Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tương lai của cá tra Việt Nam vẫn là xuất khẩu fillet và nguyên con cắt khúc?

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sau khoảng 20 năm tham gia xuất khẩu, ngành hàng cá tra Việt Nam đã tạo ra được những kỳ tích. Tuy nhiên, hiện tại và dự báo trong tương lai, xuất khẩu sản phẩm ngành hàng này của Việt Nam vẫn tiếp tục dừng lại ở phân khúc sản phẩm fillet và nguyên con cắt khúc, chưa thể “chinh phục” được phân khúc của sản phẩm giá trị gia tăng. Vì sao?

Sản phẩm cá tra fillet vẫn chiếm đa số trong xuất khẩu cá tra Việt Nam. Ảnh: Trung Chánh

Tạo nên kỳ tích, nhưng chủ yếu là sản phẩm... sơ chế!

Với diện tích sản xuất chỉ khoảng 5.500 héc ta, cộng đồng doanh nghiệp và người nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã sản xuất được khoảng 1,6 triệu tấn cá tra nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu mỗi năm. Điều này, đã giúp mang về cho ngành nông nghiệp của Việt Nam hàng tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu/năm.

Bà Tô Thị Tường Lan, Phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) tại hội nghị “Tổng kết ngành hàng cá tra năm 2022 và nhiệm vụ giải pháp năm 2023” diễn ra vào chiều 16-12, trong khuôn khổ lễ hội cá tra lần I - năm 2022 ở tỉnh Đồng Tháp cho biết, tính đến giữa tháng 11, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 2,23 tỉ đô la Mỹ.

Dự kiến kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam cả năm 2022 sẽ vượt mốc 2,4 tỉ đô la Mỹ. “Đây là kim ngạch xuất khẩu cao kỷ lục mà ngành hàng này của Việt Nam từng đạt được”, bà nhấn mạnh.

Tuy nhiên, điều đáng nói, dù đã 20 năm tham gia thị trường xuất khẩu, nhưng 99% sản phẩm cá tra xuất khẩu là ở phân khúc fillet và nguyên con cắt khúc - là các mặt hàng ở mức sơ chế ban đầu, và chỉ có 1% ở phân khúc sản phẩm giá trị gia tăng cao, theo thông tin từ ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản, Tổng cục thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Trong khi đó, số liệu tương tự từ VASEP có nhỉnh hơn một chút, với sản phẩm giá trị gia tăng ở mức 2%, nhưng vẫn phản ánh thực tế đa phần sản phẩm cá tra xuất khẩu ở dạng sơ chế ban đầu là fillet và nguyên con cắt khúc. Nói cách khác, lĩnh vực chế biến cá tra đã đạt đến những thành tích và kỳ tích về kim ngạch xuất khẩu, nhưng về sản phẩm thì mới chỉ dừng lại ở mức thô sơ.

Nan đề nâng cao giá trị gia tăng cho cá tra

Một câu hỏi đã được đặt ra nhiều lần tại các cuộc hội thảo, diễn đàn chuyên ngành thủy sản, đó là vì sao đã qua 20 năm chinh phục thành công nhiều thị trường lớn như: Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Trung Quốc, CPTPP (các thị trường thuộc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), Brazil, Thái Lan…, nhưng cá tra Việt Nam vẫn chưa thể xâm nhập được phân khúc sản phẩm giá trị gia tăng?

Trao đổi với KTSG Online, ông Trần Văn Hùng, Công ty TNHH Hùng Cá, cho rằng vấn đề cốt lõi là thị trường nhập khẩu ưa chuộng dòng sản phẩm fillet và nguyên con cắt khúc. Đây là những dòng sản phẩm thô sơ sẽ được đưa vào nhà hàng hoặc được người tiêu dùng mua về chế biến theo nhu cầu, sở thích riêng.

Ông Trần Văn Hùng dẫn chứng có một số doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến cho phân khúc sản phẩm giá trị gia tăng, nhưng kết quả hoạt động không như kỳ vọng. “Ngay cả chúng tôi, nhà máy thuỷ sản số 1 do Hùng Hậu (Công ty cổ phần thủy sản Hùng Hậu - PV) quản lý, sản xuất hàng giá trị gia tăng ngay từ thời điểm thành lập ban đầu tới hiện tại nhưng vẫn chưa đạt hết công suất”, ông chia sẻ.

Bên cạnh đó, một yếu tố đáng lưu ý đó là sản phẩm giá trị gia tăng khi đưa sang thị trường nhập khẩu không giữ được sự nguyên vẹn về mặt chất lượng. “Ví dụ, sản xuất cá tra, xử lý để tạo ra sản phẩm giả thịt cừu cuốn bánh tráng xuất khẩu. Tuy nhiên, việc này không thành công vì đưa qua thị trường nhập khẩu bị bể hết, không đáp ứng được yêu cầu chất lượng”, ông dẫn chứng.

Ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thủy sản Cafatex nêu nhận định với KTSG Online rằng, thị trường nhập khẩu tập trung mua sản phẩm cá tra fillet và nguyên con cắt khúc của Việt Nam vì thuận tiện cho họ trong việc chế biến được nhiều sản phẩm khác nhau.

Ở góc nhìn của mình, ông cho biết Cafatex mong muốn nâng cao giá trị cho con cá tra bằng việc đi vào phân khúc sản phẩm giá trị gia tăng, tuy nhiên, hiện nay cũng chỉ dừng lại ở sản phẩm tẩm bột, và sản lượng không đáng kể. “Bởi vì, một cửa hàng nhỏ hay nhà hàng, họ mua sẵn fillet từ nhà nhập khẩu để chế biến theo nhu cầu người tiêu dùng vẫn thuận tiện hơn”, ông giải thích.

Vị doanh nhân có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành thủy sản này cho rằng hệ thống nhập khẩu, phân phối ở thị trường mua hàng đã “định hình” hướng đi như nêu trên. Do đó, dù doanh nghiệp Việt Nam rất muốn bán hàng giá trị gia tăng và hoàn toàn có thể đáp ứng nếu khách hàng cần nhưng đây là một hướng đi khá gian nan.

Trao đổi với KTSG Online, ông Võ Hùng Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA) nhấn mạnh, thị trường cần và phân khúc sản phẩm fillet, nguyên con cắt khúc vẫn mang lại nhiều lợi ích cho nhà chế biến và người nuôi, thì doanh nghiệp vẫn tiếp tục sản xuất dòng sản phẩm này. “Chỉ khi nào sản phẩm như fillet, nguyên con cắt khúc mang lại lợi nhuận rất ít hoặc không còn lợi nhuận nữa, buộc phải chế biến sâu, thì doanh nghiệp sẽ chuyển hướng”, ông nói thêm rằng doanh nghiệp đang làm đúng cái thị trường cần.

Ngoài ra, rào cản thuế suất cao của các quốc gia nhập đối với sản phẩm chế biến sâu cũng chính là những trở ngại cản trở doanh nghiệp đẩy mạnh phân khúc này. “Dĩ nhiên, còn nhiều rào cản khác, bao gồm về kiểm tra vệ sinh hay các tiêu chuẩn liên quan sẽ nghiêm ngặt hơn”, ông nói.

Các thị trường nhập khẩu đều có những hàng rào được dựng lên để ngăn chặn sản phẩm đã chế biến sâu nhằm bảo vệ ngành công nghiệp chế biến trong nước của họ. “Đồng thời, có thể lấy sản phẩm đó (fillet, nguyên con cắt khúc) chế biến tiếp tục, nhất là khi sản phẩm này là sản phẩm tươi”, ông cho biết.

“Vậy tương lai của ngành cá tra sẽ ra sao?”, trả lời câu hỏi này của KTSG Online, ông Nguyễn Văn Kịch của Cafatex cho rằng, điều này phải xuất phát từ sự thay đổi tập quán kinh doanh của thị trường nhập khẩu, tức chuyển từ trạng thái mua sản phẩm fillet và nguyên con cắt khúc để đưa vào các nhà hàng chế biến sang sử dụng sản phẩm chế biến sẵn, thì mới có sự thay đổi trong tương lai. “Điều này phải có thời gian và không thể đoán định được”, ông nói.

Trong khi đó, theo ông Trần Văn Hùng của Hùng Cá, tương lai xuất khẩu của ngành hàng cá tra vẫn là sản phẩm fillet và nguyên con cắt khúc. “Tương lai nó vẫn như vậy, rất khó để thay đổi được nhiều”, ông nói.

Khai mạc lễ hội cá tra lần I-năm 2022Với chủ đề “vươn ra biển lớn”, lễ hội cá tra lần thứ I- năm 2022 đã chính thức khai mạc vào tối 16-12. Đây là sự kiện do UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại TP Hồng Ngự của địa phương này.Lễ hội cá tra là hoạt động hướng đến duy trì tổ chức hàng năm để xây dựng hình ảnh thủ phủ cá tra- Hồng Ngự; quảng bá, tri ân nghề nuôi cá tra- một trong những ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh Đồng Tháp  nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.Qua sự kiện này cũng nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh về sản phẩm từ cá tra, đặc sản địa phương. Lễ hội cá tra lần I- năm 2022 sẽ kéo dài đến ngày 17-12-2022.

1 BÌNH LUẬN

  1. Ngày xưa cá chỉ vàng chỉ được làm phân bón hay thức ăn chăn nuôi. Đến khi người Nhật nhảy vào tẩm ướp cá thì cá chỉ vàng lên giá mấy chục lần. Cá Tra hay cá basa cũng vậy chỉ có xuất nguyên con hay xắt khúc, còn trong nước có thêm chả cá nhưng cũng không được nêm nếm tẩm ướp gì hết. Chẳng lẽ đợi người Nhật vào chỉ cách lần nữa. Nhà nước nên thành lập một trung tâm nghiên cứu chế biến thuỷ hải sản để nâng cao giá trị hàng hóa. Như bên lúa gạo, nếu không có các trung tâm nghiên cứu giống lúa của nhà nước thì sợ rằng VN vẫn còn loay hoay trong việc làm sao đủ lương thực cho dân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới