Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Từ chuyển động ở Sabeco…

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Từ chuyển động ở Sabeco…

Lưu Hảo

Nhà đầu tư tham gia đấu giá phát hành cổ phiếu lần đầu của Sabeco đầu năm 2008. Ảnh: T.L.

(TBKTSG) – Sab Miller – một trong những hãng bia lớn nhất thế giới; Kirin Brewery Company Ltd – công ty đồ uống lớn nhất Nhật Bản; Asahi Breweries Limited – hãng bia và đồ uống Nhật Bản; Asia Pacific Breweries Ltd – sở hữu nhãn hiệu bia Heineken đang là bốn ứng cử viên trong danh sách đối tác chiến lược nước ngoài mua cổ phần của Sabeco, theo Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC).

Tuy nhiên Bộ Công Thương, đại diện phần vốn nhà nước tại Sabeco, vẫn chưa quyết định sẽ chọn đối tác nào.

Sau khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, Nhà nước vẫn còn giữ tới 89% vốn ở Sabeco. Thời gian đầu Sabeco dự kiến bán thêm 20% vốn cho nước ngoài, nhưng nay tỷ lệ bán có thể lên tới 38%, tức Nhà nước vẫn sở hữu 51%, chiếm cổ phần chi phối.

Trong sự cân nhắc chọn lựa người mua, một trong những vấn đề tiên quyết là Sabeco bán với giá nào. Với giá không thấp hơn giá IPO bình quân như quy định từ trước đến nay hay theo giá thị trường hiện tại? Khoảng cách giữa hai mức giá này đang khá chênh lệch: giá thị trường bây giờ chừng 37.000 đồng/cổ phiếu, còn giá IPO tới 70.000 đồng/cổ phiếu. Nếu bán theo giá IPO, Nhà nước sẽ thu về 14.170 tỉ đồng. Ngược lại bán theo giá thị trường, Nhà nước chỉ thu được 7.490 tỉ đồng, chênh nhau tới 6.680 tỉ đồng.

Sabeco là một doanh nghiệp lâu năm, có thương hiệu, thị phần, điều đó đúng. Nhưng liệu các đối tác nước ngoài có vì thế mà sẵn sàng mua với giá 70.000 đồng/cổ phiếu? Có lẽ luận điểm này hiện khó đứng vững. Mọi sự mua bán đều phải theo giá thị trường. Vietcombank IPO với giá hơn 100.000 đồng/cổ phiếu, nhưng mới đây bán cổ phần cho Mizuho với giá 34.000 đồng/cổ phiếu. Giá bán của Vietcombank vẫn cao hơn so với giá cổ phiếu đang niêm yết trên sàn. Nếu suy từ đây, có thể phỏng đoán giá nước ngoài mua Sabeco sẽ cao hơn giá thị trường một vài nấc nào đó, nhưng sẽ không quá cách biệt.

Điểm lại các thương vụ nước ngoài mua cổ phần doanh nghiệp Việt Nam với giá trị hàng trăm triệu đô la Mỹ gần đây, thấy nổi lên một số vấn đề. Trong khi giá bán của các doanh nghiệp nơi Nhà nước đang giữ cổ phần chi phối thường thấp hơn nhiều so với giá IPO, thì giá bán (tính trên cổ phiếu) của các công ty tư nhân lại khá cao, cao hơn hẳn giá thị trường. Tập đoàn Masan từng bán cổ phần của công ty thành viên là Masan Comsumer với giá tới 220.000 đồng/cổ phiếu trong khi giá thị trường bấy giờ chỉ hơn 100.000 đồng/cổ phiếu. Mới đây Masan lại thành công trong thỏa thuận huy động 235 triệu đô la Mỹ cho tập đoàn và các công ty con bằng các công cụ nợ có khả năng chuyển đổi sang cổ phiếu.

Có hai lý do có thể giải thích cho sự khác biệt về giá bán. Thời điểm IPO của các doanh nghiệp nhà nước nhiều năm trước và hiện tại không giống nhau. Một VN-Index thời đỉnh cao và thời suy thoái kéo dài tất nhiên tạo nên khoảng cách rất xa về giá cổ phiếu. Song điều có ý nghĩa hơn là ở các doanh nghiệp như Vietcombank, Sabeco… Nhà nước vẫn nắm vai trò chủ chốt.

Nước ngoài góp vốn vào đó với tư cách cổ đông chiến lược, nhưng không có quyền phủ quyết, nên các khoản đầu tư của họ thực chất mang tính đầu tư tài chính. Không có quyền điều hành, thay đổi quản trị doanh nghiệp, thực hiện các chiến lược lấy lợi nhuận làm mục đích… thì nước ngoài khó lòng trả giá cao. Đó là chưa kể với Vietcombank hay Sabeco, Nhà nước có quyền giao cho các đơn vị này thực hiện những nhiệm vụ mang tính chính sách như cho vay ưu đãi hay phân phối bia với giá nhất định nào đó để ổn định thị trường khi cần. Những chỉ đạo như vậy có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của các cổ đông nhỏ lẻ, thiểu số.

Các công ty tư nhân tránh được phương thức quản trị, điều hành như vậy. Ở các doanh nghiệp như Masan, quyền lợi của cổ đông có lẽ là cao nhất – điều mà các đối tác xem trọng, nhất là với các quỹ đầu tư. Ngoài ra quản trị của doanh nghiệp tư nhân thường thông thoáng, dễ thay đổi linh hoạt căn cứ vào biến động thị trường.

Với việc bán cổ phần cho nước ngoài của Vietcombank mới đây, quan niệm cổ phần hóa của Nhà nước đã có những biến chuyển tích cực. Chấp nhận giá bán 34.000 đồng/cổ phiếu Vietcombank, giảm tới 65% so với giá IPO là một sự nhìn nhận thực tế. Tương tự là việc Nhà nước phê duyệt giá khởi điểm IPO của BIDV 18.500 đồng/cổ phiếu. Nếu IPO vào năm 2006-2007, hẳn giá cổ phiếu BIDV đã khác. Nói thế để thấy rằng chọn lựa thời điểm cổ phần hóa là vô cùng quan trọng. Ba năm qua, tiến trình cải cách khối quốc doanh, trong đó chủ yếu cổ phần hóa, đã không đạt được tốc độ mong muốn, một phần do ở những góc nào đó, sự nhìn nhận thiếu thực tế, chưa sát với thị trường. 

Trường hợp Sabeco, cho dù Bộ Công Thương chọn ai trong bốn ứng cử viên, thì cũng đã đến lúc phải thúc đẩy nhanh các cuộc thương lượng và sau đó niêm yết công ty. Nếu chưa thể linh hoạt được cung cách quản trị doanh nghiệp ở Sabeco, ít nhất việc đưa công ty lên sàn sẽ giúp minh bạch hóa thông tin. Kể từ ngày IPO Sabeco đến nay, những người tham gia IPO là những cổ đông thiệt thòi không chỉ vì giá thị trường của cổ phiếu luôn thấp hơn giá IPO, mà còn vì cổ phần hóa doanh nghiệp giẫm chân tại chỗ. Những chuyển động ở Sabeco có thể góp phần chứng minh cải cách doanh nghiệp quốc doanh đang được khởi động lại với những hứa hẹn mới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới