Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tựu trường giữa hồi dịch bệnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tựu trường giữa hồi dịch bệnh

Yên Minh

(KTSG) – Bên cạnh dòng thông tin thời sự về dịch bệnh, một trong những tin tức được cộng đồng người sử dụng mạng xã hội tương tác nhiều trong những ngày gần đây là kế hoạch nhập học năm 2021-2022. Một mùa tựu trường nữa lại đến, trong sự tác động mạnh mẽ của dịch bệnh.

Tựu trường giữa hồi dịch bệnh
Một mùa tựu trường trước khi xảy ra dịch. Ảnh: THÀNH HOA

Một phụ huynh có con vào lớp 6 của Trường Tiểu học, THCS và THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội), qua nhóm trò chuyện (group) trên Facebook, kể rằng dù con chính thức nhập học từ ngày 2-8 vừa qua nhưng cả hai mẹ con vẫn chưa biết “mặt mũi” lớp học ra sao vì cuộc thi đầu vào ngôi trường tư thục này được tiến hành trực tuyến. Vào ngày tựu trường, cô bé học trò đã làm quen cùng cô giáo chủ nhiệm và bạn bè trong lớp qua kênh trực tuyến.

Người mẹ viết “dù chỉ có thể tham gia lễ khai giảng trực tuyến nhưng cả hai mẹ con đều cảm thấy vui vẻ và cảm nhận không khí đặc biệt của một mùa tựu trường trong mùa dịch”.

Cũng trên nhóm bạn Facebook này, một phụ huynh khác ở Đà Nẵng chia sẻ rằng thời điểm này địa phương vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, ngôi trường công lập nơi con chị theo học được sử dụng làm khu cách ly tập trung. Ngành giáo dục địa phương đang chuẩn bị kịch bản khai giảng năm học 2021-2022 vào ngày 5-9. Chị khoe rằng dự kiến lúc 7 giờ sáng chương trình Chào năm học mới sẽ lên sóng truyền hình, sau đó là chương trình khai giảng trực tuyến do các trường thực hiện, từ 8 giờ sẽ bắt đầu kết nối trực tuyến giữa giáo viên chủ nhiệm với học sinh các lớp.

Theo thông tin trên các phương tiện truyền thông, tính đến ngày 12-8, đã có 24 tỉnh, thành đã hoạch định thời gian cho năm học 2021-2022. Trong đó, phần lớn các tỉnh, thành cho học sinh lớp 1 tựu trường từ 23-8, các lớp còn lại vào 1-9.

Trước đó, vào ngày 4-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành khung kế hoạch năm học 2021-2022, cho phép học sinh lớp 1 tựu trường sớm từ 23-8, học sinh các lớp học khác từ 1-9 và khai giảng vào 5-9. Nhưng bộ này cũng thòng thêm rằng đấy là khung thời gian năm học là để áp dụng chung trên toàn quốc và tùy chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quy định cụ thể kế hoạch thời gian năm học tại địa phương, phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, thời gian nghỉ học, thời gian tựu trường sớm và thời gian kéo dài năm học không vượt quá 15 ngày so với khung chung của bộ.

Ví dụ, với trường hợp Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh đang giãn cách xã hội, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có thể quyết định thời gian tựu trường muộn hơn khung vào ngày 10-9 hay 15-9. Thời gian kéo dài năm học kết thúc chậm hơn 15 ngày so với khung vào ngày 15-6. Nếu sau khi các địa phương kéo dài năm học muộn hơn 15 ngày mà vẫn không phù hợp với tình hình thực tiễn thì các Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo về Bộ GD&ĐT để đưa ra giải pháp.

Trong hai ngày 12 và 13-8, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 đối với giáo dục tiểu học, trung học. Các đại biểu đã đánh giá năm học 2020-2021 là một dấu mốc đặc biệt của ngành giáo dục khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới và thích ứng với tác động của dịch Covid-19.

Chương trình giáo dục mới với tinh thần chuyển từ dạy học nhồi kiến thức sang hình thành năng lực người học, từ vai trò truyền thụ sang hướng dẫn của người thầy, từ sự thụ động sang chủ động của người học, từ phương pháp giảng dạy giảng giải thuần túy của thầy với trò sang hợp tác cùng xây dựng bài học.

Việc đa dạng sách giáo khoa với nhiều bộ sách, đầu sách khác nhau để các nhà trường, giáo viên lựa chọn phù hợp với đặc thù riêng của đơn vị mình cũng đã được tiến hành. Theo đó, chỉ riêng lớp 1 có đến 5 bộ sách. Tuy nhiên, cũng ngay trong năm đầu triển khai, chương trình lớp 1 đã khiến phụ huynh “dậy sóng” khi phát hiện hàng loạt “sạn” trong sách giáo khoa, đặc biệt là ở bộ sách Cánh Diều.

Một năm học đã đi qua trong bối cảnh cả nước chịu ảnh hưởng của nhiều đợt bùng phát dịch Covid-19, giáo viên, học sinh phải chuyển trạng thái từ dạy học trực tiếp theo sang dạy học trực tuyến và linh hoạt áp dụng các hình thức khác phù hợp với từng nhà trường, từng địa phương, để duy trì việc học khi học sinh không thể đến trường.

Người đứng đầu ngành giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cho rằng chủ thể bị ảnh hưởng nhiều nhất của Covid-19 là bậc tiểu học. Một trong những thách thức cụ thể ở bậc tiểu học là sự hạn chế về sức khỏe, thể lực của học sinh, hạn chế trong việc sử dụng thiết bị công nghệ, khó khăn trong trong tương tác học tập trực tuyến… Bậc học này còn có số lượng trường, điểm trường lớn, phân tán, cơ sở vật chất nhiều khó khăn. Ngoài ra, những biến động về nghề nghiệp, nơi ở, sinh kế, của các gia đình do ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh tế khó khăn, dẫn tới nguy cơ trẻ em không đến trường, bỏ học… cũng sẽ là thách thức cho bậc học tiểu học trong năm học mới 2021-2022 này.

“Không như các lĩnh vực khác, một khi nền giáo dục bị tổn thương, thời gian để phục hồi sẽ rất dài. Vì thế, phải cố gắng hết sức để giảm thiểu những tổn thương đối với giáo dục”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ tại cuộc hội nghị trực tuyến có kết nối đến hàng ngàn điểm cầu là các sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo cùng các trường THPT. Ông xác định, cần ưu tiên mọi biện pháp để toàn ngành chuyển trạng thái, thích ứng và giảm thiểu các tổn thương, các tác động tiêu cực.

Chuyển sang trạng thái bình thường mới, theo ông, là tùy vào từng nơi, bối cảnh, để hạn chế thấp nhất những tổn thương, ảnh hưởng; chuyển đổi và thích ứng với tình hình mới trong chỉ đạo, điều hành, kế hoạch, mục tiêu, phương pháp, cách thức.

“Chuyển trạng thái phải tính tới lâu dài chứ không chỉ tạm thời”, yêu cầu mà người đứng đầu ngành giáo dục đặt ra đã phần nào nói hộ niềm mong muốn của hàng chục triệu phụ huynh và học sinh trên khắp cả nước, trước ngưỡng cửa của một năm học mới, với đầy những khó khăn, nhiều âu lo làm khuất lấp cả niềm hy vọng vào một giai đoạn bình thường mới.

Mùa tựu trường đã đến giữa hồi dịch dã căng thẳng, có nơi sẽ bắt đầu năm học mới đúng kế hoạch của bộ, cũng có nơi hoặc nhiều nơi sẽ khai giảng trễ hơn và cũng sẽ dạy học trực tuyến cho đến khi dịch qua đi. Cũng tương tự như nỗ lực của toàn xã hội trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh, chúng ta cũng kỳ vọng rằng mọi sự điều chỉnh linh hoạt trong hoạt động giáo dục, là để thích ứng với dịch bệnh, đảm bảo an toàn trên cơ sở không thay đổi mục tiêu đảm bảo chất lượng. Như lời phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: “Lương tâm và trách nhiệm không thay đổi. Bất biến vấn đề chuẩn đầu ra và chất lượng, vạn biến về phương pháp”. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới