Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tư nhân và dịch vụ công: đừng để thành ‘sân sau’ của một số quan chức

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tư nhân và dịch vụ công: đừng để thành ‘sân sau’ của một số quan chức

Lan Nhi

(TBKTSG Online) – Vụ xét xử ông Đinh La Thăng, Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm tại Dự án bán quyền thu phí cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và vụ án “Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở KHĐT Hà Nội liên quan đến việc xã hội hóa các gói thầu về dịch vụ công trực tuyến khiến dư luận liên tục đặt câu hỏi: “Chủ trương thu hút tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công là đúng. Nhưng làm sao để tránh được tình trạng lo ngại về tình trạng một số doanh nghiệp là “sân sau” của các quan chức biến chất?”

Tư nhân và dịch vụ công: đừng để thành 'sân sau' của một số quan chức
Tư nhân hóa dịch vụ công đang phát triển và xuất hiện một số hệ lụy khá lớn nếu không giám sát chặt chẽ Ảnh: TTXVN

Pháp luật chỉ hạn chế tư nhân tham gia 20 dịch vụ công, nhưng…

Nhu cầu sử dụng dịch vụ công ngày càng tăng lên trong khi các khoản chi của ngân sách cũng ngày càng lớn và nhà nước không thể “ôm đồm” hết được. Việc tư nhân cung cấp dịch vụ công cho những đối tượng thụ hưởng có khả năng chi trả sẽ góp phần làm giảm gánh nặng cho ngân sách, nâng cao chất lượng dịch vụ. Pháp luật hiện chỉ hạn chế tư nhân tham gia 20 loại hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước. Nhưng do cơ chế đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá tài nguyên… chưa được hoàn thiện nên số lượng các lĩnh vực, địa bàn mà tư nhân chưa được tham gia vẫn còn khá lớn.

Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới hoàn tất Báo cáo về Hành trình chuyển đổi “Vai trò của tư nhân trong cung cấp dịch vụ công tại Việt Nam” qua cuộc khảo sát hàng trăm doanh nghiệp về dịch vụ đánh giá về sự phù hợp. Đây là dịch vụ công đã được tư nhân hóa như các hoạt động kiểm định, thẩm định, xét nghiệm, giám định, chứng nhận… chứ chưa phải toàn bộ dịch vụ công được tư nhân hóa trong nền kinh tế. Tuy nhiên, một “lát cắt” không nhỏ của loại hình kinh doanh này đã bộc lộ nhiều vấn đề.

VCCI cho biết sự tham gia của tư nhân vào dịch vụ công đã triển khai ở nhiều lĩnh vực qua đầu tư hợp tác công tư hay xã hội hóa (mà thực chất là tư nhân hóa). Giáo dục và y tế là điển hình của mô hình xã hội hóa dịch vụ công.

Theo đó, Nhà nước cho phép tư nhân đầu tư cung cấp dịch vụ công qua hình thức đầu tư 100% vốn tư nhân hoặc liên doanh, liên kết với cơ sở công lập để cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng cho đối tượng có nhu cầu. Phòng công chứng tư nhân ở các thành phố đã giảm tải đáng kể cho các phòng công chứng tư. Các công trình đầu tư theo hình thức PPP cũng góp phần thay đổi diện mạo cơ sở hạ tầng và dịch vụ giao thông vận tải và sản xuất điện…

Việt Nam đã mở cửa thị trường đánh giá sự phù hợp cho tư nhân và đầu tư nước ngoài (FDI) ngay sau thời kỳ đổi mới do nhu cầu ngày càng tăng về thương mại quốc tế. Văn phòng SGS Việt Nam thành lập năm 1989 cung cấp dịch vụ kiểm định hàng hóa và chứng nhận phù hợp tại Việt Nam. Hiện nay, chỉ riêng lĩnh vực cung cấp dịch vụ đánh giá sự phù hợp thì có 42% nhà cung cấp tư nhân và chiếm 30% thị phần. Doanh nghiệp FDI chiếm 7% số lượng và 26% thị phần. Đơn vị nhà nước chiếm 51% số lượng và 44% thị phần.

Khách hàng sử dụng dịch vụ cũng phản ánh tình trạng chi trả không chính thức cho các đơn vị nhà nước tương đối phổ biến (29% số doanh nghiệp có trả chi phí không chính thức) cao hơn nhiều so với các đơn vị tư nhân (16%) và đơn vị nước ngoài (6%). Trong khi nhiều doanh nghiệp tư nhân cung cấp dịch vụ cho rằng họ bị đối xử kém thuận lợi hơn các đơn vị nhà nước thì dư luận lại e ngại việc các doanh nghiệp tư nhân làm dịch vụ công lại là “sân sau” của một số quan chức, cán bộ. Ở cấp độ cung cấp dịch vụ công qua đấu thấu như hai vụ án kể đầu bài, điều này thể hiện khá rõ.

Tránh “bẫy” cổ phần hóa dịch vụ công

Sự cạnh tranh và vận hành của cơ chế thị trường đã góp phần cải thiện tích cực chất lượng dịch vụ. Nhà nước không thể làm thay toàn bộ dịch vụ công nhưng cần tạo lập môi trường đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích các bên nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua việc xây dựng khung pháp luật và hệ thống quản lý chất lượng, kỹ thuật phù hợp, tăng tính minh bạch khi gia nhập thị trường để chống độc quyền và giảm nguy cơ tham nhũng.
VCCI cho rằng kinh nghiệm về cho phép cổ phần hóa dịch vụ công trên thế giới đặt ra bài học về bẫy cổ phần hóa. Đây là hiện tượng khi Nhà nước bán các đơn vị độc quyền tự nhiên cung cấp dịch vụ công cho tư nhân, chuyển từ độc quyền nhà nước sang độc quyền tư nhân. Dù có thể tận dụng tốt kỹ năng quản trị của tư nhân để tiết giảm chi phí nhưng nếu không có khung pháp luật rõ ràng thì nền kinh tế cũng chịu những tác động mạnh không kém, kiểu như bị “doanh nghiệp sân sau” của quan chức thao túng. Do đó, giải pháp quan trọng là tạo lập và thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường và dùng các biện pháp như quản lý giá, giám sát chặt chẽ chất lượng dịch vụ và đặt ra những quy định cấm các đơn vị cung cấp dịch vụ từ chối khách hàng… để thị trường cung cấp dịch vụ công của tư nhân ngày càng trở nên hiệu quả, minh bạch hơn.

Mời xem thêm:

Tư nhân hóa dịch vụ công nhìn từ vụ án Nhật Cường

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới