Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Từ tiểu tiết đến chiến lược đều chưa đạt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Từ tiểu tiết đến chiến lược đều chưa đạt

Lê Duy Khánh

Từ tiểu tiết đến chiến lược đều chưa đạt
Các nhà đầu tư Nhật tìm hiểu thông tin về thị trường chứng khoán Việt Nam nhân sự kiện một doanh nghiệp địa ốc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Ảnh: Thanh Tao.

(TBKTSG) – Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến cho dự thảo nghị định về nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) mua cổ phần của tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam để thay thế cho Nghị định 69/2007/NĐ-CP (Nghị định 69). Mặc dù đã là dự thảo lần 3 nhưng nhiều vấn đề vẫn còn vướng mắc, ngay cả những vấn đề rất cơ bản.

Từ chuyện tiểu tiết

Cái thắc mắc đầu tiên là tại sao nghị định sẽ có tên là: “Nghị định về nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam” mà không phải là “Nghị định về việc tổ chức tín dụng Việt Nam bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài”? Tất nhiên, tên gọi không quá quan trọng, nhưng người đọc dự thảo cảm nhận không chỉ ở tên gọi, mà đâu đó trong cả nội dung của bản dự thảo là tâm lý nhược tiểu, rằng việc các TCTD Việt Nam bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài như là chuyện đương nhiên, quyền quyết định giao dịch nằm hoàn toàn trong tay các NĐTNN. Hệ thống các TCTD Việt Nam đâu đến nỗi như vậy?!

Nhà đầu tư chiến lược nước ngoài theo quy định của dự thảo phải “được các tổ chức xếp loại tín nhiệm quốc tế xếp hạng từ mức ổn định trở lên”. Câu hỏi đặt ra cho một quy định có vẻ hợp lý này là quốc tế ở đây là quốc tế nào? Các tổ chức xếp loại tín nhiệm quốc tế thì hiện nay có ít nhất ba tổ chức có uy tín (Fitch Ratings, Standard & Poor’s và Moody’s), vậy trong trường hợp các tổ chức này xếp loại khác nhau mà có tổ chức xếp nhà đầu tư chiến lược nước ngoài dưới mức ổn định, có tổ chức xếp hạng từ mức ổn định trở lên thì giải quyết thế nào? Hay nhà đầu tư và TCTD sử dụng bảng xếp hạng của các tổ chức xếp loại tín nhiệm không đáng tin cậy nào đó thì có được chấp nhận không?

Đến chuyện đại sự

Đối với các TCTD Việt Nam, việc bán cổ phần cho NĐTNN có nhiều mục đích khác nhau, tuy nhiên có thể nêu ra ba lý do chính, đó là cần tăng cường năng lực tài chính, nâng cao trình độ công nghệ và nâng cao khả năng quản trị, điều hành.

Kế thừa Nghị định 69, lần này NHNN cũng không có nhiều thay đổi về điều kiện được bán cổ phần cho NĐTNN của TCTD Việt Nam chưa niêm yết. Đó là phải có vốn điều lệ tối thiểu bằng vốn pháp định, tuân thủ các quy định quản trị rủi ro, đáp ứng các tỷ lệ bảo đảm an toàn, trích lập dự phòng đầy đủ, không bị xử phạt trong khoảng thời gian 24 tháng trước đó… Dễ thấy rằng nếu các TCTD đáp ứng được các yêu cầu như vậy thì việc bán cổ phần cho NĐTNN không thật sự bức bách, nếu không có nhu cầu “từ tốt đến vĩ đại”!

Trong khi đó, các TCTD chưa niêm yết khác, vì năng lực tài chính yếu, vì trình độ công nghệ và khả năng quản trị, điều hành có vấn đề nên chưa thể đáp ứng được các quy định này của NHNN, thì nhu cầu cần phải tăng cường năng lực là cần thiết nhưng lại không được phép có sự tham gia của NĐTNN. Điều này rõ ràng là không hợp lý. Đối với các tổ chức chưa niêm yết, việc mua cổ phần đòi hỏi các NĐTNN phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, phải xem xét các khía cạnh hoạt động của tổ chức một cách toàn diện để bảo đảm việc đầu tư đem lại hiệu quả. Nếu vài chỉ tiêu chưa tốt nhưng các NĐTNN, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược vẫn quyết định mua cổ phần nhằm tăng cường năng lực tài chính, khả năng quản trị, công nghệ cho TCTD thì có gì là không được?

Những quy định không còn phù hợp với yêu cầu thực tế, gây khó khăn cho hoạt động của các đối tượng được điều chỉnh và không đáp ứng được mục tiêu cần đạt tới khi ban hành thì cần phải điều chỉnh, thậm chí bỏ hẳn để thay thế bằng một quy định phù hợp hơn.

Có thể hiểu việc đáp ứng các quy định được nêu ra trong dự thảo là đáp ứng “Tiêu chuẩn Việt Nam” của một sản phẩm trước khi xuất khẩu (cho NĐTNN), nhưng có lẽ đây là loại sản phẩm đặc thù mà tiêu chuẩn xuất khẩu trong trường hợp này là không cần thiết. Việc mua bán nên để thuận theo cung cầu, nhất là khi mà việc xuất khẩu “sản phẩm không đạt chuẩn” không làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà xuất khẩu, cũng như uy tín của quốc gia xuất khẩu.

Còn đối với các TCTD đã niêm yết, quy định trong dự thảo lại khá “dễ dãi” vì sẽ được “bán cổ phần cho NĐTNN theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán”. Chiếu theo quy định về niêm yết cổ phiếu tại hai sở giao dịch chứng khoán của Việt Nam hiện tại thì điều kiện để niêm yết chứng khoán lại khá đơn giản. Như vậy, liệu có dẫn đến trường hợp TCTD từ chưa niêm yết sẽ chuyển sang niêm yết trước khi bán cổ phần cho NĐTNN, nếu các điều kiện để bán cổ phần cho NĐTNN không thể đáp ứng khi chưa niêm yết? Tiến hành theo phương án này, các TCTD chắc chắn phải thật sự cân nhắc. Tuy nhiên, không gì là không thể!

Điều 16 Luật các TCTD 2010 tại khoản 1đ có quy định về việc chuyển nhượng cổ phần của cổ đông lớn, chuyển nhượng cổ phần dẫn đến cổ đông lớn thành cổ đông thường và ngược lại phải được NHNN chấp thuận trước bằng văn bản, trong đó cổ đông lớn là cổ đông sở hữu trực tiếp, gián tiếp từ 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết trở lên của TCTD. Điều này đã được cụ thể hóa tại điều 4 của dự thảo, tuy nhiên cũng quá đơn giản để không phải xin phép NHNN nếu chấp nhận giảm vài cổ phần để tránh tỷ lệ 5%, và chuyển phần muốn mua thêm cho người có liên quan. Dự thảo đã không có quy định nào về việc NĐTNN và người có liên quan sở hữu từ bao nhiêu phần trăm vốn điều lệ của TCTD Việt Nam thì phải có sự chấp thuận trước của NHNN (chỉ quy định tỷ lệ sở hữu tối đa tại điều 8). Từ đó dẫn đến việc các NĐTNN và người có liên quan dễ dàng đạt được tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa tại một TCTD theo quy định mà không phải xin phép NHNN.

Một vấn đề khác là quy định về tổng tài sản của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài khi mua cổ phần của TCTD Việt Nam. Dự thảo đưa ra mức 20 tỉ đô la Mỹ đối với nhà đầu tư chiến lược là ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính nước ngoài. Quy định này cũng không thay đổi so với Nghị định 69, vốn đã ra đời cách đây bốn năm. Lúc đó, các ngân hàng Việt Nam có vốn điều lệ và tổng tài sản khá thấp, trung bình khoảng vài chục ngàn tỉ đồng. Còn hiện nay, 20 tỉ đô la Mỹ tổng tài sản đã có nhiều ngân hàng Việt Nam đạt và vượt như Vietinbank, Agribank, còn VCB và BIDV sẽ cán mốc này trong năm nay. Nhiều ngân hàng cổ phần lớn như ACB, Sacombank, Techcombank, Eximbank cũng có thể đạt mức này trong vòng 1-2 năm tới. Như vậy, một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là ngân hàng, công ty tài chính hay công ty cho thuê tài chính có tổng tài sản tương đương với ngân hàng trong nước thì có bảo đảm giúp ngân hàng trong nước nâng cao năng lực tài chính, công nghệ và khả năng quản trị, điều hành?

Việc kế thừa các nội dung cũ khi soạn dự thảo thay thế cho một văn bản nào đó là điều bình thường, tuy vậy những quy định không còn phù hợp với yêu cầu thực tế, gây khó khăn cho hoạt động của các đối tượng được điều chỉnh và không đáp ứng được mục tiêu cần đạt tới khi ban hành thì cần phải điều chỉnh, thậm chí bỏ hẳn để thay thế bằng một quy định phù hợp hơn. Có như vậy thì mới mong có được những quy định mang tầm chiến lược, chặt chẽ nhưng vẫn đảm bảo điều chỉnh hợp lý các quan hệ kinh tế – xã hội. 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới