(KTSG) - Kể từ khi Mỹ rút khỏi TPP vào năm 2017, thế giới băn khoăn về khả năng nước này từ bỏ chính sách “xoay trục châu Á” vốn biết đến rộng rãi kể từ thập niên 2000. Tuy nhiên, vòng đàm phán thứ bảy trong “Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng” (Indo-Pacific Economic Framework for Prosperity - IPEF) diễn ra tại San Francisco vào tháng 11-2023 một lần nữa tái khẳng định châu Á luôn là điểm đến hàng đầu của xứ sở cờ hoa.
- Thêm 3 nước được áp thuế xuất nhập khẩu ưu đãi theo Hiệp định CPTPP
- Anh trở thành thành viên thứ 12 của hiệp định CPTPP
IPEF - công cụ mới trong đại chiến lược “xoay trục châu Á” của Mỹ
Mỹ được biết đến là một quốc gia hàng đầu trong việc “điều phối” nền kinh tế toàn cầu trong nhiều thập niên qua, bất chấp sự trỗi dậy mạnh mẽ của nhiều cường quốc kinh tế khác trên thế giới. Vị trí siêu cường của Mỹ dường như khó có thể bị thay thế, bởi nước này luôn có những chính sách tức thời, phù hợp với từng giai đoạn kinh tế khác nhau.
Sau một khoảng thời gian dài lạnh nhạt, dường như Mỹ đã nhận thấy giá trị của lục địa lớn nhất hành tinh nên đã có những bước tiến quan trọng trong chính sách kinh tế, thương mại tại đây. Ngoài ra, Mỹ xem Trung Quốc là “đối thủ hàng đầu” cần “bao vây” để tầm ảnh hưởng cũng như lợi ích của Mỹ tại châu Á được bảo hộ một cách tối ưu nhất.
Tháng 5-2022, tại Tokyo (Nhật Bản), Tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu tiên công bố IPEF với sự tham gia của nhiều quốc gia như Úc, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam - chiếm khoảng 40% GDP và 28% thương mại toàn cầu. Có thể thấy, Mỹ sẽ không quay lại TPP (nay là CPTPP) vì nhiều lý do, trong đó phải chăng có lý do Trung Quốc xin gia nhập khối này nên khiến Mỹ không còn mặn mà và dè chừng. Do đó, IPEF xuất hiện “đúng lúc và đúng người” cũng như đúng phương hướng hoạt động của Mỹ trong thập niên thứ ba của thế kỷ 21.
Mỹ đã có những tính toán quan trọng khi “mời gọi” các quốc gia trên tham gia IPEF. Ấn Độ dường như đã kiểm soát hầu hết khu vực Ấn Độ Dương; eo biển Malacca do Singapore chi phối; Việt Nam có nhiều lợi thế tại khu vực Biển Đông; Nhật Bản và Hàn Quốc kiểm soát một phần khu vực Đông Á… Chính những yếu tố này đã tạo nên một trục kinh tế mới: trục Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đóng góp một phần quan trọng vào quá trình thực hiện đại chiến lược “xoay trục châu Á” của Mỹ diễn ra từ nhiều năm qua.
Đây cũng có thể được xem là vành đai “bao vây” Trung Quốc đến từ xứ cờ hoa, hậu thương chiến Trung - Mỹ hồi năm 2018. IPEF là một loại “khí tài” khi hội tụ đầy đủ nhân lực và tài lực giúp Mỹ kiểm soát sự bành trướng của Trung Quốc. Mỹ có thể từng thờ ơ với châu Á nhưng Mỹ chưa bao giờ từ bỏ lục địa “đắt giá” này. Mỹ hiểu rằng Trung Quốc đã và đang thống trị mặt trận kinh tế châu Á cũng như dần xây dựng tầm ảnh hưởng ở một số khu vực khác trên thế giới, “đe dọa” soán ngôi cường quốc hàng đầu của Mỹ.
Chính vì vậy, IPEF một mặt nhằm thúc đẩy kinh tế các nước tham gia cùng nhau phát triển và hội nhập, một mặt là công cụ mới trong đại chiến lược “xoay trục châu Á” mà Mỹ thực thi trong nhiều năm qua nhằm kiểm soát và cạnh tranh với một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ tại khu vực. Mỹ phải nắm thế thượng phong tại châu Á thì mới có thể ngăn cản bước tiến của đối thủ và bảo vệ chắc chắn ngôi vương của mình trên thương trường thế giới.
Có thể nói, châu Á là mặt trận kinh tế trọng điểm, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là phòng tuyến, IPEF là “khí tài” hỗ trợ tích cực cho Mỹ từng bước hoàn thành mục tiêu của đại chiến lược “xoay trục châu Á”.
Những trụ cột tạo nên IPEF
IPEF điều chỉnh các vấn đề mà trước đây tại các hiệp định thương mại tự do (FTA) hoặc các liên kết kinh tế khác chưa thể giải quyết triệt để. IPEF hoạt động dựa trên sự đổi mới, chấp nhận thay đổi tư duy cũ, hướng đến tư duy mới nhằm phát triển kinh tế cộng sinh một cách mạnh mẽ và hiệu quả nhất trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều biến động. Bốn trụ cột chính tại IPEF bao gồm: (1) Thương mại (Trade), (2) Chuỗi cung ứng (Supply Chains), (3) Kinh tế sạch (Clean Economy), (4) Kinh tế công bằng (Fair Economy). Theo quan điểm mà Mỹ đưa ra, mỗi trụ cột sẽ đáp ứng từng mục tiêu, hướng đến những giá trị nhất định của trục kinh tế mới.
Có thể nói, châu Á là mặt trận kinh tế trọng điểm, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là phòng tuyến, IPEF là “khí tài” hỗ trợ tích cực cho Mỹ từng bước hoàn thành mục tiêu của đại chiến lược “xoay trục châu Á”.
Trụ cột “Thương mại” hướng đến mục tiêu xây dựng một nền “Kinh tế kết nối” (Connected Economy) từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương thông qua nhiều điểm dừng chân chiến lược. Thương mại là trụ cột không mới nhưng quan trọng đối với bất kỳ diễn đàn, FTA hay khối liên kết kinh tế nào giữa các nước trên thế giới. Thương mại bao gồm nhiều yếu tố quen thuộc: lao động, môi trường, thương mại kỹ thuật số…
Mỹ xem trụ cột thương mại là bàn đạp trong việc “kết nối” các quốc gia trong khuôn khổ IPEF thành một nền kinh tế thống nhất, đặc biệt trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển mạnh mẽ và kinh tế thế giới được nhận định là một “nền kinh tế kỹ thuật số”. Sự phát triển công nghệ kéo theo nhiều quan ngại về dữ liệu, do đó làm thế nào để bảo hộ dữ liệu, bảo hộ tài sản trí tuệ là một số vấn đề được Mỹ đề cao thông qua IPEF.
Trụ cột “Chuỗi cung ứng” hướng đến mục tiêu xây dựng một nền kinh tế kiên cường (Resilient Economy). Nói một cách đơn giản, Mỹ dùng trụ cột chuỗi cung ứng nhằm tránh “phá giá” và hạn chế “đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa” sau thương chiến Trung - Mỹ và đại dịch Covid-19. Mỹ cần tìm kiếm và kiểm soát lưu lượng cũng như giá thành hàng hóa từ châu Á đến Mỹ - một sự thay thế sau khi “cạch mặt” Trung Quốc.
Sự phát triển kinh tế gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, do đó, trụ cột về “Kinh tế sạch” được điều chỉnh tại khuôn khổ IPEF. Mỹ thông qua IPEF nhằm xây dựng một nền kinh tế sạch (Clean Economy), đặc biệt là giải quyết vấn đề khí thải carbon, năng lượng sạch và chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trụ cột này đối với một số quốc gia trong khuôn khổ IPEF cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng vì tiềm lực có thể chưa đáp ứng đầy đủ để thực thi các yêu cầu trụ cột “Kinh tế sạch” đề ra, mà biến thành quốc gia chứa khí thải carbon cho nước khác thông qua cơ chế “mua bán carbon”.
Từ trước đến nay, Mỹ luôn đề cao một nền “Kinh tế công bằng” (Fair Trade) theo “quan điểm của Mỹ”. Có thể hiểu một nền kinh tế công bằng dưới góc nhìn của Mỹ là một nền kinh tế không xâm phạm lợi ích của nước này. Chẳng hạn như không lấy mất “việc làm” của Mỹ, người lao động của nước này phải được bảo hộ… (trường hợp tại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) là một minh chứng điển hình xoay quanh “Fair Trade” trong quan điểm của Mỹ). Khi tham gia vào một liên kết kinh tế có sự tham gia của nhiều quốc gia khác nhau thì việc đề cao sự công bằng là điều cần thiết, IPEF cũng hướng đến mục tiêu lý tưởng là xây dựng một nền kinh tế công bằng cho các thành viên.
Bốn trụ cột trên liệu có tạo nên một IPEF thành công hay không? Có bao vây được Trung Quốc hay không? Có giúp Mỹ hoàn thành mục tiêu trong đại chiến lược “xoay trục châu Á” hay không là những câu hỏi sẽ có đáp án trong thời gian sắp tới.
Từ Tokyo đến San Francisco: viễn cảnh cho Mỹ và IPEF
Người ta thường đặt ra câu hỏi tại sao Mỹ lại quan tâm nhiều đến những nền kinh tế bên kia bán cầu, cách nước Mỹ hàng ngàn cây số. Có thể thấy, từ sau Thế chiến thứ hai, Mỹ dường như thống lĩnh thế giới trên mặt trận quân sự và mặt trận kinh tế. Độ nhận diện của Mỹ trải dài từ Tây sang Đông, tầm ảnh hưởng về chính trị, quân sự và đặc biệt kinh tế là điều không cần bàn cãi. Châu Á cần Mỹ và Mỹ cũng cần châu Á cho những mục tiêu riêng của mình. Đây là mối quan hệ cộng sinh, đôi bên cùng có lợi, trước mắt Mỹ đã có những lợi ích (vì vốn dĩ nước này luôn đặt lợi ích quốc gia trên hết khi đưa ra những chính sách thương mại quốc tế).
Bên thềm APEC, Mỹ đăng cai tổ chức vòng đàm phán thứ 7 tại San Francisco từ ngày 5 đến 12-11-2023, một bước tiến mới của IPEF sau hơn một năm xuất hiện. Thương mại, kinh tế sạch và kinh tế công bằng là ba trụ cột sẽ được các bộ trưởng xem xét tiến độ đàm phán và cùng thảo luận một số tiêu chuẩn cao tại vòng đàm phán này.
Có thể thấy rằng, Mỹ dường như thực sự quan tâm và đề cao IPEF khi thúc đẩy nhanh chóng khuôn khổ kinh tế này để giải quyết những thách thức còn tồn tại trong thương mại Mỹ cũng như các nền kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (bề nổi) và kiểm soát sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực (bề chìm).
Đồng thời, hơn hết là hoàn thành mục tiêu “xoay trục châu Á” - một đại chiến lược mà Mỹ đặc biệt dành sự quan tâm hàng đầu trong những thập niên qua. Hy vọng rằng, sau vòng đàm phán San Francisco, IPEF sẽ có những chuyển biến tích cực hơn nữa, đáp ứng đầy đủ các mục tiêu đề ra, vì sự thịnh vượng chung của các nền kinh tế.
(*) Khoa Luật, trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước, Đại học Kinh tế TPHCM