Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Từ PAPI của UNDP đến Report của WB

Hiệu Minh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Cả báo cáo PAPI của UNDP và Report 2021 của WB đều hướng đến mục tiêu giúp Việt Nam đạt được khát vọng cường thịnh. Vấn đề là Việt Nam sẽ tiếp nhận và thực hiện những tư vấn này như thế nào?

Dường như tháng 5 là tháng nộp báo cáo của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Hết tháng 6 là đóng tài khóa nên họ phải vắt chân lên cổ cho đúng kế hoạch.

Hai báo cáo đều hướng đến một mục tiêu

Việt Nam có khát vọng trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao vào năm 2035, và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045. Để thực hiện khát vọng này, Việt Nam không chỉ cần xác định đúng những ưu tiên phát triển trong bối cảnh đứng trước nhiều thách thức phức tạp mới phát sinh trong nước và toàn cầu, mà còn cần phải cải cách thể chế để có thể thực thi những ưu tiên của đất nước một cách hiệu quả.

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, cả hai báo cáo thường niên PAPI của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), phản ánh dư luận của người dân về hoạt động của chính quyền, và Report 2021 của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) phân tích các ưu tiên phát triển của Việt Nam trong những thập kỷ tới đều nhằm giúp nước ta đạt được khát vọng trên. Cách tiếp cận từ dân trở lên (UNDP) và từ Chính phủ xuống (WB) giúp cho hai phía tiếp cận một tiếng nói chung.

Ngày 10-5, tại Hà Nội, UNDP cùng các đối tác đã công bố Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2021.

PAPI là khảo sát xã hội học lớn nhất tại Việt Nam với nội dung đánh giá xây dựng, thực thi và giám sát chính sách và cung ứng các dịch vụ công. PAPI được xây dựng trên triết lý coi người dân như “người sử dụng” (khách hàng) của cơ quan công quyền (bên cung ứng dịch vụ), có đủ năng lực giám sát và đánh giá tính hiệu quả của quản trị và hành chính công ở địa phương.

Sau đó một tuần, WB tổ chức Báo cáo cập nhật đánh giá quốc gia Việt Nam 2021 (Report 2021) với tiêu đề “Để Việt Nam tươi sắc đào xuân? Cải cách thể chế hướng tới thực thi hiệu quả”, với phân tích các ưu tiên phát triển, đề xuất một nền tảng gồm năm cải cách thể chế giúp Chính phủ thực thi các ưu tiên phát triển hiệu quả hơn.

Báo cáo PAPI 2021 - 8 chỉ số nội dung, quan ngại nhiều hơn

Tương tự như các năm trước, báo cáo PAPI 2021 trình bày các kết quả chi tiết về hiệu quả hoạt động của các tỉnh theo 8 chỉ số nội dung (tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; và quản trị điện tử), và điểm Chỉ số PAPI tổng hợp.

Tin vui, theo PAPI 2021, là người dân cho biết cơ sở hạ tầng cơ bản được cải thiện với chất lượng đường sá, nước sạch và vệ sinh môi trường tốt hơn, tình hình tội phạm an ninh, trật tự địa bàn khu dân cư cũng giảm, có thể là do tác động của giãn cách xã hội và hạn chế đi lại.

Nhưng tin chưa vui, đó là PAPI cũng chỉ ra những dư địa cần cải thiện trong công tác ứng phó với đại dịch; công tác quản trị và hành chính công trong xử lý tác động của dịch Covid-19 đối với nhiều vấn đề Chỉ số PAPI đã đo lường, cũng như thách thức trong việc tạo lại niềm tin của người dân vào điều kiện kinh tế hộ gia đình.

Khảo sát PAPI năm 2021 cho thấy, do Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, bên cạnh quan ngại về tăng trưởng kinh tế của đất nước và việc làm, thì mối quan tâm về sức khỏe của người dân nổi lên với tỷ lệ quan ngại về y tế và bảo hiểm y tế tăng mạnh từ 2% lên 23% chỉ trong hai năm.

Trong khi mối quan ngại về ô nhiễm môi trường giảm nhẹ, tỷ lệ hài lòng với điều kiện kinh tế hộ gia đình tiếp tục giảm 11% so với năm 2020 khi sự lạc quan của người dân với tình hình kinh tế hộ gia đình giảm xuống lần đầu tiên sau gần một thập niên tăng liên tục. Cùng với đó, tỷ lệ người trả lời cho biết bị mất việc làm và mất thu nhập trong năm 2021 tăng 10% so với năm 2020.

Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân hài lòng với cách ứng phó với đại dịch Covid-19 của các cấp chính quyền đã giảm từ 89% năm 2020 xuống còn 84% năm 2021. Đặc biệt với lĩnh vực y tế, mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ của bệnh viện công tuyến huyện/quận/thành phố trực thuộc tỉnh giảm sút. Trong khi đó, tỷ lệ người dân cho biết họ hoặc người thân trong gia đình phải “chung chi” để được chăm sóc tốt hơn tại bệnh viện công tuyến huyện tăng nhẹ.

Đáng chú ý, điểm chỉ số nội dung Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công lần đầu tiên giảm sút kể từ năm 2016.

Điểm chỉ số nội dung Trách nhiệm giải trình với người dân năm 2021 giảm mạnh so với năm 2019 và 2020. Sự sụt giảm này có thể là do chính quyền địa phương bị quá tải với số lượng lớn yêu cầu của người dân liên quan đến chính sách hỗ trợ và ứng phó với đại dịch Covid-19 trong năm 2021. Bên cạnh đó, việc thực hiện giãn cách xã hội khiến nhiều hoạt động phải chuyển sang trực tuyến, nhưng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công điện tử qua các cổng dịch vụ công trực tuyến của các cấp chính quyền còn rất thấp, phản ánh phần nào những hạn chế trong hiệu quả quản trị điện tử năm 2021.

Năm 2021, PAPI có số lượng phỏng vấn trực tiếp cao nhất từ trước tới nay, với 15.833 người trả lời từ khắp 63 tỉnh, thành phố, gồm phỏng vấn 1.042 người tạm trú ở 12 tỉnh, thành phố có tỷ suất nhập cư nội địa ròng dương.

Báo cáo WB - 5 cải cách thể chế cần thiết cho khát vọng 2045

Báo cáo cập nhật đánh giá quốc gia của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), “Để Việt Nam tươi sắc đào xuân? Cải cách thể chế hướng tới thực thi hiệu quả”, đã chỉ ra mô hình tăng trưởng truyền thống của Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn do đại dịch Covid-19, như toàn cầu hóa chững lại và nguy cơ quốc gia ngày càng dễ tổn thương đối với những cú sốc bên ngoài, đặc biệt với rủi ro khí hậu.

Sau khi xác định một loạt những ứng phó chính sách và ưu tiên cải cách, báo cáo nhận định rằng thể chế hiện đại, có tính thích ứng, sẽ là chìa khóa để đảm bảo thành công.

“GDP theo đầu người của Việt Nam đã tăng gấp 5 lần sau ba thập kỷ qua, trong khi thể chế của quốc gia chưa thích ứng với tốc độ thay đổi đó kể từ thời kỳ đổi mới vào cuối thập kỷ 1980”, theo lời của bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. “Cải cách thể chế đồng bộ có thể giúp quốc gia tránh bẫy thu nhập trung bình qua nâng cao hiệu quả ứng phó với những thách thức mới và phức tạp phát sinh trong nước và trên toàn cầu”.

Việt Nam đã triển khai thực thi những ưu tiên phát triển với kết quả chưa được đồng đều trong 35 năm qua. Quốc gia đã đạt kết quả vượt kỳ vọng trong lĩnh vực mở cửa thương mại và hòa nhập xã hội, nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn về đẩy mạnh tăng trưởng xanh và nâng cấp hạ tầng cơ bản của quốc gia. Kết quả thiếu đồng bộ đó được lý giải do thể chế chưa phải lúc nào cũng sẵn sàng cho những nhiệm vụ, ưu tiên phát triển phức tạp, thường mang tính liên ngành, và hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi trở thành xã hội thu nhập cao. Nâng cao tính thích ứng và hiện đại hóa thể chế hiện hành là ưu tiên quan trọng được đề ra trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội được thông qua tại Đại hội Đảng vào tháng 2-2021.

Báo cáo cho biết, có năm cải cách thể chế quan trọng cần triển khai để cải thiện kết quả thực thi của Việt Nam. Đó là: (1) Hình thành nền tảng thể chế vững chắc để biến ưu tiên phát triển thành hành động cụ thể; (2) Hài hòa quy trình thủ tục hành chính để nâng cao hiệu quả của chính quyền các cấp, các ngành; (3) Sử dụng các công cụ thị trường để tạo động lực trong khu vực nhà nước và khu vực tư nhân; (4). Thực thi hiệu lực quy định và quy tắc nhằm nâng cao động lực, lòng tin và sự công bằng; và (5) Áp dụng các quy trình có sự tham gia nhằm nâng cao minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Nhờ triển khai đồng bộ năm cải cách thể chế trên, Việt Nam đã chuyển đổi từ một trong những nền kinh tế đóng cửa nhất thế giới thành một trong những nền kinh tế mở cửa nhất thế giới trong thập kỷ 1990 và 2000.

Nhưng lộ trình từ quốc gia thu nhập trung bình thấp sang thu nhập trung bình cao sẽ có nhiều thách thức hơn trước. Qua triển khai một cách có hệ thống năm cải cách thể chế nêu trên, Việt Nam sẽ tạo nền tảng cho tầm nhìn phát triển kinh tế, tăng cường năng lực để triển khai những chiến lược của quốc gia, nâng cao động lực để đem lại kết quả cao hơn trong một số lĩnh vực quan trọng - tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, tài chính toàn diện, an sinh xã hội và nâng cấp hạ tầng - qua đó giúp quốc gia hoàn thành các mục tiêu phát triển của mình, Báo cáo WB kết luận.

Vài trải nghiệm riêng tư

Theo người viết bài này, báo cáo của UNDP và của WB có thể được viết khi cuộc chiến Nga - Ukraine chưa nổ ra, mà ảnh hưởng tầm toàn cầu “khủng” hơn nhiều so với dịch Covid-19, trong đó Việt Nam không đứng ngoài. Vấn đề này có lẽ sẽ được đề cập đến trong Báo cáo 2022.

Tháng 6-1998, khi chuẩn bị cho cuộc họp giữa kỳ của các nhà tài trợ quốc tế với sự tham dự lần đầu tiên của Thủ tướng Phan Văn Khải, nhóm tư vấn muốn tổ chức ở miền Trung vì muốn những người tham dự được mắt thấy tai nghe với thực tế còn rất nghèo và cần sự trợ giúp.

Hội nghị tổ chức trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang bị cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực đe dọa trầm trọng; đói nghèo cùng cực của 3,6 triệu người ở 1.700 xã; muốn gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nên rất cần sự ủng hộ của quốc tế.

Thủ tướng Việt Nam tham gia được các nhà tài trợ đón nhận như một tín hiệu tốt lành trong chính sách cởi mở của Việt Nam.

Trong cuộc họp, các vị trong đoàn phục Thủ tướng Phan Văn Khải khi thấy ông lắng nghe và ghi chép rất chi tiết, sau đó trả lời rành mạch, đâu vào đó, không cần chuẩn bị trước.

Phía tài trợ than phiền Việt Nam chậm trong giải ngân, Thủ tướng trả lời do Việt Nam còn nhiều hạn chế về mặt cán bộ, chưa đủ trình độ để quản lý dự án quốc tế lớn và ông đề nghị WB giúp xây dựng đội ngũ thì mới mong tiền tài trợ được sử dụng tốt.

Sau này, Giám đốc quốc gia WB, ông Andrew Steer có nói lại rằng ông theo dõi rất kỹ Thủ tướng ghi chép hay nhờ thư ký, hoặc tư vấn với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá. Thật không ngờ, Thủ tướng tự trả lời mà không cần hỏi ai.

Nhiều câu hỏi hóc búa về thay đổi thể chế, phát triển kinh tế tư nhân, kế hoạch sắp tới như thế nào, Bộ trưởng Trần Xuân Giá, với giọng sang sảng xứ Huế, trả lời rất khúc triết.

Các cơ quan hữu quan của Việt Nam đánh giá cao vai trò của WB trong việc mang lại khả năng tiếp cận những kiến thức và kinh nghiệm về phát triển và coi đó là phần đóng góp quan trong nhất của WB tại Việt Nam.

WB đưa ra khái niệm nhóm chính sách phát triển trụ cột cho Việt Nam liên quan tới sáu vấn đề nan giải và mang tầm quốc gia trong hàng chục năm sau: (1) Quản lý kinh tế vĩ mô; (2) Cạnh tranh, ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước và cải cách cơ cấu; (3) Phát triển nông nghiệp và nông thôn; (4) Xây dựng cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực; (5) Quản trị, minh bạch và tham dự của người dân; (6) Phân cấp và thực hiện các nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

Khi đó bà Carol Turk tham gia cùng nhóm kinh tế trong cương vị chuyên gia về xóa đói giảm nghèo cho Việt Nam. Sau đó bà quay về Việt Nam làm Giám đốc quốc gia WB sau khi giữ cương vị này cho bốn nước Ethiopia, Nam Sudan, Sudan và Eritrea.

Lần này đến Việt Nam, nhiệm vụ của Giám đốc Carol Turk không còn là ưu tiên xóa đói giảm nghèo mà cùng WB giúp Việt Nam tiến tới khát vọng 2035 và xa hơn là 2045 với năm ưu tiên đẹp như cành đào trên trang bìa của Báo cáo WB “Để Việt Nam tươi sắc đào xuân? Cải cách thể chế hướng tới thực thi hiệu quả”.

Như các tác giả Báo cáo giải thích, cành đào gộc biểu tượng khúc khuỷu, gian nan, nhiều cua gấp, nhưng vẫn đi lên và nở hoa như quốc gia này. Tuy còn hơn 20 năm nữa mới đến mốc 2045, nhưng Việt Nam không vắt chân lên cổ như nhóm làm báo cáo PAPI của UNDP đến báo cáo của WB cho đúng tiến độ, thì tới năm đó, khát vọng vẫn chỉ là khát vọng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới