Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Từ ‘khủng hoảng nhãn’ ở Campuchia, nghĩ về ‘số phận’ nông sản Việt

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hôm 12-8, Trung Quốc ra lệnh cấm nhập khẩu nhãn từ Thái Lan do “có rệp sáp” và lệnh này có hiệu lực ngay hôm sau. Hôm 18-8, Trung Quốc lại cho phép 56/75 nhà xuất khẩu nhãn tươi Thái Lan hoạt động trở lại. Campuchia lâm vào “cuộc khủng hoảng nhãn” do lệnh cấm. Các quy định xuất nhập khẩu của Trung Quốc thay đổi như chong chóng, buộc các nước Đông Nam Á đang phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ nông sản của nước này phải thay đổi.

Tổn thương vì vị trí dưới đáy của chuỗi cung ứng

Có đến 70% nhãn xuất khẩu của Campuchia sang thị trường Trung Quốc qua ngã trung gian Thái Lan, bởi các công ty trong nước không đáp ứng yêu cầu kiểm dịch và vì thế không thể xuất khẩu trực tiếp. Lệnh cấm đối với Thái Lan đã gây gián đoạn và làm nổi bật những thách thức của Campuchia trong nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu nông sản.

Nhãn Pailin bán ở chợ Battambang, giá rớt xuống chỉ còn 1.110 riel/ký, tương tự như mức giá 6.000 đồng/ký ở Vĩnh Long và Đồng Tháp. Ảnh: Phnom Penh Post

Bộ Nông nghiệp Campuchia tuần trước đã kêu gọi khu vực tư nhân đầu tư vào nhà xưởng xử lý nhãn. Campuchia xuất khẩu hơn 100.000 tấn nhãn trong năm 2020, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp nước này. Nhưng chỉ một phần rất nhỏ trong đó, gần 40 tấn, được chứng nhận là đáp ứng tiêu chuẩn kiểm dịch.

Ratha Chan, Giám đốc quốc gia của tổ chức Đối tác nông nghiệp bền vững Campuchia (CPSA), nói rằng thiếu vắng năng lực xử lý là rào cản chính của nền nông nghiệp Campuchia. Điều này khiến Campuchia luôn ở vị trí dễ tổn thương vì ở dưới đáy của chuỗi cung ứng.

Sự thiếu vắng này xuất phát từ việc thiếu nguồn nhân lực cũng như khả năng đáp ứng các quy chuẩn cao, bởi chi phí tuân thủ quá cao và thiếu phòng lab được công nhận đủ chuẩn. Nông dân và người trồng Campuchia cũng khó có được các khoản vay lãi suất mềm, trong khi đó sự manh mún của sản xuất nông nghiệp ở đây khiến khó đạt quy mô đủ lớn, để tăng năng suất và hiệu quả.

“Nông nghiệp Campuchia luôn phụ thuộc phần lớn vào xuất khẩu nguyên liệu thô sang các nước láng giềng. Vì thế, chúng tôi luôn chịu các yếu tố rủi ro cao hay ảnh hưởng của việc thay đổi chính sách của các nước”, Ratha Chan nói với Nikkei Asia.

Với nông dân trồng nhãn, cú sốc bắt đầu vào đầu tháng này khi chính phủ Thái Lan dừng, không nhập nhãn từ Campuchia do hệ quả từ lệnh cấm của Trung Quốc đối nhãn từ Thái Lan. Chính phủ Trung Quốc đưa ra lý do: trái cây nhiễm rệp sáp.

Lệnh cấm từ Trung Quốc được gỡ một phần vào tuần này, nhưng chủ các trang trại hay vườn trồng ở Campuchia vẫn không rõ là trái nhãn của họ có được phép nhập khẩu sang Thái Lan hay không.

Cần giải pháp dài hạn

Thủ tướng Hun Sen đã ra lệnh buộc các quan chức nước này phải mua nhãn của nông dân để giải quyết cuộc khủng hoảng. Phát biểu trên kênh truyền hình quốc Campuchia, Bộ trưởng Nông nghiệp Veng Sakhon đã nói chiến dịch sẽ tốn khoản 49 triệu đô la, với sản lượng năm nay khoảng 110.000 tấn.

Thủ tướng Hun Sen cũng phân công tướng bốn sao Hing Bun Heang, người đứng đầu bộ phận cảnh vệ của ông và chỉ chịu trách nhiệm trước thủ tướng, chịu trách nhiệm chương trình này. Phát biểu với báo chí, tướng Hing Bun Heang nói rằng nhãn sẽ được phân bổ cho quân đội, cảnh sát và lực lượng biên phòng đang kiểm soát dịch ở khu vực biên giới.

Hôm 13-8, tờ Phnom Penh Post đưa tin Campuchia và Việt Nam đã thống nhất về các yêu cầu kiểm dịch thực vật để cho phép nhãn Campuchia vào thị trường Việt Nam. Lượng nhãn sang Việt Nam khoảng 50.000 tấn. Trước đó, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia đã kêu gọi các nhà xuất khẩu nhãn Pailin tìm cách chuyển hướng và tìm kiếm thị trường mới.

Nhãn Pailin được trồng ở vùng đất có mỏ đá quý Pailin sát biên giới Thái Lan, chủ yếu ở các tỉnh Pailin, Battambang và Banteay Meanchey.

Nhãn được xem là loại trái cây mà chính phủ Campuchia đang tìm cách xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc. Trước đó, Trung Quốc đã cho phép nhập trực tiếp chuối và xoài tươi từ Campuchia sau khi hai bên đạt được các quy chuẩn về kiểm dịch thực vật.

Riêng ông Ratha Chan nói rằng cuộc khủng hoảng nhãn vừa rồi sẽ buộc Campuchia xúc tiến quá trình tìm kiếm thị trường mới. Chính phủ cũng cần điều phối nhịp nhàng giữa các bộ và cơ quan, xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh và vận hành mượt mà hơn, đồng thời giúp các hợp tác xã và các hội doanh nghiệp đang sản xuất và kinh doanh các loại nông sản chính.

“Chúng ta cần các giải pháp dài hạn”, Ratha Chan kết luận.

Trái cây có 'rệp sáp' chỉ là nguyên cớ

Lâu nay Trung Quốc vẫn nhập khẩu trái nhãn từ Thái Lan. Nhưng nước này cũng có diện tích trồng nhãn hàng trăm ngàn hecta. Thời điểm thu hoạch trái nhãn tại Trung Quốc lại tương đồng với mùa vụ nhãn ở Việt Nam, Campuchia...

"Việc Trung Quốc cấm cửa với nhãn từ Thái Lan thực chất là để tiêu thụ lượng nhãn khổng lồ cũng đang chín rộ ở trong nước. Đây mới là nguyên nhân sâu xa", Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) Đặng Phúc Nguyên giải thích.

Trong khi đó, trái nhãn Việt đang được mùa nhưng rớt giá ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Nhãn ở Vĩnh Long hay Đồng Tháp từ 32.000 đồng/ký trong mùa trước rớt xuống còn 6.000 đồng/ký trong mùa nhãn hiện đang rộ, và gặp khó khăn trong tiêu thụ trong nước lẫn xuất khẩu do sự bùng phát của dịch bệnh.

Lô vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang đầu tiên được công ty Pacific Foods xuất khẩu sang EU giữa tháng 6-2021 bằng máy bay. Ảnh: Lê Minh

Nhãn Thái Lan và Campuchia đã xâm nhập vào thị trường Việt Nam trong thời gian qua, kể cả trước khi có lệnh cấm nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến nhãn Việt Nam gặp sức ép. Hiện hai kênh tiêu thụ chính trong nước là chợ đầu mối và sàn thương mại điện tử đã bị nghẽn do các biện pháp phòng dịch.

Tổng Thư ký Vinafruit nói rằng mùa nhãn năm nay kênh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vẫn là kênh tiêu thụ chính, bởi thị trường này mua đến 90% nhãn xuất khẩu của Việt Nam. “Hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường bộ nên chi phí vận chuyển không cao. Việc vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không đến các thị trường xa đối mặt với nhiều khó khăn khi công nghệ bảo quản chưa tốt".

Việt Nam hiện có khoảng 160.000 hecta nhãn, vải, chôm chôm thuộc họ cây bồ hòn, mang về giá trị xuất khẩu hơn 320 triệu đô la năm 2018, đứng thứ hai thế giới về thị phần vải xuất khẩu. Sản lượng năm nay ước tính 637.000 tấn, tăng 8% so với năm trước, nhưng các kênh tiêu thụ trong nước đều gặp khó khăn, kênh xuất khấu vẫn là một thách thức.

Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết số hộ trồng vải, chôm chôm và nhãn quy mô nhỏ chiếm tới 70% tổng sản lượng toàn quốc. Hệ thống quản lý kém và chủ yếu bán cho thương lái nên tổn thất nhiều trong quá trình thu hái. Cụ thể, tỷ lệ tổn thất lên tới 25 - 30%, đôi khi đến 50%. Tỷ lệ hao hụt giảm xuống còn từ 11-35% đối với các hộ nông dân nhỏ đã tham gia vào hợp tác xã để có quy mô sản xuất lớn.

Trái nhãn Việt Nam rồi cũng sẽ gặp những vấn đề khó khăn tương tự như Thái Lan và Campuchia trước hàng rào kiểm dịch của Trung Quốc, bởi sự phụ thuộc hầu hết vào thị trường nước này. Các loại trái cây và nông sản Việt Nam cũng chịu tình cảnh tương tự. Tình trạng tắc biên đối với các đoàn xe chở thanh long, vải và nhiều loại nông sản khác diễn ra thường xuyên. Vấn đề kiểm dịch cũng được phía Trung Quốc thường xuyên đưa ra.

Khi vượt qua rào cản kiểm dịch, vấn đề cốt lõi hơn vẫn là tên tuổi thương hiệu và giá trị gia tăng của công nghệ chế biến. Các chuyên gia đã chỉ ra hai vấn đề lớn, đó là xây dựng thương hiệu riêng của mình để nâng cao giá trị nhận diện thương hiệu và tăng sức mua ở mọi thị trường. Kế đến là thúc đẩy chế biến sản phẩm chuyên sâu hơn, ứng dụng công nghệ trong quy trình sản xuất, nâng cao khả năng bảo quản, đa dạng hóa các sản phẩm như nước trái cây đóng hộp, sấy khô…

1 BÌNH LUẬN

  1. Việt Nam phải nhanh chóng mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản sang Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… và đẩy mạnh chế biến nông sản để nâng cao giá trị sân phẩm. Không thể cứ mãi phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đầy rủi ro và bất lợi. Họ dễ dàng làm chủ cuộc chơi để bắt buộc các nước sản xuất ở Đông Nam Á phải cạnh tranh giá với nhau, dìm giá trị xuất khẩu của nhau xuống.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới