Tương lai nào cho ETF Việt?
Hồng Phúc
Tổng giám đốc VFM nhận quyết định niêm yết và đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu tiên của chứng chỉ quỹ ETF tại HOSE. Ảnh : Lê Toàn |
(TBKTSG Online) - Quỹ Hoán đổi danh mục (ETF) đầu tiên tại Việt Nam, ETF VFMVN30, đã niêm yết được 10 ngày, tuy chưa thu hút được nhà đầu tư như kỳ vọng. Nhưng nhìn về đường dài, giới chứng khoán vẫn đặt nhiều niềm tin với sản phẩm mới này.
“Sự kỳ vọng đối với ETF rất lớn, và việc VFM huy động số vốn ban đầu được 202 tỉ đồng cũng tốt hơn dự kiến mặc dù trong số vốn này, hai thành viên lập quỹ là Công ty cổ phần Chứng khoán TPHCM (HSC) và Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đã bỏ vào hơn một nửa”, phó tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ nói.
Bên cạnh đó, theo ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM), từ nay tới cuối năm dự kiến có 10 đơn vị tham gia làm thành viên lập quỹ ETF VFMVN30 và trong tháng 10 dự kiến 2-3 thành viên mới hoàn tất thủ tục tham gia quỹ. “VFM không cô đơn. Chúng tôi sẽ không một mình”, ông Tân nói với TBKTSG.
Dọn dường
Ông Tân cho hay: “Chúng tôi cũng có ý định xây dựng các ETF khác có thể dựa trên các rổ chỉ số chứng khoán khác, ví dụ nhóm cổ phiếu có cổ tức cao và được nhà đầu tư quan tâm, hay nhóm cổ phiếu ngành và cả ETF trên trái phiếu chính phủ. Hiện tôi đang làm việc với HNX để có thể dọn đường cho ETF trên trái phiếu. Cơ quan quản lý cũng đang muốn làm nhiều thứ với ETF và chắc chắn ETF có một tương lai tốt đẹp”.
Về phía cơ quan tổ chức thị trường, bà Việt Hà - Giám đốc nghiên cứu của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE), chia sẻ với phóng viên rằng gần đây họ nhận được đề nghị của nhiều quỹ tại Việt Nam đang có nhu cầu xây dựng ETF.
Bà Hà cho biết, về đường dài HOSE đang triển khai nghiên cứu việc đưa ETF theo chỉ số chứng khoán Việt lên niêm yết ở nước ngoài như Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc. Các thị trường nước ngoài không xa lạ với ETF “chéo” dạng này. Trước hết. HOSE phải tìm quỹ đầu tư nước ngoài có nhu cầu đầu tư vào một chỉ số tại Việt Nam và nghiên cứu cơ chế hỗ trợ họ xây dựng ETF trên chỉ số của Việt Nam. Sau đó, với ưu thế sẵn có trên thị trường chứng khoán ngoại, các quỹ này đưa ETF gốc Việt lên niêm yết không khó. Còn nếu một quỹ nội như VFM đem ETF của VN30 lên niêm yết ở thị trường nước ngoài thì khó hơn bởi phải qua các thủ tục niêm yết chéo của một tổ chức Việt Nam ra thị trường nước ngoài rất phức tạp và tốn kém, yêu cầu cao.
Chợ ETF sẽ phong phú Ngoài ETF của VFM dựa trên VN30, SSI đang gấp rút ra mắt ETF dựa trên HNX30 vào tháng 11. Các chỉ số khác trên HOSE và trên HNX đã có như VNmidcap, VN100, HNX 50 đều có thể xây dựng được ETF mới. Sắp tới HNX cho biết sẽ công bố chỉ số tổng thu nhập trên chỉ số HNX30 (TRI-HNX30)... Các chỉ số có tính tiến bộ cao khi được xây dựng thêm đều có thể có những ETF mới của mình. |
Cách thứ hai, quỹ nước ngoài có thể thành lập quỹ con mua ETF của VN30 và niêm yết trên thị trường nước ngoài (còn gọi là feeder fund). “Chúng tôi đang trao đổi ý tưởng này với VFM và nếu cần sẽ phối hợp với công ty quản lý quỹ đi chào hàng ra ngoài. Điều này, nếu làm được, sẽ tăng thêm thanh khoản đồng thời nâng cao hình ảnh thị trường chứng khoán Việt Nam, mở ra một cánh cửa mới cho dòng vốn ngoại”, theo bà Việt Hà.
Vàng vẫn chôn dưới chân ngành quản lý quỹ
Bà Hà nói cơ quan tổ chức và quản lý kỳ vọng ETF sẽ thay đổi hành vi của nhà đầu tư Việt Nam, hiện chủ yếu chạy theo lướt sóng và ngắn hạn. ETF là sản phẩm đầu tư tập thể, dài hạn và chuyên nghiệp hơn. Trong kế hoạch các sở chứng khoán cũng muốn thêm các sản phẩm đầu tư tập thể để tăng chất lượng thị trường. Tính thanh khoản và khoảng cách chiết khấu sát nhau giữa giá trị tài sản ròng của quỹ ETF cũng giúp nhà đầu tư dễ mua các cổ phiếu tốt hơn và đầu tư vào rổ chỉ số cũng ít rủi ro hơn đầu tư cổ phiếu riêng lẻ, không vướng việc tràn room cho nhà đầu tư nước ngoài.
Về tương lai, khi hai sở giao dịch chứng khoán HOSE và HNX hợp nhất, các chỉ số ETF ra sao?
Trả lời TBKTSG, bà Hà nói, xét về thị trường thì không ảnh hưởng nhiều đến các chỉ số ETF bởi sau khi hợp nhất hai sở chứng khoán vẫn có thể có nhiều phân khúc thị trường cổ phiếu và các chỉ số tương ứng. Tương lai với nhiều rổ chỉ số mới, các sản phẩm mới trên các rổ chỉ số sẽ sinh sôi.
Một “lăn tăn” với ETF Việt Nam là phí quản lý hiện nay 0,65%/NAV/năm là hơi cao với nhà đầu tư và mặt bằng thị trường Việt Nam cũng như một số thị trường, mặc dù theo ông Tân, với mức phí này VFM chưa có lãi.
Thách thức với ngành quản lý quỹ Việt Nam còn lớn. Họ chưa chứng minh sức hấp dẫn với thị trường và đặc biệt với nhà đầu tư cá nhân ở một nước tỷ lệ tiết kiệm cao hàng đầu thế giới như Việt Nam. Người ta chưa có thói quen đem tài sản trong két hay để ở ngân hàng gửi vào tay công ty quản lý quỹ.
Vàng vẫn chôn dưới chân ngành quản lý quỹ mà thực ra, nó không chỉ là câu chuyện của ngành này.