Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Từ chuyện SVB phá sản nhìn về dòng tiền trên thị trường startup

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tình trạng lạm phát tăng cao toàn cầu đã đặt các công ty khởi nghiệp (startup) vào tình thế đối mặt với bài toán về cân đối dòng tiền, không thể duy trì thời kỳ "đốt tiền để tăng trưởng". Câu chuyện này càng trở nên thời sự trong bối cảnh Silicon Valley Bank - ngân hàng chuyên đầu tư cho các nhà khởi nghiệp công nghệ - vừa rơi vào trạng thái phá sản khi dòng tiền của các startup có vấn đề.

Không chỉ có các công ty khởi nghiệp mà những ông lớn công nghệ đứng trước thách thức tái cấu trúc hoạt động. Ảnh minh họa: DNCC.

Định giá sụt giảm mạnh, dòng tiền cạn dần

Cuối tuần trước, sự kiện Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) phá sản đã gây ra làn sóng chấn động khắp hệ thống tài chính toàn cầu, nối tiếp sau đó là Signature Bank và Silvergate Bank. Tất cả đều là ngân hàng hoạt động với nhóm khách hàng đặc thù là giới công nghệ, khởi nghiệp.

Là ngân hàng lớn nhất phá sản kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, SVB được xem là ngân hàng của giới khởi nghiệp. Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp,  khoản tiền gửi tại SVB bất ngờ tăng nóng gần 4 lần chỉ trong hai năm, lên đến khoảng 200 tỉ đô la, trong đó đa số là các công ty có liên quan đến lĩnh vực công nghệ, gồm các quỹ đầu tư hoặc công ty khởi nghiệp.

Đến nay bối cảnh đã đảo ngược, các công ty khởi nghiệp bắt đầu rút tiền về để chi trả cho hoạt động kinh doanh, các quỹ đầu tư cũng rút lui. Mặt khác, môi trường lãi suất cao khiến SVB ghi nhận khoản lỗ vượt qua vốn chủ sở hữu (khi có một nửa tài sản là danh mục đầu tư trái phiếu chính phủ Mỹ và các giấy tờ đảm bảo bằng tài sản thế chấp với mức lợi suất thấp), cộng thêm hàng loạt lệnh rút tiền sau đó đẩy ngân hàng này rơi vào cảnh mất thanh khoản.

Chính phủ Mỹ đang thực hiện nhiều giải pháp giúp xoa dịu tình hình, nhưng ở góc nhìn khác cho thấy tình hình vốn đầu tư và dòng tiền của các công ty khởi nghiệp dường như sẽ càng căng thẳng hơn trong năm nay, dù cho nhóm này đã trải qua một năm 2022 có thể nói là tồi tệ.

Thị trường khởi nghiệp Việt Nam vì thế cũng nên chuẩn bị cho bài toán tương tự trong thời gian tới. Câu chuyện không chỉ là khó huy động vốn đầu tư, mà còn là cạn dòng tiền hoạt động.

Trên thực tế trong thời gian qua, chuyện các công ty khởi nghiệp hết tiền không phải là chuyện hiếm. Nổi bật gần đây là câu chuyện của chuỗi trung tâm tiếng Anh Apax Leaders đang đối diện với tình trạng nhiều phụ huynh kiên quyết yêu cầu trả phần học phí đã nộp, phàn nàn về chất lượng trong bối cảnh đơn vị này đã đóng cửa hàng loạt trung tâm.

Tại một tọa đàm trực tuyến mới đây, theo ông David Đỗ, nhà sáng lập quỹ đầu tư Vietnam Investment Group (VI Group), sự kiện SVB ảnh hưởng lớn tới khu vực Đông nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng vì bản thân ngân hàng này cũng là nhà đầu tư mạo hiểm và nhiều hoạt động liên quan tại đây. Do đó, thị trường khởi nghiệp tại Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể.

Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý là tại thị trường Việt Nam, định giá doanh nghiệp chưa thay đổi nhiều trong khi thế giới đã giảm mạnh, ngay cả ở khu vực Đông Nam Á, nhiều ông lớn công nghệ đã giảm nhanh.

Dù vậy, tình hình kinh tế Việt Nam được vị này dự báo là còn khó khăn và các doanh nghiệp sẽ phải đối diện với hai năm khó khăn tiếp theo. “Cái lo là lạm phát cao ở Việt Nam chưa xảy ra khi so với nước khác”, ông David Đỗ bình luận.

Ông Tiến Nguyễn, đồng sáng lập quỹ đầu tư Earth Venture Capital, đánh giá để giải quyết toàn bộ câu chuyện của SVB có thể kéo dài vài năm. Trong bối cảnh này, không còn cách nào khác là chính các startup phải tìm cách để sống sót, kéo dài thời gian có thể hoạt động.

Không gian triển lãm tại sự kiện Finovate Product Day dành riêng cho giới công nghệ - tài chính (Fintech) vào cuối tháng 10 năm ngoái. Đơn vị tổ chức Jobhopin cho biết sự kiện lần 2 sẽ diễn ra vào cuối tháng 3 này, ghi nhận nhiều sản phẩm công nghệ mới và ấn tượng trong bối cảnh các startup tập trung làm sản phẩm thay vì đi gọi vốn. Ảnh: DNCC.

Hết thời "đốt tiền để tăng thị phần", xoay sở để tồn tại

Chia sẻ với KTSG Online tại buổi họp báo mới đây, ông Kevin Tùng Nguyễn, nhà sáng lập JopHopin, nền tảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quản lý nhân sự thành lập năm 2016, cho biết ảnh hưởng từ kinh tế toàn cầu hiện ảnh hưởng rất rõ đến Việt Nam.

Trong năm ngoái, công ty này cắt giảm hơn một nửa nhân sự, xuống còn hơn 100 người, chọn lọc lại để tập trung phát triển sản phẩm và theo hướng cắt giảm chi phí. Điều này cũng tương tự với nhóm thị trường khởi nghiệp nói chung, tập trung vào tối ưu hóa hoạt động để có thể kiếm tiền.

“Bây giờ không mong công ty phát triển nhanh như những năm trước nữa, mà là hiệu quả. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn đánh giá tiềm năng của Việt Nam còn rất lớn, điều quan trọng là họ phải thấy được nhà sáng lập sẽ điều hành như thế nào để tồn tại được với thị trường hay không. Thời gian tới sẽ khó khăn nhưng là sự thanh lọc, những công ty nào sống sót thì quỹ mạo hiểm họ càng thích theo đuổi”, ông Kevin nói.

Đánh giá tương tự, ông David Đỗ cho rằng những lĩnh vực phát triển nhanh trong thời gian qua hiện đang nỗ lực cắt giảm nhanh chi phí, đặc biệt là lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ cắt giảm nhân sự đáng kể.

Không chỉ vậy, trong thời gian tới, xu hướng sẽ là hợp nhất sáp nhập, đặc biệt là trong lĩnh vực logistics hay thương mại điện tử. “Hoạt động công ty cần có lãi, chứ không thể nào đốt tiền để kiếm khách hàng như trước được nữa”, đại diện quỹ VI Group khẳng định.

Để giải quyết bài toán hiện nay của thị trường, các chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp và đầu tư tin rằng bài toán hiện nay của thị trường vẫn là câu chuyện dòng tiền để sống sót.

Ông Tiến, đại diện quỹ Earth Venture Capital, lý giải thêm rằng các nhà sáng lập sẽ phải tìm cách để tối ưu hóa chi phí, sử dụng nhiều nền tảng, công cụ khác nhau mà không cần trả quá nhiều tiền, thay vì cứ “đốt tiền” như ngày xưa.

Vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu đã giảm mạnh kể từ quí 2 năm ngoái.

Bên cạnh dòng tiền từ tối ưu hóa chi phí, việc khai thác tập khách hàng hiện hữu trở nên đặc biệt quan trọng, làm sao để gia tăng thêm doanh thu trên mỗi khách hàng. “Quan trọng bây là khách hàng trung thành, dòng tiền này sẽ giúp startup sống lâu hơn trong giai đoạn này”, ông Tiến nói.

Khi không còn “đốt tiền” nữa thì yêu cầu đối với các nhà khởi nghiệp lại càng nặng nề hơn bao giờ hết. Câu chuyện quan trọng mà đại diện nhiều quỹ đầu tư cho rằng đó là sự linh hoạt xoay sở của nhà khởi nghiệp.

Ông Phan Minh Tâm, Chủ tịch quỹ đầu tư STI cho rằng một đặc điểm tốt của giới khởi nghiệp Việt Nam là tính linh hoạt, khả năng “sống sót” cao, tuy nhiên có sự khác biệt giữa hai thế hệ khởi nghiệp. Thế hệ khởi nghiệp ngày nay giỏi  có thể chuyên môn hơn, nhưng chưa chắc sẽ có thể đảm đương mọi vị trí trong startup khi cần thiết như xưa.

Ở vai trò là nhà khởi nghiệp cũng như là nhà đầu tư đã “sống sót” qua cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, ông Tâm cũng chia sẻ kinh nghiệm rằng nếu các công ty khởi nghiệp cần tính đến kế hoạch tài chính dự phòng, có thể là chấp nhận định giá thấp hơn để huy động thêm để dành phần tiền tiết kiệm.

“Định giá có thể sẽ thấp hơn nhưng chắc chắn sẽ tăng khả năng sống sót thì vẫn sẽ tốt hơn chuyện mất thời gian để xử lý chắp vá câu chuyện thiếu hụt dòng tiền. Nguyên tắc chung là tự cứu lấy mình, làm sao để có sự an toàn cao nhất, lấy sống sót làm hàng đầu”, ông Tâm bình luận.

Trong báo cáo về tình hình các giao dịch vốn đầu tháng 2 vừa qua, hãng kiểm toán và tư vấn PwC cho biết hiện các nhà đầu tư mạo hiểm có thể rút lui khỏi một số khoản đầu tư rủi ro.

Một bức tranh khác là các quỹ đầu tư tư nhân sẽ xem xét các giao dịch mới và tập trung vào việc tạo ra giá trị cho các công ty trong danh mục đầu tư. Hoạt động này sẽ đi cùng với việc tối ưu hoạt động vận hành, xây dựng công ty và thoái vốn.

Dù vậy, tại thị trường Việt Nam cơ hội giao dịch vẫn còn lớn trong nửa sau năm 2023. Các lĩnh vực được quan tâm hiện vẫn là năng lượng tái tạo, chăm sóc sức khỏe, logistics và giáo dục, đồng thời mở rộng cơ sở sản xuất, mở rộng thị phần và khai thác lực lượng lao động có trình độ, cũng như phát triển các tệp khách hàng. “Trong bối cảnh thắt chặt tài chính, doanh nghiệp có bảng cân đối kế toán mạnh sẽ có nhiều cơ hội hơn” báo cáo PwC có đoạn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới