(KTSG Online) - Cơ quan chức năng đang tính nối lại hoàn toàn mảng du lịch quốc tế từ ngày 15-3 tới để tạo thuận lợi cho du khách. Từ đây cho đến khi mở cửa, để đi du lịch Việt Nam, du khách cần tuân thủ các quy định của chương trình thí điểm đón khách quốc tế.
Vào hôm nay (17-2), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành văn bản hướng dẫn thí điểm đón khách quốc tế trong giai đoạn 2.
- Việt Nam nối đường bay với 19 quốc gia và vùng lãnh thổ, 28 hãng bay khai thác
- Phục hồi chính sách miễn thị thực và mở lại du lịch quốc tế từ 15-3
- Các bộ thống nhất dừng việc giới hạn cấp visa từ 15-3, ráo riết mở du lịch quốc tế
Nới lỏng yêu cầu bảo hiểm, xét nghiệm nhưng phải mua tour
Theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để đến Việt Nam du lịch, du khách phải mua tour của doanh nghiệp lữ hành và đáp ứng các điều kiện về tiêm chủng, bảo hiểm, chứng nhận âm tính với SARS-CoV-2...
Về chứng nhận âm tính với SARS-CoV-2, nếu bằng phương pháp RTPCR/RT-LAMP thì áp dụng trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh (trước đây là 72 giờ trước khi nhập cảnh), trừ trẻ em dưới 2 tuổi.
Bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị Covid-19 với mức trách nhiệm tối thiểu là 20.000 đô la Mỹ thay vì 50.000 đô la Mỹ như giai đoạn 1.
Về yêu cầu tiêm chủng, du khách cần có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất cảnh.
Khách du lịch cũng có thể thay chứng nhận tiêm chủng bằng chứng nhận đã khỏi Covid-19 hoặc các giấy tờ tương đương xác nhận đã khỏi bệnh Covid-19. Thời gian từ lúc xuất viện tính đến thời điểm xuất cảnh không quá 6 tháng.
Những người này sẽ đi tour của doanh nghiệp lữ hành ít nhất 3 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Nếu có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với Covid-19 vào ngày thứ 3 thì có thể tiếp tục đi tour đã đăng ký (nếu dài hơn 3 ngày), đến những nơi được đón khách quốc tế, thăm thân nhân...
Với người dưới 18 tuổi, người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền nhưng không phải theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều được đi cùng bố mẹ, người giám hộ hoặc người chăm sóc đã tiêm đủ hoặc đã khỏi bệnh.
Những người này sẽ đi tour của doanh nghiệp lữ hành trong vòng 7 ngày khi nhập cảnh; xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3 và ngày thứ 7, nếu kết quả âm tính thì mới được tiếp tục du lịch, thăm thân nhân...
Tất cả khách du lịch có thể xuất cảnh về nước trên các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đang khai thác hoặc các chuyến bay thuê chuyến được cấp phép.
Khách phải có visa, doanh nghiệp phải được phép đón khách
Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa nối lại chính sách thị thực như hồi trước dịch Covid-19, trong đó có chính sách miễn thị thực đơn phương và song phương cho một số thị trường nên khách quốc tế đến phải xin thị thực (visa).
Để du khách có thị thực vào Việt Nam, doanh nghiệp lữ hành quốc tế phải làm thủ tục mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an).
Trước khi làm thủ tục, doanh nghiệp thông báo tư cách pháp nhân kèm theo văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc lựa chọn tham gia chương trình thí điểm, kéo theo đó là đồng xây dựng chương trình du lịch tại khu vực cho phép với đơn vị cung ứng dịch vụ đủ điều kiện đón khách du lịch quốc tế .
Thị thực nhập cảnh có thời hạn phù hợp chương trình du lịch, nếu du khách tiếp tục đăng ký chương trình du lịch tại các khu vực thuộc địa phương được cho phép đón khách du lịch quốc tế thì xem xét gia hạn tạm trú theo bảo lãnh của doanh nghiệp.
Những người có nhu cầu ở lại để đầu tư hoặc thăm thân có thể làm thủ tục đề nghị chuyển đổi mục đích theo quy định.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định việc đón khách du lịch quốc tế và thông báo về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Địa phương lựa chọn khu vực và các đơn vị cung ứng dịch vụ tham gia đón khách, công bố công khai danh sách các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch để các công ty lữ hành quốc tế lựa chọn ký hợp đồng xây dựng chương trình du lịch bán cho khách.
Doanh nghiệp lữ hành quốc tế cần gửi văn bản đăng ký tham gia thí điểm đón khách du lịch quốc tế về Tổng cục Du lịch để được đón khách và cần có phương án tổ chức đón và quản lý đoàn khách, đảm bảo an toàn dịch bệnh Covid-19 theo quy định.
Tuân thủ và tuân thủ, có lẽ là ngôn từ được nhắc đến nhiều nhất khi ta chính thức mở cửa toàn diện. Thực tế này phản ánh sự ám ảnh, kể cả sợ trách nhiệm của những người trong cuộc. Hơn ai hết, du khách khi xác định lên máy bay, họ hiểu rõ nhất tình trạng sức khỏe và mọi nguy cơ rủi ro dành cho mình, không cần phải nói nhiều. Nhiệm vụ của chúng ta là nên tạo ra không khí thân thiện/ dịch vụ hoàn hảo để du khách cảm thấy thoải mái nhất sau khoảng thời gian quá nghiệt ngã vì đại dịch. Lúc này là thời điểm nên tập trung sức vào phát kiến những sản phẩm dịch vụ mới, thật sự hữu ích về mặt tinh thần cho du khách, hơn là chăm chăm vào những nguyên tắc cứng nhắc.
Nên nghiên cứu tổ chức show/ event … nhằm giới thiệu quảng bá một số sản phẩm thảo dược truyền thống của ta trong việc bảo vệ/ phòng tránh Covid/ nâng cao sức khỏe. Kể cả ẩm thực của VN, vừa ngon vừa rất phong phú, vừa dồi dào dinh dưỡng, giàu sức đề kháng cho cơ thể…
Phương châm 5T: Tuân thủ —> Tranh thủ/ Thúc thủ —> Thúc đẩy/ Tắc nghẽn —> Thông thoáng/ Trông chờ —> Tăng tốc/ Tự kỷ ám thị —> Tự chủ tự cường.