Chủ Nhật, 13/07/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tục lụy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tục lụy

Huy Nguyễn

Tục lụy
Ông Hai (NSƯT Thành Hội) bàng hoàng khi biết tin Mận (Hoàng Vân Anh) có thai - ảnh: Huy Nguyễn

(TBKTSG Online) - Sau thời gian dài chuẩn bị, sân khấu Hoàng Thái Thanh đã công diễn vở kịch “Tục lụy” của cố tác giả Ngọc Linh, đạo diễn Ái Như vào tối ngày 7-7-2012.

Cái tên vở diễn phần nào toát lên nỗi sầu nhân thế. Nó mang đến cho người xem cảm giác con người trong một phút yếu lòng vì ham muốn và dục vọng thấp hèn sẽ không thể giữ được những gì tốt đẹp nhất.

Ông Hai (NSƯT Thành Hội) được xem là “thần hoàng” của cái cù lao ven sông Hậu của vùng sông nước miền Tây. Bởi vì, trong xóm nghèo ấy, ông chính là ân nhân của tất cả mọi người. Người bị té sông cũng gọi ông cấp cứu, kẻ đau đẻ cũng cần ông. Hình ảnh của ông thật đẹp đẽ và là chỗ dựa vững chãi trong cộng đồng bình dị, nhỏ nhoi, và yếu ớt tại một góc xa với sự giàu sang.

Mận (Hoàng Vân Anh) được ông Hai cứu sống trong một tai nạn chìm xuồng giữa một đêm sóng to gió lớn. Mẹ cô chết nên ông bà Hai đã nhận cô làm con nuôi. Dù vậy, họ xem Mận như là con ruột. Bà Hai (Ái Như/Kim Xuân) đối đãi với cô chẳng khác nào đứa con mà bà đã mang nặng đẻ đau.

Cái vẻ xinh đẹp và hiền hậu của Mận đã khiến Dũng (Ngọc Tưởng), con trai ông bà Hai đem lòng yêu thương. Họ hẹn thề với nhau sẽ nên vợ nên chồng lúc anh giải ngũ. Trong khi đó, cậu Út (Quang Thảo), người em trai út bị tâm thần của bà Hai cũng đem lòng yêu mến Mận.

Một buổi tối trời, lúc bà Hai đi qua bên kia cù lao dự đám giỗ, ông Hai và cậu Út ngồi nhậu cho đến khuya. Ông Hai mượn vị cay của rượu như cách giãn gân giãn cốt sau một ngày lưới cá mệt mỏi. Trong lúc chén tạc chén thù, cậu Út nói cho ông Hai biết rằng anh muốn Mận sinh cho anh thật nhiều con. Anh còn tỏ vẻ thích thú khi rình xem Mận tắm sau nhà. Ông Hai chân tình giảng giải cho cậu em vợ nửa điên nửa tỉnh biết rằng, anh muốn lấy ai cũng được, ngoài  Mận, vì cô ấy là người trong nhà.

Nhưng cái đêm định mệnh ấy đã làm xáo trộn gia đình nghèo nhưng ấm tình thương đó. Trong bóng đêm dày đặc của miền quê, Mận đã bị một ai đó cướp đi đời con gái. Cô đã có mang và sinh ra một đứa con trong sự dè bỉu và chê trách của xóm làng. Ông Hai xấu hổ vì danh giá gia đình được xây dựng bao năm bị đổ sụp. Bà Hai vốn yếu ớt vì bệnh tật càng trở nên suy kiệt. Dũng trở về chứng kiến sự thật, chán đời lao vào rượu chè.

Mận (Hoàng Vân Anh) đau khổ vì không thể công khai người đã làm cô có bầu - ảnh: Huy Nguyễn

Cái kết của vở diễn khiến người xem quặn lòng. Bà Hai đã chết một cách tức tưởi khi biết thủ phạm thực sự. Rồi ông Hai cũng lìa bỏ cõi đời sau khi một lần nữa lao ra vùng nước xiết để cứu mạng một bé gái bị té sông. Cái chết của họ làm người xem ngộ ra rằng: con người dù làm được trăm ngàn điều tốt thì dù một lần phạm vào điều xấu cũng phải trả một cái giá rất đắt.

Phải thừa nhận rằng, các diễn viên trong vở diễn đều thể hiện tốt cá tính nhân vật. Nữ diễn viên trẻ Hoàng Vân Anh đã chứng minh cô đã trưởng thành khi diễn đạt thật tốt nét ngây thơ của cô gái mới lớn, lẫn nỗi đau phải giấu kín không biết bày tỏ cùng ai. Ngọc Tưởng khá sâu lắng trong vai diễn người trai trẻ hụt hẫng vì đột ngột mất tình yêu. Quang Thảo diễn thật ngọt tâm trạng ngô nghê của một bệnh nhân tâm thần. Ái Như và NSƯT Kim Xuân cho người xem thấy được nỗi đau của một người phụ nữ chết lặng trước sự thật đau lòng.

Tuy nhiên, trong “Tục lụy” vai diễn gây ấn tượng mạnh nhất cho người xem chính là vai ông Hai của NSƯT Thành Hội. Ánh mắt thất thần như tê dại của anh khi biết Mận mang bầu toát lên ý nghĩa: giá trị tốt đẹp nhất trong cuộc đời ông Hai đã bị đánh đổ. Cái dáng ngồi buông thõng của anh cho thấy ông Hai đã rơi vào tận sâu của sự sám hối, cay đắng muộn mằn.

Bên cạnh vai trò diễn viên, Ái Như khẳng định chị là một đạo diễn cứng nghề. Mái nhà tranh, bàn ghế gỗ, giường tre, chiếc phênh phôi cá, những chiếc thúng treo lủng lẳng đã phác họa thật sống động khung cảnh làng quê sông nước. Ánh sáng xanh mờ nhạt vào cái đêm Mận bị hãm hiếp cho người xem cảm giác bất an.

Đặc biệt chị đã sử dụng chiếc lưới cá lớn để miêu tả nghề làm cá của ông Hai. Chiếc lưới này đã tạo nên một tình tiết rất độc đáo là lúc ông Hai mắc vào không thể vùng vẫy. Nó gợi lên một thông điệp lưới trời lồng lộng tuy thưa mà khó thoát.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới