Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Twitter sẽ thay đổi thế nào dưới thời Elon Musk?

Song Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Sau khi mua lại Twitter, tỉ phú Elon Musk giờ đây đang phải đối mặt với một thách thức khó khăn hơn: định hình lại cách thức hoạt động của nền tảng và áp dụng những thay đổi mà ông mong muốn.

Chính sách kiểm soát nội dung

Một trong những tham vọng hay được Elon Musk đề cập đến nhất là biến Twitter “trở thành quảng trường kỹ thuật số, nơi người dùng có thể tranh luận mọi ý kiến một cách lành mạnh mà không cần dùng đến bạo lực”. Ông cũng mong muốn “làm cho Twitter tốt hơn, bằng cách cải tiến sản phẩm với các tính năng mới, làm cho các thuật toán trở thành nguồn mở để tăng độ tin cậy”, đồng thời “loại bỏ hoàn toàn tài khoản ảo và xác thực tất cả người dùng”.

Mặc dù những thông điệp này nghe có vẻ tích cực, nhiều ý kiến cho rằng tình hình thực tế sẽ phức tạp hơn nhiều so với mong muốn của Elon Musk.

Theo CNN Business, trong nhiều năm dưới thời cựu giám đốc điều hành và nhà đồng sáng lập Jack Dorsey, Twitter luôn tuyên bố sẽ tập trung thúc đẩy “các nội dung lành mạnh”. Công ty đã cấm hoạt động đối với nhiều tài khoản lạm dụng spam và thư rác, dán nhãn các bài đăng có thông tin sai lệch và gây hiểu nhầm.

Tuy nhiên, dưới thời tỉ phú Elon Musk, người luôn tuyên bố ủng hộ tuyệt đối quyền tự do ngôn luận, các bước kiểm duyệt nội dung của Twitter được dự báo sẽ nới lỏng hơn. Ông từng cho rằng các mạng xã hội không nên xóa những nội dung gây tranh cãi, chừng nào chúng chưa vi phạm pháp luật. “Nếu đó là một vùng xám, tôi nghĩ hãy để dòng tweet đó tồn tại”, Musk cho biết trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 4.

Một số học giả cảnh báo cách tiếp cận của Musk đã bỏ qua nguy cơ thao túng nền tảng, và có thể dẫn tới những hiểm họa khó lường. Việc hạ thấp các rào cản kiểm duyệt sẽ tạo điều kiện để một lượng lớn nội dung thù địch, độc hại và bất hợp pháp sẽ xuất hiện tràn lan trên Twitter. Trên thực tế, nền tảng này đã phải chật vật trong nhiều năm để xác định và xóa các nội dung khiêu dâm, nhất là liên quan đến trẻ em.

Ông Eddie Perez, cựu giám đốc quản lý sản phẩm của Twitter và hiện đang là thành viên hội đồng quản trị của OSET Institute, một tổ chức phi lợi nhuận về an ninh bầu cử, cho biết: “Musk thường nói về Twitter như một quảng trường công cộng kỹ thuật số, gợi lên hình ảnh về những cá nhân có tiếng nói bình đẳng trong việc trao đổi ý tưởng. Tuy nhiên, điều này là không thực tế bởi những đối tượng xấu có nguồn lực lớn mạnh sẽ luôn cố gắng thao túng nền tảng và khuếch đại thông tin sai lệch”.

Tuân thủ các quy định luật pháp

Trong nhiều năm, Twitter đã vướng vào “một cuộc chiến pháp lý phức tạp” với các chính phủ về vấn đề quyền tự do ngôn luận trực tuyến. Và theo Jason Goldman, cựu thành viên hội đồng quản trị Twitter, tình hình có thể sẽ phức tạp hơn dưới thời Elon Musk.

Chỉ ba giờ đồng hồ sau khi Musk tuyên bố hoàn tất thương vụ thâu tóm Twitter, với dòng tweet “Con chim đã tự do”, Ủy viên thị trường nội bộ, Liên minh châu Âu (EU) Thierry Breton đã đáp lại: “Ở châu Âu, con chim sẽ phải bay theo các quy tắc của châu Âu”.

Tại Ấn Độ, giới chức chính phủ cũng nhắc nhở nhà tỉ phú Mỹ về các quy định pháp luật. Rajeev Chandrasekhar, Bộ trưởng phụ trách công nghệ thông tin của Ấn Độ khẳng định: “Các quy tắc và luật pháp của chúng tôi dành cho các nền tảng vẫn giữ nguyên, cho dù có sự thay đổi chủ sở hữu”.

Những thay đổi trong mô hình kinh doanh

Cũng giống như các công ty truyền thông xã hội khác, Twitter phụ thuộc rất nhiều vào quảng cáo và phải đối mặt với những khó khăn trong những tháng gần đây do tình trạng bất ổn kinh tế trên diện rộng. Công ty cũng sẽ phải gánh thêm khoản nợ hàng tỉ đô la do Elon Musk đã vay tiền để hoàn tất thỏa thuận thâu tóm. Việc thanh toán các khoản vay này được dự báo sẽ làm tăng thêm gánh nặng chi phí cho Twitter, vốn đã thua lỗ nặng nề trong những năm qua.

Để tạo thuận lợi cho quá trình cải tổ hoạt động kinh doanh, Elon Musk đã tiến hành hủy niêm yết Twitter tại sàn giao dịch New York kể từ ngày 8-11 tới, nhưng đồng thời cũng cho biết, có thể đưa Twitter quay trở lại thị trường trong vòng từ 3-5 năm tới.

Elon Musk cũng được cho là sẽ thực hiện những xáo trộn lớn trong bộ máy nhân sự. Theo Washinton Post, hàng loạt lãnh đạo cao cấp của Twitter đã bị sa thải.

Chia sẻ với các nhà đầu tư, Elon Musk cũng cho biết có kế hoạch cắt giảm 75% trong số hơn 7.500 nhân viên của Twitter. Business Insider tổng hợp các dữ liệu cho thấy, hơn 500 nhân viên Twitter đã rời đi trong vòng ba tháng qua do lo ngại về tương lai bất định.

Giảm phụ thuộc vào quảng cáo

Trước đó, hồi tháng 4, Musk đã cam kết đưa doanh thu hàng năm của Twitter tăng lên 26,4 tỉ đô la vào năm 2028, cao hơn 5 lần mức 5 tỉ đô la hồi năm ngoái. Musk cũng hé lộ rằng, ông muốn chuyển Twitter từ mô hình kinh doanh nặng về quảng cáo sang các hình thức thu nhập khác.

Đây sẽ được coi là một sự thay đổi lớn, bởi quảng cáo chiếm hơn 90% doanh thu của Twitter trong quí 2 năm nay. Musk kỳ vọng, vào năm 2028, nguồn thu từ phí đăng ký sử dụng dịch vụ đóng góp 10 tỉ đô la. Nguồn thu khác sẽ đến từ việc cấp phép sử dụng dữ liệu cho các doanh nghiệp.

Tuy vậy, hôm 27-10, ngay trước khi tiếp quản Twitter, ông cũng đăng tải một thông điệp trấn an các doanh nghiệp và cho biết ông mong muốn Twitter trở thành nền tảng quảng cáo được tôn trọng nhất trên thế giới, giúp củng cố thương hiệu và phát triển doanh nghiệp.

Thế nhưng, các nhà quảng cáo vẫn có lý do để hoài nghi những gì Musk nói, đặc biệt là trong trường hợp tài khoản của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump được khôi phục. “Việc tài khoản của ông Trump hoạt động trở lại có thể khiến nhiều người sử dụng Twitter rời bỏ nền tảng”, ông Mark DiMassimo, người sáng lập công ty quảng cáo DiMassimo Goldstein, dự đoán.

Mới đây nhất, hãng xe Mỹ General Motors (GM) cho biết sẽ ngừng quảng cáo trên Twitter sau khi mạng xã hội này thuộc sở hữu của ông Elon Musk.

Theo Dan Ives, chuyên gia phân tích công nghệ tại Wedbush Securities, mặc dù cuộc cạnh tranh xe điện với Tesla của Elon Musk có thể là một phần nguyên nhân dẫn tới quyết định của GM, đây vẫn được coi là điều đáng lo ngại. “GM là công ty đầu tiên, nhưng sẽ không phải là cuối cùng. Chúng ta sẽ chờ xem có làn sóng nào xảy ra hay không”, ông nói.

Phát triển siêu ứng dụng X

Một trong những điểm tựa quan trọng của Musk trong kế hoạch phát triển Twitter là ý tưởng về một siêu ứng dụng X theo phong cách WeChat của Trung Quốc. Đây là một ứng dụng cho phép người dùng không chỉ gửi tin nhắn, gọi video, mà còn có thể mua sắm trực tuyến, thanh toán, đặt xe taxi. Trong một bài đăng trên twitter cá nhân hồi đầu tháng 10, Elon Musk đã viết: “Việc mua Twitter là một cách để thúc đẩy việc tạo ra X, ứng dụng của mọi thứ”.

Reuters dẫn một số nguồn tin cho biết, ông Elon Musk đã chia sẻ với các nhà đầu tư về kế hoạch xây dựng một kênh trả phí để giảm sự phụ thuộc vào quảng cáo, cho phép người tạo nội dung có thể kiếm tiền, thanh toán bằng tiền thông thường hoặc tiền số. Chuyên gia Donovan lưu ý rằng Musk có thể tìm cách biến Twitter thành một tổ chức ngân hàng dựa trên nền tảng hiện có.

Ông Changpeng Zhao, giám đốc điều hành của Binance, một trong những nhà đầu tư tham gia thỏa thuận mua lại Twitter, cho biết hôm thứ Sáu tuần trước rằng ông hy vọng sẽ có thể giúp Musk “phát triển một tầm nhìn mới cho Twitter”, bao gồm cả “việc sử dụng và chấp nhận tiền kỹ thuật số và công nghệ blockchain.” Điều này báo hiệu rằng tiền kỹ thuật số có thể là một phần trong kế hoạch thanh toán của Elon Musk.

Tuy vậy, tham vọng tạo ra siêu ứng dụng có thể sẽ phải đối mặt với rào cản lớn. Trên thực tế, loại ứng dụng này chỉ phổ biến tại châu Á, nhưng rất hạn chế ở phương Tây và hoàn toàn vắng bóng tại Mỹ, những nơi có luật chống độc quyền nghiêm ngặt. “Không có siêu ứng dụng nào ở Mỹ vì rào cản pháp lý cao, cũng như người dùng ở đây có rất nhiều lựa chọn ứng dụng”, ông Scott Galloway, đồng chủ trì kênh podcast công nghệ Pivot và là giáo sư marketing tại Đại học New York, nhận xét.

Việc thanh toán qua siêu ứng dụng cũng không phải vấn đề dễ dàng. Jason Goldman, cựu thành viên hội đồng quản trị Twitter, cho biết các khoản thanh toán thường yêu cầu xác minh danh tính, trong khi nhiều người sử dụng Twitter lại có nhu cầu ẩn danh. Điều này sẽ khiến mọi thứ trở nên phức tạp hơn, và “không phù hợp trong thời đại Internet di động phát triển”.

Nguồn: Financial Times, New York Times, CNN Business, Reuters, Vox, Wired, Cointelegraph, Business Insider

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới