Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Từ kinh tế tuyến tính đến kinh tế tuần hoàn: Theo đuổi tiêu chuẩn thế nào để đáp ứng SDGs?

Trần Hương Giang (*) - Nguyễn Thị Thanh Hương (**)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Thế nào là tiêu chuẩn xanh vẫn còn là một phạm trù gây nhiều thắc mắc với những góc nhìn khác nhau. Việc có quá nhiều hệ thống chứng nhận khác nhau cũng là một vấn đề gây khó khăn cho sự lựa chọn theo đuổi và tiếp nhận từ cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Một mô hình kinh tế tuần hoàn. Ảnh minh họa: moit.gov.vn

Một số lãnh đạo doanh nghiệp lựa chọn không theo đuổi các hệ thống chứng nhận vì nghĩ rằng đây là một yếu tố không đi vào hoạt động chính của công ty và dễ gây xao nhãng việc tập trung cho các mục tiêu kinh doanh.

Với cách nhìn nhận này, các doanh nghiệp phải tự chứng minh năng lực môi trường của mình thông qua uy tín và tự thiết kế cách thức đánh giá dựa trên các nguyên tắc riêng.

Việc này sẽ khá khó khăn trong bối cảnh thị trường xanh tồn tại thông tin bất cân xứng khiến tâm lý của các bên liên quan khó tin tưởng một doanh nghiệp tự thiết lập tiêu chuẩn đánh giá cho chính mình, giống như “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Một số nhà quản trị lựa chọn tham gia vào quá trình thiết lập và theo đuổi các tiêu chuẩn nhưng lại không biết phải bắt đầu từ đâu.

Tiêu chuẩn đi cùng các mục tiêu đặc thù

Các tiêu chuẩn quốc tế hiện nay được xây dựng nhằm giải quyết lỗ hổng kiến thức và cung cấp cho các doanh nghiệp một ngôn ngữ và cách tiếp cận chung để tích hợp đầy đủ những mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào quy trình ra quyết định kinh doanh và đầu tư, phù hợp với các nguyên tắc hiện có, tận dụng các công cụ và khuôn khổ sẵn có.

Các tiêu chuẩn được tổ chức xung quanh bốn chủ đề liên kết với nhau - chiến lược, phương pháp quản lý, tính minh bạch và quản trị - mỗi chủ đề đóng một vai trò quan trọng trong việc tích hợp đầy đủ tính bền vững và đóng góp tích cực cho SDGs vào hệ thống tổ chức và ra quyết định.

Chiến lược

Lồng ghép tính bền vững và đóng góp tích cực cho SDGs vào mục đích và chiến lược rất quan trọng vì nó thúc đẩy sự chú ý, tập trung và nguồn lực vào những gì quan trọng nhất và là nơi doanh nghiệp có thể có tác động đáng kể nhất đến các kết quả quan trọng - bao gồm cả việc giảm các tác động tiêu cực.

Đối với những ngành Việt Nam vốn có lợi thế cạnh tranh, uy tín và tồn tại nhóm doanh nghiệp dẫn dắt như ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến..., việc thực hiện các chiến lược tự xác lập tiêu chuẩn phù hợp là hoàn toàn có thể thực hiện được.

Phương pháp quản lý

Tích hợp các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm và quản lý tác động vào hệ thống tổ chức, ra quyết định giúp doanh nghiệp đưa ra lựa chọn sáng suốt hơn để tối ưu hóa đóng góp của họ đối với phát triển bền vững và SDGs. Hoạt động có trách nhiệm, bền vững và đóng góp cho SDGs không phải là một bổ sung cho những gì doanh nghiệp được thực hiện, đó là cách tất cả các doanh nghiệp có thể làm.

Minh bạch

Minh bạch là một yếu tố quan trọng để chịu trách nhiệm trước các bên liên quan - tất cả các bên quan tâm, bao gồm cả những bên bị ảnh hưởng hoặc có khả năng bị ảnh hưởng trong tương lai bởi các quyết định và hoạt động của doanh nghiệp. Nó cũng giúp các bên liên quan đưa ra quyết định sáng suốt hơn, ví dụ như về việc họ muốn làm việc với hoặc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư hoặc cho bên vay hoặc mua hoặc sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp.

Quản trị

Các cơ chế quản trị không chính thức và chính thức của doanh nghiệp xác định các kỳ vọng về hành vi, cách thức đưa ra quyết định và cách doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về các quyết định và hành động.

Các tiêu chuẩn được cung cấp như một hàng hóa công cộng cho tất cả các doanh nghiệp muốn hoạt động bền vững hơn và đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững và SDGs. Các tiêu chuẩn đã được thiết kế để phù hợp với những thay đổi trong tương lai đối với SDGs và/hoặc các mục tiêu và chỉ số liên quan sau năm 2030. Những thay đổi đối với cấu trúc hoặc hình thức của SDGs sẽ không yêu cầu thay đổi các tiêu chuẩn này.

Các tiêu chuẩn được cung cấp cho các doanh nghiệp như một hướng dẫn “thực hành tốt nhất” để giúp họ hoạt động bền vững hơn và tối ưu hóa đóng góp của họ cho sự phát triển bền vững và SDGs bằng cách tích hợp các hoạt động kinh doanh và quản lý tác động có trách nhiệm vào hệ thống tổ chức, ra quyết định nội bộ.

Các doanh nghiệp được khuyến khích sử dụng các tiêu chuẩn như một công cụ phân tích và tự đánh giá khoảng cách, để lấp đầy khoảng trống và cải thiện thực tiễn theo thời gian. Ví dụ như tiêu chuẩn về hệ thống quản lý ISO tương ứng với các mục tiêu phát triển bền vững SDGs.

Chiến lược theo đuổi các tiêu chuẩn của doanh nghiệp

Lựa chọn hệ thống tiêu chuẩn để có thể theo đuổi nhằm được cấp các chứng nhận phù hợp cũng đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải cân nhắc cẩn thận và có chiến lược, kế hoạch cụ thể. Sẽ không có một lời khuyên cụ thể nào có thể áp dụng được chính xác chung cho tất cả các doanh nghiệp hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực, có đặc điểm về năng lực cũng như vị thế khác nhau trên thị trường và phải đối diện với những thách thức đa dạng trong những bối cảnh cụ thể.

Có hai nhóm câu hỏi chính mà doanh nghiệp cần phải trả lời được trước khi đưa ra quyết định có hay không theo đuổi các tiêu chuẩn và cụ thể là cần phải đạt được những loại chứng nhận nào.

Nhóm câu hỏi thứ nhất chính là về mức độ tiêu chuẩn hóa tồn tại trong ngành của doanh nghiệp và những cơ hội nào họ có để tham gia hoặc thậm chí là được nắm quyền định hình lại các tiêu chuẩn về tính bền vững?

Nhóm câu hỏi thứ hai chính là liệu doanh nghiệp có đủ nguồn lực và năng lực phù hợp để thiết lập quá trình phát triển bền vững cho ngành của mình không?

Sau khi trả lời được hai nhóm câu hỏi bên trên, doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong bốn chiến lược chính được mô tả trong sơ đồ ma trận chiến lược theo đuổi các tiêu chuẩn bên trên.

Nếu ngành mà doanh nghiệp đang hoạt động đã có các tiêu chuẩn được thiết lập rõ ràng và hiệu quả, trong khi đó, khả năng phát triển bền vững của doanh nghiệp được đánh giá ở mức tối thiểu so với các đối thủ cạnh tranh, khi đó, việc áp dụng các tiêu chuẩn hiện có để tự đánh giá và cải thiện năng lực của bản thân tổ chức là một chiến lược phù hợp.

Nếu ngành của doanh nghiệp chưa có tiêu chuẩn nào được thiết lập hoặc chưa có sự đồng thuận về các tiêu chuẩn cạnh tranh, trong khi đó, nếu có đủ năng lực và ảnh hưởng cần thiết trong ngành, họ có thể đặt mục tiêu tham gia dẫn dắt và tạo ra các tiêu chuẩn ngành.

Sẽ không có một lời khuyên cụ thể nào có thể áp dụng được chính xác chung cho tất cả các doanh nghiệp trong chiến lược theo đuổi các tiêu chuẩn.

Nếu ngành hoạt động không có được hệ thống tiêu chuẩn phù hợp và bản thân doanh nghiệp cũng không đủ mạnh để có thể tự xác lập ra hệ thống tiêu chuẩn dẫn dắt ngành, một chiến lược hợp tác giữa nhóm các doanh nghiệp hoặc giữa doanh nghiệp với Chính phủ và tổ chức để sửa đổi, tinh chỉnh nhằm áp dụng các tiêu chuẩn dựa trên một hệ thống tiêu chuẩn tham khảo đáng tin cậy là một sự lựa chọn hợp lý.

Từ chiến lược này, các bên có thể cùng nhau đàm phán những sửa đổi phù hợp với cả thực tế thương mại lẫn những cân nhắc về xã hội và môi trường.

Cuối cùng, nếu những tiêu chuẩn hiện hữu tuy đã phát triển mạnh nhưng đặc điểm được thiết lập không phát huy được thế mạnh và không nhất quán với chiến lược hoặc chủ động làm suy yếu khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp? Chiến lược thoát khỏi các hệ thống tiêu chuẩn hiện hữu để tự thiết lập hệ thống tiêu chuẩn riêng của mình cũng có thể được thực hiện đối với các doanh nghiệp có năng lực phát triển bền vững đi đôi với khả năng nghiên cứu và thiết kế các chính sách đáp ứng tiêu chuẩn ESG.

Tuy nhiên, chiến lược này thực hiện khá khó và mạo hiểm, phù hợp với các doanh nghiệp lớn, có năng lực và uy tín cao trên thị trường. Apple là thương hiệu đã thực hiện chiến lược này khi chủ động đối mặt với các tiêu chuẩn theo cách mang tính biểu tượng điển hình của riêng họ.

Khuyến nghị cho bối cảnh riêng của các doanh nghiệp Việt Nam

Nhìn chung, nghiêm túc nhìn nhận để theo đuổi việc đáp ứng các tiêu chuẩn SDGs nhằm đạt được các chứng nhận uy tín là việc mà chắc chắn các doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện và phải đề ra các lộ trình cụ thể phù hợp.

Để giữ được vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp có thể tìm hiểu nhu cầu của khách hàng tiêu thụ hoặc các chuẩn chung của thị trường để đưa ra sự lựa chọn các tiêu chuẩn đạt được chứng nhận phù hợp.

Mặc dù số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam hiện nay chiếm tỷ lệ cao nhưng việc thiết lập và theo đuổi hệ thống các tiêu chuẩn vẫn cần được thực hiện phù hợp đặc tính cũng như quy mô của từng ngành.

Đối với những ngành Việt Nam vốn có lợi thế cạnh tranh, uy tín và tồn tại nhóm doanh nghiệp dẫn dắt như ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến... việc thực hiện các chiến lược tự xác lập tiêu chuẩn phù hợp là hoàn toàn có thể thực hiện được.

Hệ thống tiêu chuẩn thiết lập cần được tham khảo các tiêu chuẩn hiện hữu, có sự tham gia của các tổ chức và chuyên gia có kinh nghiệm cũng như cần có lộ trình đạt được thích ứng với năng lực của các doanh nghiệp.

Riêng đối với các ngành kinh tế mà quy mô doanh nghiệp nhỏ, lợi thế và uy tín còn yếu trên thị trường trong nước và quốc tế, vai trò của chính phủ, hiệp hội và các tổ chức hỗ trợ là rất quan trọng trong việc thúc đẩy năng lực theo đuổi các hệ thống tiêu chuẩn hiện có.

Bên cạnh đó, việc hợp tác để sửa đổi, thiết lập các tiêu chuẩn trong trường hợp chưa có hệ thống tiêu chuẩn hiện hữu trong khi năng lực của các doanh nghiệp chưa cao cũng rất cần sự hỗ trợ của chính phủ và các tổ chức liên quan.

(*) Giám đốc chuyên môn - Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tâm Việt - Tâm Việt Education
(**) Trưởng phòng kinh doanh Bộ phận chứng chỉ TUV SUD

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới