(KTSG) - Hồi đầu mùa hè năm nay, trong lúc các đề thi văn của học sinh cuối cấp tại Việt Nam đang bị đem ra mổ xẻ, trao đổi, thậm chí là “ném đá”, thì một “hình mẫu” những đề thi được nhiều người cho là hay, thú vị cần áp dụng cho học sinh Việt Nam, đó là đề thi tú tài tại Pháp năm 2024.
- Bà Rịa-Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hải Phòng miễn học phí năm học 2024-2025
- Công an TPHCM sẽ làm thẻ căn cước cho học sinh tại trường học
“Khoa học có thể thỏa mãn nhu cầu về sự thật của chúng ta hay không?”, “Nhà nước có nợ chúng ta điều gì không?”, “Thiên nhiên có thù địch với con người không?”, “Nghệ sĩ có làm chủ được sáng tạo của mình hay không?”, giải thích những luận điểm về “điều kiện của người lao động” trong một trích đoạn văn bản của Simone Weil hay bình luận về một ý niệm luật pháp trong trích đoạn văn bản của triết gia Platon...
Đó là một vài yêu cầu tiêu biểu trong đề thi tú tài ngành tổng quát, ngành triết và công nghệ dành cho học sinh phổ thông Pháp năm 2024.
Đừng có mơ!
Trong một nền giáo dục nặng tính từ chương và còn nặng tính định hướng khuôn khổ tư duy, trong một bối cảnh mà ngữ văn - môn học hướng đến xây dựng kỹ năng đọc viết tiếng Việt, nuôi dưỡng, trau dồi năng lực tự do biểu đạt suy nghĩ, cảm xúc, cảm thụ cái đẹp văn chương và nhận thức đời sống, thẩm mỹ nói chung - đang bị sa vào từ chương, gò bó và cũ kỹ, thì đọc những đề thi cô đọng, cụ thể, cởi mở như thế, hẳn nhiều người sẽ giật mình. Giật mình bởi hóa ra để gọi là khuyến khích tư duy, khuyến khích trình bày quan điểm riêng, gợi mở và đo lường nhận thức (đời sống xã hội và thẩm mỹ) học sinh thông qua các môn khoa học xã hội đâu có gì quá phức tạp. Chỉ đơn giản là biết nêu ra những câu hỏi cụ thể, thiết thực, khơi gợi như thế.
Ấy vậy mà tại sao mọi chuyện lại trở nên quá phức tạp và gần như bất khả trong bối cảnh giáo dục Việt Nam?
Có người còn ao ước, hy vọng năm tới đây học sinh phổ thông của chúng ta có thể có được những đề thi mở “đẳng cấp” như thế.
Có thể nói ngay: đó là một thao thức chính đáng, một gợi ý hay, nhưng lại là giấc mơ xa vời trong điều kiện nền tảng giáo dục Việt Nam. Bởi lý do cơ bản nhất, các yêu cầu khảo hạch đó phải đi cùng với một hệ thống phương pháp, chương trình nhất quán, và xa hơn, là một triết lý giáo dục được triển khai từ bậc tiểu học, chứ không phải là bỗng dưng đưa ra một cách duy ý chí.
Nói cách khác, đề thi phải “đón đợi” được một năng lực trang bị và đáp ứng về căn bản của người thi. Nếu học sinh phổ thông chưa được làm quen với các khái niệm triết học, chưa từng được thảo luận về các chủ đề như chính trị, luật pháp, sáng tạo nghệ thuật, quyền lợi người lao động là gì... trong chương trình học, và cũng chưa biết đến hay khuyến khích đọc Simone Weil hay Platon, chưa từng thoát khỏi các dàn ý áp đặt từ giáo viên để tự do biểu đạt quan điểm riêng, thì các đề thi trên sẽ là một yêu cầu “trên trời”, có thể gây chới với không chỉ với người thi mà còn bất khả tín ngay cả đối với một hệ thống đánh giá kết quả thi cử chưa đủ điều kiện năng lực.
Ở đây cho thấy cách ra đề thi các môn khoa học xã hội thể hiện rõ nhất phương pháp, chương trình và triết lý của một hệ thống giáo dục. Và cũng đồng thời phản ánh rõ nhất hiệu quả tiếp nhận tri thức, năng lực tư duy, sự trưởng thành nhận thức phổ quát của người học, điều mà chúng ta vẫn nói là “thành quả của quá trình dạy và học”.
Biết bám vào đâu?
Trở lại chuyện thay đổi lớn lao, được coi như bước ngoặt trong dạy và học văn mà đa số giáo viên văn quan tâm trước thềm năm học này, đó là chủ trương từ đây việc ra đề thi ngữ văn không còn theo ngữ liệu trong sách giáo khoa nữa.
Và trong mùa hè, sự thay đổi này được chuẩn bị bằng cách ngành giáo dục mở ra các khóa tập huấn toàn diện về phương pháp dạy học cho giáo viên môn văn. Nhưng liệu một phương pháp giáo dục đã hằn sâu vào trong hệ thống thiết kế kiến thức chương trình giáo khoa, đi cùng với lề lối của một môi trường giáo dục thâm niên và bản thân người dạy không được đào tạo ngay từ trong trường sư phạm, thì mọi thứ liệu có thể thay đổi ngay sau một mùa hè qua một vài khóa tập huấn giảng dạy?
Có thể trả lời ngay: rất khó thay đổi ngày một ngày hai. Thậm chí chủ trương này được cho là cú “ôm cua gắt”, tạo ra một tâm lý hoang mang đối với giáo viên môn ngữ văn bởi sẽ đánh giá năng lực học sinh như thế nào khi buộc phải rời bỏ “hệ quy chiếu giáo khoa”. Rõ ràng, sự bối rối hay cảm giác chơi vơi đó là dễ hiểu và cảm thông khi với giáo viên, một mặt, kiến thức truyền thụ giáo khoa vẫn phải đảm bảo trên lớp, nhưng căn cứ đánh giá hiệu quả lại nằm ở một “thước đo như thể mơ hồ”?
Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đưa ra chủ trương này cũng có một giải thích về lộ trình đáng chú ý, rằng thực ra phương pháp “đề mở” đã được áp dụng trong nhiều năm qua, cùng với đó, yêu cầu về đọc - hiểu và nghị luận xã hội đã không theo sách giáo khoa rồi, chỉ có một phần trong các đề thi hàng năm (thường là phần nghị luận văn học) thì vẫn còn “bám theo giáo khoa”. Một mục đích có thể xem là tích cực nữa cho chủ trương đề thi ngoài sách giáo khoa, đó là yêu cầu giáo viên phải dạy mở rộng và sáng tạo hơn, mà việc đầu tiên là thoát khỏi văn mẫu, khuyến khích, hướng dẫn học sinh đọc sách, tư duy sáng tạo.
Rõ ràng, đứng trên khía cạnh chủ trương và thực hành, chắc chắn sẽ có một sự “khấp khểnh” nhất định và đòi hỏi một khả năng “tự điều chỉnh” trong quá trình hiện thực hóa. Mà điều kiện “tự điều chỉnh” tối quan trọng đó là tư duy lại về mục đích của môn ngữ văn trong nhà trường, thay vì nặng tính truyền thụ quan điểm bất định một chiều, phải đi đến chỗ gợi mở quan điểm khác biệt đa chiều, thay vì hài lòng và lệ thuộc vào nội dung chương trình giáo khoa, cần có cơ chế và hoạt động thực hành giáo dục thẩm mỹ và hiểu biết qua việc khuyến khích hoạt động đọc sách và trình bày cảm thụ cá nhân (lưu ý, không dừng lại ở sách văn học).
Điều này cũng có ý nghĩa trong bối cảnh mô hình tổ chức cho học sinh đọc sách trong các nhà trường, đặc biệt là trường công lập, hiện tại vẫn mang tính phong trào, đáp ứng yêu cầu nhất thời, chưa trở thành tính bắt buộc trong rèn luyện kỹ năng và hoạt động văn hóa tự nhiên, sống động trong học đường.
Một điều kiện tối cần thiết nữa để chủ trương thay đổi này mang đến hiệu quả thực chất, đó là cần thay đổi cách đánh giá uyển chuyển hơn ở bộ môn ngữ văn nói riêng và các môn khoa học xã hội nói chung. Nói một cách rõ ràng hơn, một đề thi mở thất bại nếu chỉ hướng đến một ba-rem đóng. Một đề thi sáng tạo sẽ vô nghĩa nếu thiết lập sẵn những bộ khung đánh giá phải đạt và cứng nhắc. Nhưng vậy, đòi hỏi một phần triết lý và mục đích giáo dục phải dịch chuyển nhất quán theo, không thể theo những khuôn khổ cũ.
Lấy người học làm trung tâm
Vậy, cú “ôm cua” này xét về lý lẽ chủ trương là không “quá gắt”, bởi cũng có thời gian và mức độ áp dụng nhất định trên thực tế. Nhưng nó sẽ tạo cảm giác hoang mang và trở nên “gắt” nếu không tháo gỡ các điều kiện đánh giá cũng như gò bó trong mục tiêu giảng dạy môn văn theo lối từ chương truyền thống.
Theo đó, học sinh phải trở thành trung tâm trong các môn học xã hội, đặc biệt là ngữ văn. Giáo viên được đặt trước yêu cầu sáng tạo, nghiên cứu nhiều hơn về việc sử dụng ngữ liệu phù hợp, và phải thay đổi trong cách ghi nhận kết quả dạy học. Cụ thể, là cần hướng đến kỹ năng viết, đọc sáng tạo, tôn trọng sự trình bày tư duy và nhận thức cá nhân thực sự của người học thì may ra mới đạt được mục tiêu môn học.
Có thể hình dung thế này: giáo viên phải cùng học sinh mở rộng vốn đọc, tìm kiếm ngữ liệu sáng tạo hơn không chỉ là ở đề thi mà còn ở chính trong tương tác sư phạm hàng ngày trên lớp. Hy vọng làm được điều đó, những giờ học văn sẽ không còn buồn tẻ và áp đặt, đề thi văn không còn là cửa ải đối với thí sinh cuối cấp.