Tuân thủ quy trình, bài học từ vụ án chạy thận tử vong
Tiến sĩ luật Đinh Thị Thanh Nga
(TBKTSG Online) - Các bác sĩ chúng ta dường như chỉ chú trọng đến việc cứu người mà chưa được trau dồi ý thức chấp hành quy trình thủ tục trong y tế mà bản chất của nó là để bảo vệ an toàn cho cả người bệnh lẫn người hành nghề.
Theo Điều 37 Luật Khám bệnh chữa bệnh (KBCB) 2009, nghĩa vụ đối với nghề nghiệp của các y bác sĩ bao gồm: “1. Thực hiện đúng quy định chuyên môn kỹ thuật. 2. Chịu trách nhiệm về việc khám bệnh, chữa bệnh của mình”.
Khi chưa có biên bản bàn giao thiết bị mà đã cho tiến hành chạy thận, về mặt hình thức bác sĩ Hoàng Công Lương đã làm chưa đúng quy định về chuyên môn (có sai sót), nghĩa là đã có hành vi trái pháp luật, đây chính là lý do mà Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát vin vào để truy tố.
Theo hội đồng xét xử trước khi ra y lệnh, bị cáo Lương chưa được ai bàn giao, chưa biết hệ thống nước đã đảm bảo an toàn hay chưa nhưng vẫn đưa hệ thống vào sử dụng, ra y lệnh để các điều dưỡng kết nối máy chạy thận với bệnh nhân dẫn đến cái chết của 8 người và 10 người khác bị ảnh hưởng sức khỏe.
Tuy nhiên hành vi trái pháp luật này có phải là nguyên nhân trực tiếp và tất yếu dẫn đến hậu quả chết người hay không mới là yếu tố mấu chốt để cấu thành tội phạm (Các tội vô ý gây hậu quả nghiêm trọng là các tội cấu thành vật chất, buộc phải có hậu quả và hành vi vô ý phải có mối quan hệ nhân quả với hậu quả).
Với những kết quả được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nguyên nhân dẫn đến cái chết của các bệnh nhân là do hoá chất tồn dư trong nước lọc thận.
Khi không thể kiểm tra bằng các giác quan thông thường về chất lượng nước được thì sự thiếu trách nhiệm (lỗi vô ý) phải thuộc về người chịu trách nhiệm về việc xác định và kiểm tra thiết bị có đạt chuẩn hay không, mà muốn chịu trách nhiệm thì phải có chuyên môn kỹ thuật và bác sĩ không cần và không thể có chuyên môn để làm việc đó.
Vậy, kể cả bác sĩ Lương có biên bản bàn giao thì với chất lượng nước không đạt chuẩn dù đã qua các khâu kiểm tra thiết bị thì tai biến chắc chắn vẫn xảy ra, nghĩa là hành vi trái quy trình của bác sĩ Lương rõ ràng không phải là nguyên nhân tất yếu dẫn đến tai biến. Người phải chịu trách nhiệm hình sự về tai biến, tức là phạm tội vô ý gây hậu quả nghiêm trọng phải là những người có trách nhiệm về độ an toàn của thiết bị, vì chất lượng thiết bị là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai biến.
Ở đây điều khiến dư luận vẫn không tâm phục khẩu phục là bác sĩ Lương có sai nhưng không đến mức xứng đáng bị xử lý hình sự với hình phạt nặng nề như vậy. Có lẽ cơ quan tố tụng đã lấy việc xuất hiện nhiều hành vi sai sót (nhiều hành vi trái pháp luật) xảy ra trước hậu quả để chọn người yếu thế nhằm quy trách nhiệm, cố ý bỏ qua mối quan hệ nhân quả.
Tuy nhiên vấn đề mà người viết muốn đề cập là qua vụ việc này có một bài học kinh nghiệm mà nhất định những người hành nghề y cần rút ra được. Ngoài lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp, ngoài tinh thần hết lòng vì người bệnh thì người hành nghề cần phải tuân thủ đúng các thủ tục trong khám chữa bệnh mà cụ thể là quy trình chuyên môn kỹ thuật.
Ngành y là ngành luôn có nguy cơ xảy ra các tai biến. Ngoài việc xác định nghĩa vụ tuân thủ quy định chuyên môn cho các nhân viên y tế, Luật KBCB định nghĩa về tai biến trong KCB “là hậu quả gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh do sai sót chuyên môn kỹ thuật trong KBCB hoặc rủi ro xảy ra ngoài ý muốn trong KBCB mặc dù người hành nghề đã tuân thủ các quy định chuyên môn kỹ thuật”.
Như vậy các thủ tục quy trình chuyên môn trong y khoa không chỉ đơn thuần mang tính kỹ thuật mà còn mang tính pháp lý, và nếu không thực hiện chúng đúng và đầy đủ thì ắt là đã vi phạm pháp luật.
Tuân thủ đầy đủ các bước trong quy trình chuyên môn kỹ thuật, cho dù là những thủ tục nhỏ nhất cũng là phương thức cơ bản trong quản lý chất lượng để giảm thiểu sai sót y tế những chuyện như trao nhầm con, phẫu thuật nhầm bộ phận, nhầm thuốc hoặc tên bệnh nhân...
Ta có thể thấy các y bác sĩ ở những nước phát triển thường thực hiện tốt các yêu cầu này. Đáng tiếc là trong bối cảnh chung về ý thức pháp luật còn chưa cao như hiện nay, các yêu cầu này thường xuyên bị bỏ qua tại Việt Nam.
Khi xảy ra vụ việc thì quy trình chuyên môn cho chạy thận nhân tạo mới được Bộ Y tế ban hành. Tình cảnh mất bò mới lo làm chuồng không phải là hiếm thấy khi lối xử sự cảm tính, dễ dãi xuê xoa miễn là được việc vẫn còn phổ biến, các quy tắc phòng chống rủi ro luôn bị coi là thứ yếu. Các bác sĩ chúng ta dường như chỉ chú trọng đến việc cứu người mà chưa được trau dồi ý thức chấp hành quy trình thủ tục trong y tế mà bản chất của nó là để bảo vệ an toàn cho cả người bệnh lẫn người hành nghề.
Cho dù kết quả cuối cùng của vụ án như thế nào, cũng mong rằng nội dung tuân thủ đầy đủ các thủ tục về chuyên môn cần được quán triệt trong ý thức của những người làm công tác quản lý y tế, lãnh đạo cơ sở khám chữa bệnh cũng như người hành nghề y để kiểm soát chất lượng khám chữa bệnh và giảm thiểu những nỗi đau không đáng có từ sự vô ý hoặc thiếu trách nhiệm của họ.
Chiều ngày 30-1, tại trụ sở TAND TP Hòa Bình, Hội đồng xét xử đã tuyên án đối với 7 bị cáo trong vụ án “chạy thận tử vong” xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình ngày 29-5-2017. Bị cáo Hoàng Công Lương bị tuyên phạm tội “Vô ý làm chết người” với án phạt 42 tháng tù. |