Thứ năm, 21/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Từ một triển lãm, mơ về những startup Việt khỏe khoắn

Song Hảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest) và Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TPHCM (Whise) đã diễn ra vào cuối tháng 11 vừa qua tại TPHCM, với 200 gian hàng của các startup công nghệ của Việt Nam và Hàn Quốc.

Các gian triển lãm Việt Nam khá thiên hình vạn trạng, kiểu cái gì cũng có và mỗi thứ một chút. Giống như một hội chợ hàng tiêu dùng, các startup triển lãm và bán lúa gạo, nước mắm, đặc sản, đồ gỗ… Rất hiếm hoi các startup Việt thực sự cho thấy tiềm năng và giá trị gia tăng từ hàm lượng công nghệ trong sản phẩm của họ.

Chẳng hạn, một công ty khởi nghiệp có trụ sở ở TPHCM có sản phẩm là robot tiếp tân mang khay tài liệu hay mẫu sản phẩm chạy trong khu triển lãm. Nhưng đây chỉ là sản phẩm người máy đơn giản. Startup này còn bán được các robot khuân vác và cắt vải cho các công ty dệt may ở Hải Dương. Đại diện của startup nói họ có thể đáp ứng được nhu cầu tự động hóa trong sản xuất cho ngành dệt may và các ngành công nghiệp khác tại Việt Nam.

Đối diện startup sản xuất robot trên là bàn triển lãm của một cơ sở sản xuất son môi làm từ nguyên liệu hữu cơ. Nhà sáng lập là một cô gái trẻ cho biết màu hồng của son được tạo ra từ chiết xuất vỏ của trái thanh long, vốn được xem là rác vứt bỏ khi chế biến trái thanh long.

Gian triển lãm của Hàn Quốc là một sự “đơn điệu” nhưng tập trung có chủ đích của Trung tâm Hợp tác công nghệ thông tin Hàn Quốc (KICC) với sự có mặt của hơn 20 startup về công nghệ thông tin (IT) từ Hàn Quốc.

Người xem có thể tự trải nghiệm sản phẩm công nghệ cao của startup Hàn đang được thương mại hóa. Chẳng hạn, một startup trưng bày máy soi da cho kết quả tức thì, và đang nhắm bán máy này cho các thẩm mỹ viện và các công ty kinh doanh mỹ phẩm Việt Nam. Một startup khác có ứng dụng đo độ khỏe mạnh của xương và muốn chào hàng sản phẩm đến các bệnh viện, trung tâm y tế tại Việt Nam…

Đáng chú ý hơn là sự hiện diện của NIPA - một tổ chức phi lợi nhuận của Chính phủ Hàn Quốc, chịu trách nhiệm hỗ trợ các chuyên gia IT độc lập và các công ty phần mềm của Hàn Quốc. NIPA đã hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để đưa các startup Hàn Quốc đến Techfest Whise 2023. Còn KICC đã mở văn phòng tại TPHCM và luôn săn lùng các cơ hội bán phần mềm và dịch vụ bảo mật của startup IT Hàn Quốc cho doanh nghiệp Việt Nam.

Việt Nam hiện có hơn 3.400 startup và 140 trung tâm nghiên cứu và trường đại học có các chương trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Việt Nam hiện xếp hạng 46/132 trong Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu 2023 (Global Innovation Index 2023). TPHCM xếp vào nhóm hạng 81-90 trong Top 100 thị trường startup toàn thế giới, theo Báo cáo Hệ sinh thái công ty khởi nghiệp toàn cầu của Startup Genome.

Từ hạng năm trong năm 2022, Việt Nam đã vượt qua Malaysia và Thái Lan để xếp hạng ba về hệ sinh thái khởi nghiệp ở Đông Nam Á, đứng sau Singapore và Indonesia.

Tuy nhiên, nhìn về con đường phát triển trong tương lai của startup Việt Nam, hãng luật quốc tế Dezan Shira & Associates nhận định: “Không có một cách tiếp cận chung nào phù hợp cho tất cả các startup ở Việt Nam. Hoạt động trên nhiều lĩnh vực, mỗi startup trong nước đều đối mặt với những thách thức riêng. Hiểu được những thách thức này - chẳng hạn như các quy định ngân hàng đối với các dự án fintech hoặc các rào cản hậu cần đối với các startup thương mại điện tử - sẽ rất cần thiết cho sự thành công của bất kỳ công ty khởi nghiệp nào”(*).

Tức là các startup Việt phải tự thân vận động kiểu trăm hoa đua nở hay thiên hình vạn trạng như đã đề cập ở trên. Và khó tìm được nhiều startup chung ngành nghề, có triển vọng tốt tại Việt Nam.

Nông nghiệp là trụ cột chính, thế mạnh của kinh tế Việt Nam, nhưng các startup công nghệ thực phẩm (food tech) lại rất mờ nhạt. Sự cô đơn và lẻ loi trong nhiều năm của FoodMap.Asia - nền tảng kết nối giữa nông dân, công ty chế biến thực phẩm và người tiêu dùng tại Việt Nam - có thể là một ví dụ.

Như vậy, chọn hướng đi như IT làm mũi nhọn và sự hỗ trợ cần thiết và kịp thời từ chính phủ cho startup như NIPA và KICC đang làm vẫn là giấc mơ với các startup Việt.

(*) https://www.vietnam-briefing.com/news/vietnams-startup-ecosystem.html/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới