Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Tự phát” hồi hương, “tự giãn cách”, và các vấn đề đặt ra

PGS. Trương Quang Thông

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Hồi hương, tự phát về quê, đào thoát, chạy trốn… là những cung bậc từ ngữ khác nhau cùng diễn tả làn sóng ồ ạt những người lao động ngoại tỉnh rời TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai để quay trở lại quê nhà kể từ ngày 1-10-2021, ngày mà TPHCM nới lỏng lệnh giãn cách để phòng, chống dịch Covid-19.

Người dân khai báo y tế khi rời TPHCM về các tỉnh miền Tây. Ảnh: N.K

Trong khi vẫn chưa có nguồn thống kê chính thức về số người lao động quay về quê nhà kể từ ngày 1-10-2021, người viết bài này chỉ còn biết cách góp nhặt từ các trang báo và các cổng thông tin điện tử từ các địa phương. Tính đến chiều ngày 10-10-2021, chỉ riêng chín tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, con số đã gần 250.000 người. Số lượng về các tỉnh vùng Tây Nguyên ước lượng khoảng 200.000 người. Nếu làm thử bài toán tổng cộng cả miền Tây, vùng Tây Nguyên, các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh trở vào (chưa tính các tỉnh phía Bắc Thanh Hóa), con số tổng chắc chắn là vô cùng lớn.

Đó là một con số khủng khiếp, theo quan điểm của người viết, và hình như, cuộc “đại di dân” ồ ạt “vô tiền khoáng hậu” kể từ cái ngày 1-10-2021 đó, là một vấn đề mà chính quyền TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai không thể ngờ là nó diễn biến quá nhanh, và quá lớn như vậy.

Nhiều người đã vội vã phê phán tính tự phát của cuộc “đại di dân” đó. Riêng tôi, tôi nghĩ rằng những người trong cuộc đã mất những 3-4 tháng trời để có thể ra một quyết định như thế. Mà những suy nghĩ về an toàn cuộc sống, về sinh mạng, thì chúng ta cần phải coi trọng. Huống chi, đây là suy nghĩ, hay chí ít, là cảm giác chung của hàng triệu con người. Họ “tự phát”, hay chính họ đã tự quyết định về một sự “tự giãn cách” với những gì mà họ vẫn còn cho là bất ổn, bất an với sinh kế bình thường của mình? Nếu không có những suy nghĩ đó, tôi nghĩ rằng phần lớn trong số họ sẽ không ra đi.

Họ “tự phát” hồi hương, hay chính họ đã tự quyết định về một sự “tự giãn cách” với những gì mà họ vẫn còn cho là bất ổn, bất an với sinh kế bình thường của mình?

Chậm nhưng vẫn còn hơn không, tôi nghĩ ngay từ bây giờ, và phải làm ngay, chính quyền TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai, ngay cả những địa phương có người lao động trở về, phải thực hiện một cách rốt ráo một cuộc điều tra khảo sát dân cư và lao động có liên quan đến cuộc chuyển dịch lao động rất đáng quan tâm nói trên.

Thực ra, những dữ liệu liên quan đến cuộc điều tra theo gợi ý có thể thu nhập khá dễ dàng so với những kiểu dữ liệu dự báo dịch Covid-19 vài ba tháng trước đó. Chẳng hạn, trong số những người vừa quay về quê hương, bao nhiêu phần trăm là nam, là nữ; độ tuổi, ngành nghề đã làm trước khi xảy ra dịch Covid-19; hoàn cảnh sinh sống trong giãn cách; tình trạng tiêm vaccine; những ai có ý muốn khi điều kiện thuận lợi sẽ trở lại TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai để làm việc; thời gian sớm nhất có thể quay lại; những mong muốn khi quay lại…

Ngay cả dữ liệu/dự báo về tỷ lệ khó/không có thể quay lại trong vòng 1-2 năm nữa (tôi không dám dùng “vĩnh viễn”) cũng sẽ rất quan trọng cho chính quyền TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, và kể cả chính quyền các địa phương có liên quan.

Những dữ liệu thu thập được có thể sẽ rất hữu ích cho các quyết định chính sách. Chẳng hạn xác suất quay trở lại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai trước Tết Âm lịch Nhâm Dần 2022 có thể là bao nhiêu? Cái này khá dễ dàng dự báo, căn cứ vào tình trạng hiện nay, Tết Âm lịch cũng đã gần kề, tỷ lệ có thể quay lại sẽ là rất thấp. Như vậy, sau Tết Âm lịch sẽ là bao nhiêu? TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai sẽ thiếu hụt bao nhiêu lao động? Sẽ tác động đến những ngành nào? Những lĩnh vực đóng góp cao nhất về giá trị gia tăng, sản lượng xuất khẩu có thể bị tác động hay không?

Trước và trong diễn biến dịch Covid-19, chúng ta đã từng lo lắng rất nhiều về nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng trong liên kết sản xuất kinh doanh toàn cầu của Việt Nam. Mới đây, đại diện nhiều hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam như AmCham, Kocham, EuroCham… đã gửi thư kiến nghị đến Thủ tướng Phạm Minh Chính về khả năng chuyển đơn hàng, khả năng chuyển một số hoạt động sản xuất kinh doanh sang các quốc gia khác.

Hãy nhìn kỹ những lĩnh vực sản xuất sản phẩm đặc thù như vi mạch điện tử, điện thoại thông minh, quần áo và da giày – chủ yếu là những lĩnh vực đầu tư FDI, và cũng là những lĩnh vực đóng góp chủ lực cho xuất khẩu và tăng trưởng GDP của Việt Nam. Do đặc tính ngắn của vòng đời sản phẩm (Product Life Cycle), nên những phát biểu của đại diện các nhà đầu tư nước ngoài (mà chúng ta xem là thiếu kiên nhẫn) thực ra khá dễ hiễu, và đáng chia sẻ. Họ không thể chờ lâu được!

Lo ngại của họ về khả năng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu từ Việt Nam chưa hết, nay cả họ và chúng ta lại cùng chứng kiến một nỗi lo nhãn tiền vô cùng lớn lao: sự đứt gãy chuỗi cung ứng lao động để phục vụ cho chuỗi giá trị toàn cầu mà Việt Nam mới vài ba năm trước đây đã từng tự tin về khả năng trở thành một thành viên tích cực và sáng giá.

An dân, an sinh lâu dài, bền vững cho người lao động, đặc biệt là người lao động nhập cư, chưa bao giờ trở nên vô cùng quan trọng, cấp thiết như hiện nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới