(KTSG Online) – Ông Lê Minh Hoan đã có buổi gặp mặt lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 13 địa phương Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đầu năm mới. Tại buổi gặp mặt, vị tư lệnh ngành nông nghiệp đã truyền đi thông điệp gì?
Chiến lược “thoát ly” tư duy ngắn hạn
Phát biểu tại buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 13 địa phương ĐBSCL diễn ra chiều nay, 9-2, ở tỉnh Bạc Liêu, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, chiến lược nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt. “Đây là lần đầu tiên có một chiến lược mang tính chất dài hạn, chứ không phải chỉ dừng lại ở kế hoạch 5 năm nữa”, ông nói.
Với chiến lược nêu trên, theo ông Hoan, ngành nông nghiệp sẽ dần “thoát ly” tư duy mùa vụ, tư duy thương vụ, tư duy từng năm. Đây vốn là câu chuyện mà ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và nông nghiệp ĐBSCL nói riêng phải có thời gian dài để xử lý các vấn đề nội tại và hấp thu những vấn đề mới.
Những vấn đề nội tại của nông nghiệp Việt Nam, đó là chi phí cao; chất lượng kém; manh mún; tự phát; tác động đến môi trường, hệ sinh thái; nền nông nghiệp đánh đổi, nền nông nghiệp mù mờ; nền nông nghiệp lấy sản lượng làm mục tiêu phấn đấu; tập trung sản xuất, thoát ly thị trường...
Vị tư lệnh ngành nông nghiệp cho rằng, chiến lược nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 sẽ giải quyết những vấn đề nội tại nêu trên của ngành nông nghiệp. Đồng thời, sẽ tiếp cận xu thế của một nền nông nghiệp mới, đó là nông nghiệp xanh, bền vững, có trách nhiệm.
Dẫn chứng điều này, theo ông Hoan, xu thế tiêu dùng nông sản của thế giới bây giờ không chỉ ngon, sạch, đẹp mà phải được sản xuất bằng quy trình không tác động đến môi trường, tức việc sản xuất ra con tôm, con cá, trái cây, hạt gạo phải bằng quy trình không đánh đổi về môi trường.
Ông Hoan gọi vấn đề nêu trên là một cái bẫy ở phía trước của ngành nông nghiệp. “Thành ra tôi nói, biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng là ba thách thức rất lớn đã đến lúc phải có cách tiếp cận khác đi”, ông gợi mở.
Vị tư lệnh ngành nông nghiệp cũng cho rằng, đây là lần đầu tiên có một chiến lược mà nông nghiệp gắn liền với nông thôn, bởi nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực. “Xưa giờ nông nghiệp đi đường nông nghiệp, nông thôn đi đường nông thôn. Thế nhưng, bây giờ hai cái này nó có quan hệ hữu cơ, nó gắn trong một chiến lược chung mang tính chất tổng thể”, ông nhấn mạnh.
Làm gì cho thế hệ tương lai ĐBSCL?
Ở một khía cạnh khác, ông Hoan nhìn nhận, khu vực ĐBSCL lại có những cái buồn khi từng dòng người hết lũ lượt chạy dịch từ đô thị về quê hương, rồi từ quê hương lại lũ lượt trở lại các đô thị tìm kiếm mưu sinh.
Quan điểm của ông, đó là ai đi cứ đi, ai ở cứ ở, bởi không thể nào giữ hết bà con ở mảnh ngày càng teo tóp, điều kiện cơ giới hoá ngày càng thông minh, tức không cần lực lượng lao động đông, mà chỉ cần một số lượng nhất định.
Tuy nhiên, qua hình ảnh hai vợ chồng chở theo những đứa trẻ rời quê đi làm ăn xa được ông Hoan dẫn lại từ một bài báo đặt ra câu hỏi: thế hệ tương lai của ĐBSCL sẽ như thế nào khi những đứa trẻ đó phải ở nhà trọ, điều kiện học hành, chất lượng giáo dục thiếu thốn?
Từ vấn đề nêu trên, ông Hoan gợi mở lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 13 địa phương ĐBSCL cần phải làm điều gì đó cho thế hệ tương lai của Đồng bằng.
Theo ông, trong chiến lược nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hay trong chương trình nông thôn mới cũng đã có nêu, đó là phải tạo ra nhiều công ăn việc làm ở nông thôn.
“Bên cạnh chúng ta giải quyết tăng trưởng GDP, kêu gọi thu hút đầu tư doanh nghiệp lớn, thì những hợp tác xã, người khởi nghiệp, sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm- PV) ở nông thôn…, chúng ta phải có trách nhiệm”, ông gợi mà và cho rằng, điều này cũng đồng nghĩa có trách nhiệm với những đứa trẻ đang ngồi trên xe hon đa phải đi theo cha mẹ trong cuộc mưu sinh.
Dĩ nhiên, theo ông Hoan, không nhìn tương lai ĐBSCL ở hình ảnh những đứa trẻ nêu trên, bởi còn rất nhiều đứa trẻ khác vẫn ở quê hương, được học hành đến nơi đến chốn. “Nhưng, dẫu sao nó cũng là bức tranh đủ gam màu sáng tối để gợi mở cho chúng ta phải làm cái gì đó cho tương lại của ĐBSCL”, ông gợi ý.
Bộ trưởng quan liêu!
Sau khi nghe lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 13 địa phương ĐBSCL báo cáo kết quả ngành nông nghiệp của địa phương cũng như những điểm nghẽn cần giải quyết, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận ông là “Bộ trưởng quan liêu” bởi nhiều vấn đề ông không biết.
“Nếu tôi là bộ trưởng quan liêu, thì trách nhiệm của giám đốc sở các địa phương có phần làm cho tôi quan liêu”, ông nói và đặt câu hỏi, nhóm trò chuyện (group chat) trên nền tảng Zalo - nơi tất cả lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 13 địa phương ĐBSCL đều có tham gia - để làm gì?
Theo ông, những bất cập, điểm nghẽn, vướng mắc mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu ra tại buổi làm việc hôm nay lẽ ra phải được phản ánh ở group chat zalo, thì ông đã xử lý ngay. “Mạng zalo ĐBSCL, thì hầu hết các “đồng chí” ngồi ở đây, các cục, vụ, viện của Bộ cũng ở đây hết, thì tại sao phải đợi một năm gặp bộ trưởng dịp đầu xuân mới kiến nghị giải quyết, trong khi đó là việc cần làm nhanh, hàng ngày?”, ông nêu câu hỏi.
Vị tư lệnh ngành nông nghiệp cũng chia sẻ, phương châm của Bộ trong năm 2022, đó là “tư duy mở, hành động nhanh, kết quả thật”.
Theo ông, cần phải hành động nhanh để tháo gỡ vì bà con nông dân không thể ngồi chờ đợi. “Tôi rất quan tâm đến những cơ chế chính sách mà nó đang nghẽn. Nó nghẽn ở chỗ nào, thì phải trình ở chỗ đó”, ông nhấn mạnh và kêu gọi lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 13 địa phương ĐBSCL phải hành động nhanh.
Thông điệp mới đầu năm: 1. Lần đầu tiên VN có một ngành đi tiên phong, có chiến lược nông nghiệp dài hạn vài chục năm. Từ bỏ tư duy nhiệm kỳ cũng chính là từ bỏ kiểu làm ăn đánh quả chụp giựt, quan trọng hơn là biết đặt lợi ích đất nước lên ngang tầm, vượt tầm thời đại, nông sản của ta nếu lấy chuẩn Châu âu làm căn cứ phấn đấu thì cũng có nghĩa là đã thừa chuẩn xuất khẩu đi khắp thế giới, 2. Trả lại quyền lực chủ thể thực sự cho người nông dân. Theo phương châm nông nghiệp chỉ thay đổi khi tư duy và hành động của nông dân thay đổi, nông nghiệp thay đổi thì kinh tế đất nước mới thực sự thay đổi, 3. Thay đổi cách làm mới là quan trọng nhất. Không cần hô hào phát động ầm ĩ. Làm đâu ra đó, có kết quả thật là OK.