(KTSG Online) - Theo tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc, liên quan đến đầu tư, thương mại, hai bên nhất trí áp dụng các biện pháp thiết thực nhằm mở rộng quy mô thương mại song phương theo hướng cân bằng, bền vững; ưu tiên hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực như nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng lượng, kinh tế số, phát triển xanh; đẩy nhanh triển khai các dự án sử dụng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Trung Quốc cho Việt Nam…
- Việt Nam – Trung Quốc ký kết 36 văn bản hợp tác trên nhiều lĩnh vực
- Việt Nam – Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư
Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Việt Nam - Trung Quốc đã ra tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, theo TTXVN.
Trong đó, về đầu tư, hai bên nhất trí triển khai khu hợp tác kinh tế - thương mại, ưu tiên hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực như nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng lượng, kinh tế số, phát triển xanh; khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến sang đầu tư trong lĩnh vực phù hợp với nhu cầu của mỗi nước; tạo môi trường kinh doanh công bằng, thuận lợi cho doanh nghiệp; đẩy nhanh triển khai các dự án sử dụng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Trung Quốc cho Việt Nam, trong đó có dự án xây dựng cơ sở 2 bệnh viện Y dược cổ truyền.
Hai bên tiếp tục trao đổi kinh nghiệm cải cách doanh nghiệp nhà nước và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hợp tác đào tạo nhân lực giữa hai nước; khuyến khích cơ quan quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp của hai nước triển khai trao đổi, kết nối, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước hợp tác cùng có lợi; tìm kiếm khả năng tăng cường hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực khoáng sản then chốt trên nguyên tắc thị trường và tinh thần bền vững.
Việt Nam - Trung Quốc thống nhất áp dụng các biện pháp thiết thực nhằm mở rộng quy mô thương mại song phương theo hướng cân bằng, bền vững; tận dụng lợi thế của các hiệp định như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Khu thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc; mở rộng xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của mỗi nước. Hai nước thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực tiêu chuẩn hóa, bảo đảm hài hòa về tiêu chuẩn đối với hàng hóa và sản phẩm của Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp.
Phía Trung Quốc sẽ thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường đối với nông sản của Việt Nam như dừa tươi, sản phẩm trái cây đông lạnh, hoa quả có múi, bơ, na, dược liệu đông y có nguồn gốc thực vật, sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm. Phía Việt Nam sẽ thúc đẩy nhập khẩu các loại cá tầm của Trung Quốc, trao đổi giữa các tổ chức ngành nghề của hai bên, thúc đẩy các ngành nghề liên quan của hai nước phát triển lành mạnh.
Theo tuyên bố này, hai nước cũng thống nhất việc tăng cường quản lý an ninh trật tự khu vực biên giới; thúc đẩy nâng cấp cửa khẩu biên giới; tăng cường giao lưu, hợp tác “một cửa”; cùng tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên.
Ngoài ra, Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục giao lưu, hợp tác giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và giữa các cơ quan giám sát, quản lý tài chính của hai nước. Hai bên cũng hợp tác về kỹ thuật nông nghiệp và trao đổi chính sách nông nghiệp, nghiên cứu triển khai hợp tác trong các lĩnh vực như nông nghiệp carbon thấp, nông nghiệp số, nông nghiệp xanh, bảo vệ đất và nguồn nước, thúc đẩy các sản phẩm xanh, phát thải carbon thấp...