Từ thiện, làm sao để lâu bền?
Hồng Phúc
(TBKTSG Online) - Việc Nụ Cười 4, một trong chuỗi quán cơm Nụ Cười bán một phần cơm 2.000 đồng tại TPHCM gặp khó khăn về tài chính và đang đứng trước nguy cơ đóng cửa sau vài tháng hoạt động đặt ra câu hỏi: Làm sao để có mô hình từ thiện bền vững tại một đất nước còn nhiều người khó khăn như Việt Nam?
![]() |
Bữa trưa tại quán cơm Nụ cười 4 (Ảnh: thuthientinhthuong.org) |
Làm từ thiện không dễ, nhưng đừng bỏ cuộc
Đi tìm mô hình từ thiện bền vững
Liệu cơm gắp mắm
Một người (xin giấu tên) hiện điều hành một quỹ từ thiện lâu năm tại TPHCM khi nghe câu chuyện Nụ Cười 4 đã bày tỏ cảm thông: “Làm từ thiện thoạt nhìn thì chỉ thấy đi xin của người giàu chia cho người nghèo nhưng đó là bài toán không đơn giản”.
Theo ông, ở Việt Nam có 3 lý do để các mô hình làm từ thiện hiện nay rất vất vả và khó bền vững. Thứ nhất, các nguồn quyên góp cho các tổ chức từ thiện hiện rất bấp bênh, không lâu dài và đa số tùy thuộc vào “hứng” của người đi ủng hộ. Trong khi đó, quy định hiện hành không cho phép người quyên góp tiền từ thiện được dùng tiền đó đầu tư sinh lời như ở nước khác, trừ việc gửi tiết kiệm và mua trái phiếu chính phủ. Thứ hai, lực lượng lao động đi làm tình nguyện thất thường và không chắc chắn, không có lực lượng cơ hữu mà chỉ là những người đi làm tạm khi rảnh rỗi (người về hưu, sinh viên, công chức…) chứ họ không đeo đuổi bền bỉ việc thiện nguyện như một lý tưởng sống, trừ các nhân lực trong tôn giáo như sư sãi hay các xơ. Thứ ba, mặt bằng của các cơ sở từ thiện không ổn định, hầu hết là mặt bằng được nhà hảo tâm cho mượn. Một thời gian sẽ phải chuyển đi nơi khác. Ví dụ, cả 5 quán cơm Nụ cười hiện đều được cho mượn mặt bằng từ một đến vài năm và hiện một quán cơm chuẩn bị di dời, và việc di chuyển một quán cơm quy mô lớn rất tốn kém và phiền phức.
Nguyên tắc của làm từ thiện, vừa mang tính kinh tế vừa mang tính xã hội là càng huy động được nhiều tấm lòng bá tánh càng lâu bền. Về mặt kinh tế, càng nhiều người đóng góp, nguồn thu càng bền vững vì quán sẽ không phụ thuộc vào nguồn nào cả. Hiện nay ở các quán Nụ cười, vẫn có những tổ chức, cá nhân tháng nào cũng gửi vào tài khoản một khoản tiền cố định, có cá nhân mỗi tháng gửi 300.000-500.000 đồng, có doanh nghiệp mỗi tháng gửi 30 triệu đồng. Nhưng cần làm sao khi không có 30 triệu kia, quán vẫn duy trì nguồn tài chính chứ không chỉ là việc cứ làm hết tâm hết sức, nếu hết tiền thì dẹp. Do vậy, liệu cơm gắp mắm và mở rộng kênh tạo tiền rất quan trọng trong mô hình này.
Lòng nhân ái nhiều lắm!
Dù sao đi nữa, không phủ nhận giá trị lớn nhất ở đây là lòng nhân ái. Tâm sự của ông Lê Văn Chính, người tham gia công tác thiện nguyện nhiều năm và đang tham gia điều hành Nụ Cười 4 rằng mọi người đều mong muốn lan tỏa lòng nhân ái chứ không chỉ là việc bán suất cơm 2.000 đồng.
“Chúng tôi đã cùng nhau tính toán thật kỹ để tạo ra một nơi có không khí thân ái, người ta đến ăn để được nhận sự ấm áp dịu dàng, được thấy nụ cười và được trở về như một tổ ấm để ăn cơm, trò chuyện với nhau. Chúng tôi muốn quán cơm là nơi mà những người còn đang vật lộn với mưu sinh được dung thân, tìm thấy sự yên ổn, đủ sức đi tiếp đường đời”.
Cơm Nụ Cười chỉ là một trong biết bao mô hình làm từ thiện có tổ chức và tự phát đang hoạt động khắp nơi tại một đất nước còn nhiều người cần giúp đỡ. Dù gì đây cũng là mô hình cần duy trì, nhân rộng. “Mọi người vẫn nói xã hội này vô cảm, tôi không nghĩ thế, chỉ là chưa có đủ kênh cho con người ta tin, được khơi gợi và thể hiện lòng nhân ái. Lòng nhân ái nhiều lắm, người tốt nhiều hơn người xấu. Cần định hướng cho người ta thể hiện bằng việc làm bài bản”, nhà báo Trần Trọng Thức, người đang điều hành quán cơm Nụ Cười 3 nói.
Đi tìm một mô hình từ thiện bền vững là câu hỏi không mới. Nhiều nhà hảo tâm đã mày mò tìm cách để có thể giúp xã hội. Doanh nghiệp xã hội là mô hình được nhiều mạnh thường quân đang hướng tới. Đó là cách thức các doanh nghiệp vẫn kinh doanh kiếm lời, nhưng cách kinh doanh được kết hợp với mục tiêu giải quyết các vấn đề của xã hội, và lợi nhuận đó không được chia mà được đưa vào một quỹ để làm việc thiện… Ví dụ như quán cà phê của Regina của ông chủ Công ty Vinamit Nguyễn Lâm Viên tại TPHCM dùng toàn bộ lợi nhuận đưa vào quỹ từ thiện (hơn 2 tỉ đồng một năm). Công ty Robert Bosch Việt Nam làm theo triết lý kinh doanh của công ty mẹ, hơn 90% lợi nhuận được làm từ thiện… và còn rất nhiều doanh nhân khác đang ấp ủ những giấc mơ làm ấm trái tim cộng đồng.