ hàng hóa từ vùng dịch

L.Nhi

(KTSG Online) - Thủ tướng Chính phủ trong nội dung chỉ đạo tại cuộc họp ngày 24-5 đã chỉ đạo Bộ Công Thương và các ngành “cứu” lấy vải thiều Bắc Giang, để không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản trên cả nước nói chung. Ngay sau đó, Bộ Công Thương và tỉnh này đã đẩy nhanh việc kết nối tiêu thụ.

Từ chuyện 'cứu' vải thiều Bắc Giang đến quy trình tiêu thụ hàng hóa từ vùng dịch
Vải thiều tại Bắc Giang đã đến vụ nhưng nỗi lo tiêu thụ, đứt chuỗi cung ứng là rất lớn. Ảnh: bacgiang.gov.vn

Câu chuyện thu hoạch, tiêu thụ vải thiều Bắc Giang

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ước tính sản lượng  vải thiều vụ này sẽ đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020), trong đó vải chín sớm 6.050ha, sản lượng ước 45.000 tấn. Vải thiều chính vụ diện tích 22.050ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn. Thời gian thu hoạch vải dự kiến như sau: Vải chín sớm sẽ tập trung thu hoạch rộ từ 20-5 đến 10-6; Vải chính vụ sẽ thu hoạch rộ từ 10-6 đến 20-7.

Vấn đề đặt ra là đảm bảo chuỗi cung cầu nông sản như Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, song đồng thời cũng phải đảm bảo các giải pháp chống dịch đối với hàng hóa ra đi từ vùng dịch một cách an toàn nhất. Do đó nên Bộ Công Thương và tỉnh Bắc Giang phải đề xuất các giải pháp thích hợp. Bài học giải cứu tự phát nông sản tại tỉnh Hải Dương trước dịp Tết Nguyên đán vẫn còn nhiều bài học kinh nghiệm.

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương cho biết, Bắc Giang là tỉnh sản xuất nông nghiệp trong nhóm đứng đầu cả nước nên sản lượng nông sản hàng hóa cần tiêu thụ rất lớn. Vải thiều bắt đầu vào vụ với sản lượng khoảng 180 nghìn tấn, trong khi đó thời gian thu hoạch, tiêu thụ chỉ trong khoảng 1 tháng. Dưa hấu, dứa đều đang vào vụ thu hoạch. Đàn gà khoảng 1.700 tấn, đàn lợn khoảng 5.600 tấn. Chỉ tính riêng những loại nông sản chính, giá trị đã lên tới hàng nghìn tỉ đồng cần giải cứu.

Hiện nay lợn, gà vẫn tiêu thụ được nhưng giá thấp. Đối với tiêu thụ vải thiều, vải sớm tiêu thụ thuận lợi do sản lượng ít, nhu cầu tiêu dùng cao. Tuy nhiên trong quá trình vận chuyển vào miền Nam qua rất nhiều chốt kiểm soát nên mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến chất lượng quả vải.

Trước khó khăn về tiêu thụ nông sản, tỉnh Bắc Giang tập trung khoanh vùng sản xuất, kiểm soát chặt chẽ người sản xuất để tránh lây dịch bệnh tại đây, triển khai các biện pháp đảm bảo quả vải đủ tiêu chuẩn, an toàn thực phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Đồng thời chú trọng tiêu thụ qua thương mại điện tử; mời các sàn thương mại điện tử ký kết tiêu thụ, tuy nhiên xe vào thu mua lẫn hệ thống tiêu thụ của họ đều gặp khó khăn do dịch bệnh.

Quy trình về thu mua, tiêu thụ hàng hóa từ vùng dịch

Mặc dù tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp; song tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp chặt chẽ với Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương chủ động xây dựng các kịch bản dự trữ, tiêu thụ hàng hóa ứng phó dịch bệnh Covid-19.

Ông Lê Ánh Dương khẳng định, vải thiều Bắc Giang có chất lượng vượt trội, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, được trồng trọt, chăm sóc ở “Vùng vải an toàn dịch bệnh”, không bị tác động COVID-19; thị trường trong và ngoài nước có thể yên tâm tin dùng.

Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang mong muốn Bộ Công Thương ủng hộ tỉnh Bắc Giang kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chính thức với các tỉnh, thành phố về việc tạo điều kiện cho hàng hóa nông sản Bắc Giang được lưu thông tiêu thụ khi đảm bảo các điều kiện về an toàn dịch bệnh.

Bộ Công Thương sẽ làm đầu mối kết nối Bắc Giang với các chi nhánh ở nước ngoài hỗ trợ, tạo điều kiện tuyên truyền, quảng bá và thúc đẩy kết nối, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều Bắc Giang ở thị trường các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Singapore...

Đánh giá về sự phối hợp của địa phương với các đơn vị Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, hai bên đã có sự phối hợp chặt chẽ và đã chủ động lên kịch bản sát thực tế các tình huống có thể xảy ra.

Đối với việc vận chuyển hàng hóa của tỉnh Bắc Giang đến các tỉnh, thành khác trên toàn quốc, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN-PTNN, Bộ Y tế ban hành quy trình về thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông sản của các vùng có dịch.

Ông Hải cho rằng không chỉ riêng Bắc Giang mà bất cứ bất kỳ tỉnh, thành nào có dịch đều phải tuân thủ đúng quy định. Vì vậy, ông đề nghị Bắc Giang và các tỉnh có dịch thực hiện theo đúng hướng dẫn tại các văn bản của Bộ Công Thương về việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa nông sản của vùng có dịch.

Về việc tiêu thụ nông sản, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, không nên quá phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu truyền thống, cần tập trung tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa. Điều này có ý nghĩa quan trọng, không chỉ trong năm nay mà còn trong thời gian tới.

Ông đề nghị tỉnh Bắc Giang lưu ý, theo quy định hướng dẫn thu mua, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, Bắc Giang nên cử một đầu mối là Sở Công Thương hay một đơn vị trực thuộc cấp các giấy tờ chứng nhận theo quy định về phòng, chống dịch đối với nông sản, giúp cho sản phẩm từ Bắc Giang thuận lợi qua các tỉnh, thành phố và tiêu thụ trong thời gian sớm nhất, tránh bị ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với địa phương, trên tất cả các kênh để bảo đảm tiêu thụ hết sản phẩm cho người nông dân. Đồng thời, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu đặc biệt chú ý xây dựng quy trình xuất khẩu theo đường chính ngạch.

Các biện pháp kết nối:

1/ Bộ Công Thương phối hợp với các tỉnh, thành hỉ đạo các sở, ban ngành và các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản sản xuất, kinh doanh thực hiện hình thức thu mua, tiêu thụ online và sẽ nhận hàng tại các cửa khẩu.

2/ Đề nghị Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với các Vụ thị trường nước ngoài làm việc với các Bộ, ngành liên quan đề xuất phương hướng hỗ trợ duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống, xử lý vướng mắc trong quá trình thông quan hàng hóa tại biên giới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác lưu thông hàng hóa, nhất là thị trường Trung Quốc.

3/ Yêu cầu Cục Thương mại điện tử và kinh tế số phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại và Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ địa phương quảng bá, xúc tiến tiêu thụ quả vải thiều qua trên môi trường số, đặc biệt là trên các sàn thương mại điện tử, các phiên giao thương trực tuyến với các thị trường xuất khẩu tiềm năng.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới