(KTSG) - Có lẽ sau cú sụt giá không phanh của các đồng tiền mã hóa, sự quan tâm của mọi người đến tiền mã hóa nói chung và công nghệ vận hành đằng sau chúng đã giảm sút nhiều. Thế nhưng sự kiện sắp tới - bản chất là thay đổi công nghệ vận hành đồng Ethereum - sẽ có tác động mang tính sống còn, quyết định tương lai của tiền mã hóa nên dù muốn dù không cũng cần biết nó là gì.
Hai cụm từ then chốt để hiểu sự thay đổi công nghệ này là “proof of work” và “proof of stake”. Ethereum cũng như bitcoin chạy trên nền tảng “proof of work”, tức mỗi khi xuất hiện một giao dịch, tất cả các máy tính trong hệ thống đua nhau để giải các bài toán phức tạp, ai giải được trước tiên sẽ giành được quyền xác nhận giao dịch này và sẽ được thưởng bằng các đồng tiền mới sinh ra.
Quá trình này chính là “proof of work” (bằng chứng lao động) nên mới sinh ra từ “đào tiền mã hóa”, tạo nên giá trị của đồng tiền nhưng do tranh đua như thế nên các máy tính tham gia tiêu tốn một lượng điện khổng lồ, là điểm yếu nhất của các đồng tiền mã hóa. Mức độ tác hại gây ra biến đổi khí hậu của Ethereum tương đương với cả nước Phần Lan.
Nay việc chuyển đổi công nghệ sẽ giúp Ethereum từ bỏ nền tảng “proof of work” sang “proof of stake”. Trong hệ thống này các máy tính tham gia thay vì đua tranh để giải các bài toán thì mỗi máy sẽ nộp một số lượng đồng tiền nhất định như đặt cược lấy chỗ, tiếng Anh gọi là “stake”.
Sau khi có “bằng chứng đặt cược” rồi, mỗi khi có giao dịch, hệ thống sẽ tổ chức xổ số chọn máy nào may mắn sẽ được quyền xác nhận giao dịch, ghi vào sổ cái và cũng sẽ được thưởng tiền như cách cũ.
Người ta cho rằng xổ số chọn máy thắng cuộc thay vì đua tranh giải toán sẽ giảm đến 99% lượng điện tiêu thụ, rút ngắn thời gian cần thiết để xác nhận các giao dịch, từ đó cải tiến hiệu quả của hệ thống Ethereum lên một mức mới.
Việc chuyển đổi này, dự tính sẽ diễn ra vào ngày 15-9, được người trong cuộc gọi là “Merge”, bản chất là nâng cấp hệ thống, đã được lên kế hoạch từ 8 năm trước, được nghiên cứu tỉ mỉ từ nhiều khía cạnh và được đem ra tranh luận sôi nổi.
Ether chạy trên nền tảng Ethereum hiện nay là đồng tiền được biết đến nhiều thứ nhì sau Bitcoin nhưng hệ sinh thái Ethereum lại là xương sống cho nhiều loại tiền mã hóa, nhiều ứng dụng và các hợp đồng thông minh khác.
Nghe thì đơn giản nhưng thực tế quá trình chuyển đổi này có rất nhiều vấn đề. Đầu tiên là sự phê phán của nhiều người trong cuộc. Họ cho rằng “bằng chứng đặt cược” sẽ không công bằng vì chỉ có những ai có tiền nộp cược mới được tham gia.
Theo quy định, mỗi máy tham gia phải nộp 32 Ether (chừng 54.000 đô la Mỹ). Tuy nhiên trong thực tế nền tảng “bằng chứng lao động” buộc những người tham gia phải trang bị những giàn máy mạnh, đắt tiền gấp cả ngàn lần như thế.
Kế đến là sự phức tạp về kỹ thuật; chuyển đổi mà gặp sai sót có thể phá hủy hàng ngàn dự án tiền mã hóa, gây sụp đổ toàn bộ thị trường và có thể làm hàng ngàn tỷ đô la bốc hơi trong nháy mắt.
Một chuyên gia tiền mã hóa ví von sự chuyển đổi không khác gì cố gắng thay một động cơ máy bay khi máy bay này vẫn đang bay trên không trung! Người ta đã thực hiện hàng ngàn cuộc chuyển đổi thử nghiệm để phát hiện sai sót cũng như tìm các lỗ hổng có thể bị lợi dụng nhưng chưa ai yên tâm.
Những người đã bỏ hàng triệu đô la mua sắm máy móc để tham gia đào theo kiểu cũ cũng phản đối dữ dội vì tiền đầu tư xem như mất trắng; sau này họ cũng đối diện với sự may rủi như một anh chàng với chiếc máy cũ rích.
Ethereum được Vitalik Buterin đồng sáng lập vào năm 2013 khi anh này mới 19 tuổi. Anh muốn tạo ra một đồng tiền linh hoạt hơn bitcoin và một hệ sinh thái có thể ghi nhận nhiều loại giao dịch. Nhờ thiết kế mở của Ethereum mà các lập trình viên có thể dùng nó để chạy các ứng dụng phức tạp chứ không chỉ giao dịch chuyển tiền.
Hiện nay, hàng ngàn dự án trong thế giới tài chính phi tập trung đang sử dụng Ethereum để cho vay, mượn nợ, làm hợp đồng giao kết tự động thực thi. Nhiều loại NFT, là các chứng nhận không thể thay thế của các tác phẩm mỹ thuật, được tạo ra trên nền tảng Ethereum. Thế nhưng Ethereum không phải là doanh nghiệp và Buterin không phải là CEO; nó là một nền tảng mở như Linux là một hệ điều hành mở, miễn phí.
Cách đây hai năm, các lập trình viên của Ethereum đã cho vận hành một nền tảng tiền mã hóa với tên gọi Beacon Chain, hoàn toàn chạy trên nguyên tắc “bằng chứng đặt cược” để làm môi trường thí nghiệm cho việc nâng cấp Ethereum.
Ngày 15-9 sẽ là thời điểm “sáp nhập” Ethereum cũ vào Beacon Chain để hoàn tất việc chuyển đổi, từ đó mới có tên gọi “Merge”. Liệu sau khi Ethereum chuyển đổi thành công, bitcoin có theo mô hình mới này không và tương lai các đồng tiền mã hóa sau chuyển đổi sẽ như thế nào là các câu hỏi đến nay vẫn chưa có lời giải đáp.