(KTSG) - Sau khi mở cửa hàng không trở lại, nút “thắt cổ chai” tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất lập tức xuất hiện. Hồi tuần rồi, một chuyên gia được mời tham gia Diễn đàn Kinh tế năm 2022 từ Anh bay về TPHCM đã than phiền phải chờ đến hơn một tiếng rưỡi mà vẫn chưa xong tục nhập cảnh sau khi đáp xuống.
Tương tự, một bác sĩ Việt Nam đi công tác ở Singapore khi trở về Việt Nam đã than phiền tình trạng ách tắc ở khâu khai báo y tế ở sân bay này, một việc mà lẽ ra phải tính trước để giải quyết trong bối cảnh hậu Covid-19.
Có thể thấy khá rõ thực trạng là các giải pháp chống quá tải cho các sân bay lớn, có đông khách quốc tế đi - đến như Tân Sơn Nhất vẫn không được thực hiện và điều phối một cách bài bản và khoa học. Việc ùn tắc sau khi khách từ nước ngoài xuống máy bay chủ yếu nằm ở hai khâu: khai báo nhập cảnh và khai báo y tế cùng với hộ chiếu vaccine. Đây là hai khâu có khá đầy đủ dữ liệu số hóa và trong một chừng mực nhất định đã được liên thông ở cấp độ xuyên quốc gia, nhưng đáng tiếc là “tài sản số” này lại chưa được tận dụng khai thác đúng mức.
Từ đầu năm 2017, Việt Nam đã bắt đầu cấp visa điện tử (e-visa) cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam với thời hạn hiệu lực 30 ngày và thời gian xét duyệt khoảng ba ngày làm việc. Dịch Covid-19 đã làm việc cấp e-visa gián đoạn hai năm và khi cấp lại, thời hạn chỉ còn 15 ngày thay vì 30 ngày như trước đây và theo một số doanh nghiệp du lịch, thời gian cấp e-visa là khá lâu và kèm theo nhiều thủ tục hành chính(1).
Nếu e-visa được đẩy mạnh, thủ tục nhanh chóng và đơn giản hóa, một số lượng không nhỏ người nước ngoài đến Việt Nam đã được kiểm tra thông tin trước khi nhập cảnh. Khi đã cấp e-visa, khi cần có thể mở làn dành riêng tại sân bay cho những người nhập cảnh bằng e-visa thì thời gian chờ đợi của họ sẽ giảm đáng kể. Nếu tích hợp thêm khai báo hải quan điện tử kèm theo e-visa thì việc của cơ quan chức năng chỉ là đối chiếu nhanh giấy tờ của khách nước ngoài với dữ liệu họ đã khai báo trên hệ thống.
Tương tự, với khâu khai báo y tế, cho đến nay tất cả hành khách từ nước ngoài xuống sân bay Tân Sơn Nhất đều đi chung làn, người đã khai báo y tế trước qua cổng khai báo trực tuyến của Việt Nam vẫn phải chờ người chưa khai báo y tế làm thủ tục. Lẽ ra nên có làn dành riêng cho người chưa khai báo y tế kèm theo bản hướng dẫn và có thêm nhân viên hỗ trợ để khách nước ngoài, Việt kiều khai báo nhanh.
Chỉ cần áp dụng một quy trình phân loại đơn giản như vậy, thời gian “chết” vì chờ đợi của những người đã khai báo thông tin sẽ giảm đáng kể. Khi người dân, khách quốc tế thấy lợi ích của khai báo trực tuyến, họ sẽ tăng cường sử dụng dịch vụ công này, từ đó giúp giảm tải cho bộ phận kiểm dịch tại sân bay. Còn với cách làm hiện nay, người đăng ký nhận e-visa hay khai báo y tế trực tuyến vẫn phải chờ đợi mệt mỏi do phải xếp chung hàng với người chưa khai báo.
Việc có bao nhiêu khách đến sân bay cũng là việc được biết trước nhiều ngày dựa trên thông tin do các hãng hàng không cung cấp, không hề là việc đột xuất ngoài dự kiến. Vì vậy, năng lực tiếp nhận hành khách của sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được cải thiện nếu thực hiện được quy trình điều phối nhập cảnh hợp lý hơn, bao gồm cả việc tăng cường thêm nhân sự xử lý ở các khâu hải quan, xuất nhập cảnh, kiểm dịch y tế… trong các thời điểm lượng khách đến tăng đột biến.
Đại dịch Covid là cú hích rất mạnh để các nước, các ngành chức năng tiến hành số hóa nhanh chóng nhiều dịch vụ công của chính quyền và kết nối, liên thông dữ liệu giữa các cơ quan chức năng ở cấp độ trong nước và xuyên quốc gia. Trên nền tảng này, cần sớm xây dựng các quy trình để thay thế cách kiểm soát nhập cảnh thủ công thành “e-nhập cảnh” để khách đến Việt Nam không còn phải chịu cảnh chờ đợi mệt mỏi chỉ vì những thủ tục hành chính đơn giản. Đây cũng có thể xem là một mục tiêu cần đạt được như chủ đề của Diễn đàn Kinh tế năm 2022 do UBND TPHCM tổ chức hồi cuối tuần qua đặt ra: “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TPHCM trong tương lai”.
----------
(1) https://thesaigontimes.vn/mo-cua-du-lich-quoc-te-nhung-thu-tuc-visa-van-con-phuc-tap/