Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Từ ‘khoảng xám’ trong tâm hồn trẻ

Nguyễn An Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Tại TPHCM, cứ 10 học sinh thì có hơn một em bị trầm cảm do bài vở nhiều. Cứ 100 học sinh thì có 12 em cảm thấy stress. Những số liệu mới được công bố liệu có khiến xã hội nói chung, ngành giáo dục nói riêng phải giật mình nhìn nhận lại một “vấn nạn thực sự”, hay vẫn cố tình lờ đi để tiếp tục những cuộc đua vô nghĩa?

Học sinh phải gánh một áp lực quá nặng nề trong chuyện học hành kiến thức ở trường, và gánh luôn một phần nặng nề do những bất cập của bộ máy giáo dục nhiều lỗi tạo ra. Ảnh: Lê Vũ

Trong buổi tọa đàm “Xây dựng trường học hạnh phúc trong bối cảnh đổi mới giáo dục hành động từ nhu cầu của học sinh và giáo viên” diễn ra ngày 28-12-2022 tại trường Đại học Sư phạm TPHCM, các số liệu từ một điều tra xã hội học được giảng viên - nghiên cứu sinh Giang Thiên Vũ (Khoa Tâm lý học) đưa ra khiến nhiều người quan tâm lĩnh vực tâm lý sư phạm cảm thấy bàng hoàng.

Cụ thể, có 1.117 (12,92%) học sinh cảm thấy stress ở mức vừa, nặng và rất nặng; 1.952 học sinh (22,58%) trong trạng thái lo âu ở mức vừa, nặng và rất nặng; 1.177 học sinh (13,62%) có biểu hiện trầm cảm ở mức vừa, nặng và rất nặng.

Các nguyên nhân được liệt kê: áp lực bài vở, thi cử, phương pháp học tập; áp lực từ gia đình; áp lực từ sự đánh giá, so sánh hơn kém bạn bè của cha mẹ, thầy cô; không có thời gian và điều kiện để tiếp nhận kỹ năng kiểm soát cảm xúc; thiếu kỹ năng sống, kỹ năng xử lý khủng hoảng, hóa giải áp lực; sức khỏe tinh thần chưa được quan tâm và không được hỗ trợ định hướng khi có những thay đổi tâm sinh lý.

Nhiều người có thể giật mình trước những số liệu về chuyện học sinh ngày nay bị trầm cảm, nhưng quả tình, hiện tượng học sinh phải nhập viện vì căng thẳng học hành trước mỗi kỳ thi đã không còn xa lạ.

Một cách rất rõ ràng qua quan sát đời sống và những thông tin trên báo chí, chúng ta có thể thấy hiện tượng học sinh phải gánh một áp lực quá nặng nề trong chuyện học hành kiến thức ở trường, và gánh luôn một phần nặng nề do những bất cập của bộ máy giáo dục nhiều lỗi tạo ra.

Từ phía phụ huynh, họ có tâm lý một mặt chống lại những điều phi lý của cơ chế giáo dục (nội dung chương trình học ngày càng nặng và có nhiều thứ vô bổ, phương pháp dạy chưa thoát tính rập khuôn và khiến người học đối phó, sự đo lường đánh giá chất lượng giáo dục nặng tính hình thức, thành tích...), nhưng mặt khác, có thể do việc chống lại những bất thường của cỗ máy nặng nề đó không hề dễ dàng, họ chọn sự im lặng thỏa hiệp để cho con em “nhắm mắt qua sông”, thậm chí có thể nói là đa số họ bị cuốn vào, đồng lõa với các “thiết kế lỗi” của guồng máy và chất thêm áp lực lên vai con cái.

Xã hội trở thành nạn nhân và cũng chính là môi trường dung dưỡng cho các chứng tật trong ngành giáo dục.

Rất nhiều cuộc cải cách kiến thức giáo khoa, nhiều khung nội dung mới của chương trình học được đưa ra khiến toàn xã hội phải chi phí cho chuyện học hành ngày càng lớn. Thế nhưng kết quả cuối cùng vẫn cứ là: học trò ngán học, học đối phó trong chật vật, dẫn đến những rối loạn âu lo vì học hành, thi cử. Cái câu “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui” trở nên sáo rỗng và tương phản với thực tế bức tranh tâm lý học hành của học trò hơn bao giờ hết.

Nếu ai đó không hiểu vì sao học trò bây giờ phải lo hoàn thành quá nhiều bài tập vô bổ, chịu đựng một nội dung chương trình quá tải, thì có lẽ đã tìm thấy phần nào câu trả lời sau khi Thanh tra Chính phủ ra kết luận về hàng loạt sai phạm trong việc biên soạn, đội giá sách giáo khoa vừa được công bố ngày 29-12-2022.

Sách giáo khoa in nhiều hơn, sách tham khảo bị đánh lận thành sách buộc phải mua, phụ huynh chi nhiều tiền hơn nhưng đổi lại, con em họ càng áp lực hơn. Kiến nghị của Thanh tra Chính phủ về việc chuyển cho Bộ Công an điều tra “dấu hiệu lợi ích nhóm” giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhà xuất bản trong việc in ấn, phát hành sách bài tập là một tiếng chuông báo động về nạn độc quyền và thao túng trong giáo dục, dẫn đến những thiệt lại khó lường cho xã hội.

Về phương pháp giáo dục, học sinh không được đặt vào vị trí trung tâm như lý thuyết mới về giảng dạy mà các giáo viên được cung cấp khi còn ngồi ở các giảng đường đại học sư phạm.

Giáo viên cũng trở thành nạn nhân và họ thỏa hiệp dần về các thông lệ ngược với lý tưởng nghề dạy học, để có thể sống và làm nghề. Để thực hành lý thuyết “thầy hạnh phúc, trò hạnh phúc” thì buộc phải tháo gánh nặng về cơ chế thi cử, đánh giá, tháo cả gánh nặng về những kiến thức vô bổ, và cho phép những phương pháp sư phạm sáng tạo, truyền cảm hứng, tôn trọng người học, người dạy được có đất sống.

Nhiều người có thể giật mình trước những số liệu về chuyện học sinh ngày nay bị trầm cảm, nhưng quả tình, hiện tượng học sinh phải nhập viện vì căng thẳng học hành trước mỗi kỳ thi đã không còn xa lạ.

Báo chí gần đây cũng đã đăng tải những bài ghi chép về việc học sinh cấp 2 tại TPHCM phải nhập viện vì suy nhược, nhưng sau khi được truyền nước thì vẫn phải vùi đầu trong núi bài học, bài tập vì… sắp phải thi học kỳ.

Dường như có hai thực tế về giáo dục đang diễn ra song song: thực tế chắp vá và lấp lỗ hổng trên các văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lý ngành, và thực tế đầy khắc nghiệt và bất cập trong trường học.

Học sinh thay vì được hưởng thụ giáo dục thì lại mắc kẹt và vẫy vùng trong đó. Việc học hành khó khăn đã đẩy các em đến các chứng rối loạn âu lo, khởi phát các tâm bệnh ngấm ngầm và nguy hiểm.

Trong một cuộc hội thảo khác có chủ đề “Chăm sóc sức khỏe tinh thần” cũng tại Đại học Sư phạm TPHCM hôm 27-12-2022, các chuyên gia nêu một thực trạng là học sinh sinh viên đang có hành vi, ý định tự hủy hoại bản thân do sang chấn tâm lý, trong đó có áp lực học hành cộng với khủng hoảng sau đại dịch đang gia tăng.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng việc ngành y tế và ngành giáo dục phối hợp tư vấn, khai vấn, điều trị tâm lý học đường là rất quan trọng và cấp thiết.

Nhưng cốt lõi vấn đề cần giải quyết vẫn là ở sự liêm chính và trách nhiệm trong môi trường giáo dục. Chính điều đó sẽ cứu vớt nhiều thế hệ và tạo ra những mục tiêu phát triển, động lực tốt lành cho xã hội tương lai.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới