(KTSG Online) - Tham gia đấu giá đất phải đặt cọc tối thiểu 20% giá khởi điểm. Trường hợp người tham gia đấu giá tự ý hủy kết quả trúng đấu giá không có lý do chính đáng, ngoài tiền đặt trước, người tham gia đấu giá phải nộp khoản tiền tương đương 50% giá trị quyền sử dụng đất trúng đấu giá và các chi phí đấu giá vào tài khoản của tổ chức đấu giá.
Đó là một trong những nội dung của dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai đang được Chính phủ lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức.
Dự thảo nghị định quy định nhiều nội dung về đấu giá quyền sử dụng đất. Trong đó quy định khoản tiền đặt trước do tổ chức đấu giá và người tham gia đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là hai mươi phần trăm (20%) giá khởi điểm của tài sản đấu giá.
Bên cạnh đó, tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải có đủ các điều kiện sau đây: thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Luật Đất đai; có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 héc ta; không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 héc ta trở lên; có kinh nghiệm trong việc thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất; phải ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư; không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác.
Tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải nộp tiền đặt trước và có tài sản bảo đảm cho tổ chức đấu giá để đảm bảo năng lực tài chính thực hiện dự án khi trúng đấu giá theo phương án được phê duyệt.
Tiền đặt trước được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá mở tại ngân hàng. Trường hợp khoản tiền đặt trước có giá trị dưới năm triệu đồng thì người tham gia đấu giá có thể nộp trực tiếp cho tổ chức đấu giá. Người tham gia đấu giá và tổ chức đấu giá có thể thỏa thuận thay thế tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng.
Trường hợp người tham gia đấu giá tự ý bỏ khoản tiền đặt trước và từ chối tham gia đấu giá thì sẽ phải bồi thường cho Nhà nước thêm một khoản tiền bằng giá trị tiền đặt trước. Sau khi người tham gia đấu giá nộp đủ tiền bồi thường cho Nhà nước thì sẽ được nhận lại tài sản thế chấp. Trường hợp người tham gia đấu giá không nộp tiền bồi thường sẽ bị khấu trừ vào tài sản thế chấp.
Giá trị của tài sản bảo đảm phải lớn hơn giá khởi điểm của thửa đất đấu giá. Người tham gia đấu giá và tổ chức đấu giá có thể thỏa thuận thay thế tài sản bảo đảm và tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng.
Người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất có quyền từ chối tham gia cuộc đấu giá và được nhận lại tiền đặt trước trong trường hợp có thay đổi về giá khởi điểm, vị trí, diện tích, loại đất đã niêm yết, thông báo công khai; trường hợp khoản tiền đặt trước phát sinh lãi thì người tham gia đấu giá được nhận tiền lãi đó.
Người tham gia đấu giá đất được nhận lại tài sản bảo đảm trong trường hợp không trúng đấu giá hoặc trúng đấu giá và đã nộp đủ tiền theo phương án đấu giá quyền sử dụng đất.
Trường hợp tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền sử dụng đất nhưng không nộp đủ tiền hoặc không nộp tiền theo phương án đấu giá quyền sử dụng đất thì người trúng đấu giá quyền sử dụng đất sẽ nhận lại giá trị của tài sản bảo đảm sau khi đã trừ đi các chi phí nộp phạt theo quy định.
Người trúng đấu giá không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa thì Nhà nước sẽ thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai và không bồi thường.
Người tham gia đấu giá không được nhận lại tiền đặt trước trong các trường hợp sau đây: đã nộp tiền đặt trước nhưng không tham gia cuộc đấu giá, buổi công bố giá mà không thuộc trường hợp bất khả kháng; bị truất quyền tham gia đấu giá do có hành vi vi phạm quy định của pháp luật; từ chối ký biên bản đấu giá theo quy định; rút lại giá đã trả hoặc giá đã chấp nhận; từ chối kết quả trúng đấu giá mà không có lý do chính đáng.
Trường hợp người tham gia đấu giá tự ý hủy kết quả trúng đấu giá không có lý do chính đáng, ngoài tiền đặt trước, người tham gia đấu giá phải nộp khoản tiền tương đương 50% giá trị quyền sử dụng đất trúng đấu giá và các chi phí đấu giá vào tài khoản của tổ chức đấu giá.
Trường hợp người tham gia đấu giá tự ý bỏ khoản tiền đặt trước và từ chối tham gia đấu giá thì trong thời gian năm 5 năm không được tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.
Tổ chức đấu giá có trách nhiệm trả lại khoản tiền đặt trước và thanh toán tiền lãi (nếu có) trong trường hợp người tham gia đấu giá không trúng đấu giá trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá hoặc trong thời hạn khác do các bên thỏa thuận.
Dự thảo cũng quy định các trường hợp bất khả kháng ảnh hưởng đến tiến độ sử dụng đất của dự án đầu tư và thời điểm (để tính gia hạn 24 tháng đối với trường hợp không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất) gồm: do ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, thảm họa môi trường; do ảnh hưởng trực tiếp của hỏa hoạn, dịch bệnh; do ảnh hưởng trực tiếp của chiến tranh; các trường hợp bất khả kháng khác mà không phải do lỗi của người sử dụng đất do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Thời gian bị ảnh hưởng trực tiếp của các trường hợp bất khả kháng ảnh hưởng đến tiến độ sử dụng đất của dự án không tính vào thời gian gia hạn 24 tháng và không phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian này.
Tôi làm bất động sản nhiều năm qua tôi biết, ban đầu vào tiền chỉ 15% sau đó mới phải thanh toán tiếp, mọi thứ vẫn rất ổn. Việc tăng giá đất có rất nhiều nguyên nhân, từ thể chế nhà nước, từ cách phân chia tỷ lệ % thuế giữa trung ương với địa phương khiến địa phương muốn đẩy giá đất cao để thu tiền từ đấu giá đất ngon hơn. Rào cản kinh doanh khiến dòng tiền chảy vào sản xuất là khó khăn. Những thay đổi nghị định như này chỉ tỏ rõ sự bất lực, vô vọng. Đừng phê phán người mua đất giá cao, rồi đổ lỗi giá tăng vì họ, hãy nhìn từ cách làm việc của chúng ta, nó tệ lắm.
Trả lời tới Nguyễn Phương Đông: Giờ những vụ đấu giá rồi dựa vào đó làm mặt bằng giá đẩy giá đất lên cao khắp vùng là có tổ chức và thực hiện nhan nhản khắp nơi rồi. Còn biện minh gì nữa. Đánh thuế thật cao làm chùn bước là đúng rồi.
Mục đích chủ yếu của đấu giá là 1. Thu ngân sách công khai minh bạch, 2. Triển khai đúng dự án theo quy hoạch. Để được như vậy thì cần hai đáp án là 1. Mức giá thị trường cân bằng, 2. Loại hình nhà đầu tư ưng ý. Còn lại những cái khác chỉ là giải pháp kỹ thuật mà thôi. Tuy nhiên giữa hai việc, thu ngân sách và triển khai dự án, cái nào quan trọng hơn thì nhà nước cần có định hướng phù hợp. Nếu không đạt yêu cầu, xem như thất bại.
Đấu giá xong, bỏ thì mất cọc, mình lại cấp tốc tổ chức đấu giá lại có việc gì mà nghĩ nhiều. Bàn nhiều làm gì, cứ hành động tiếp để thu tiền như bán đồ vật thôi. Nên tổ chức đấu giá đơn giản để có thể đấu liên tục cho xã hội phát triển. Thế giới đấu giá thế nào thì mình cứ làm như thế. Quan trọng là dòng nước chảy liên tục. Trân trọng