Chủ Nhật, 24/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tỷ giá, lãi suất biến động về cuối năm

Thụy Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Cùng với diễn biến tiền đồng mất giá trở lại, lãi suất tiền đồng cũng có dấu hiệu nhấp nhổm đi lên trở lại trong những ngày gần đây, khi một số ngân hàng có động thái tăng lãi suất tiền gửi về cuối năm. Về cơ bản, đồng nội tệ mất giá cũng có thể gấy áp lực lên lãi suất, khi nhà đầu tư đòi hỏi lãi suất phải cao hơn để bù đắp rủi ro mất giá.

Tỷ giá trồi sụt thất thường

Chỉ trong ba ngày đầu tuần trước (6,7 và 8-12), tỷ giá trung tâm đô la Mỹ/tiền đồng bất ngờ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng vọt 110 đồng, trước khi giảm nhanh trở lại 62 đồng trong hai ngày cuối tuần. Dù vậy, tính chung cả tuần vẫn tăng 48 đồng, đánh dấu tuần tăng đáng chú ý nhất kể từ đầu năm đến nay. Mở cửa đầu tuần này, tỷ giá trung tâm lại một lần nữa tăng vọt 32 đồng vào ngày 13-12, lên mức 23.207 đồng/đô la Mỹ, theo đó so với đầu năm đang tăng 76 đồng, tương đương tăng 0,33%.

Thật ra áp lực tăng của tỷ giá đã sớm xuất hiện tại các ngân hàng thương mại (NHTM) trong tuần cuối tháng 11 - đầu tháng 12. Đơn cử như giá mua vào đô la Mỹ tại Vietcombank đã tăng mạnh 125 đồng chỉ trong vòng năm phiên từ 29-11 đến 3-12, trong khi giá bán ra tăng đến 165 đồng, kéo giãn chênh lệch giá bán ra - mua vào từ mức thông thường 200 đồng lên 240 đồng. Đỉnh điểm là vào ngày 6-12, cũng là ngày mà NHNN mở đầu điều chỉnh tăng mạnh tỷ giá trung tâm 38 đồng, giá mua bán tại Vietcombank tăng vọt thêm 280 đồng, trước khi bắt đầu điều chỉnh giảm trở lại sau đó.

Thị trường tự do cũng chứng kiến chung nhịp đập, với giá mua vào và bán ra tính đến đầu tuần này đang tăng tương ứng 150-170 đồng so với tuần trước. Dù mức tăng này khiêm tốn hơn so với giá giao dịch tại các ngân hàng, nhưng diễn biến tỷ giá trên các thị trường đồng loạt tăng từ tuần trước đến nay cho thấy cầu ngoại tệ dường như đang chứng kiến lên cao trở lại về cuối năm.

Trong gần hai năm qua, song hành cùng với sự tăng giá của nhân dân tệ so với đô la Mỹ, tiền đồng cũng ít khi chịu áp lực mất giá mạnh so với đô la Mỹ như giai đoạn trước đây, thậm chí có những giai đoạn duy trì xu hướng tăng giá.

Đáng chú ý là diễn biến điều chỉnh giảm trong cuối tuần qua, sau khi NHNN quyết định giảm mạnh 706 đồng giá bán ra đô la Mỹ tại Sở giao dịch NHNN, xuống 23.150 đồng, động thái được cho là sẵn sàng can thiệp để bình ổn thị trường ngoại hối, dường như cũng chỉ tác động tạm thời, khi đầu tuần này tỷ giá trung tâm lại tiếp tục điều chỉnh tăng mạnh như đã nói.

Một số ý kiến cho rằng tâm lý trên thị trường ngoại hối trong nước đang chịu tác động bởi lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn dự kiến, nhất là khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 11 vừa qua tăng tới 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 1982. Mới đây Fed cũng cho biết sẵn sàng giảm mua tài sản nhanh hơn nếu lạm phát cao.

Chịu tác động từ đâu?

Tuy nhiên, dự báo về việc Fed có thể thắt chặt chính sách nhanh hơn không phải là điều quá mới mẻ, mà đã được đề cập suốt nhiều tháng qua, do đó khó có thể ảnh hưởng đến thị trường trong nước như vậy. Thực tế là chỉ số USD Index trên thị trường quốc tế trong hai tuần qua vẫn ổn định quanh mốc 96 điểm. Vì vậy, ảnh hưởng nhiều hơn lên tỷ giá trung tâm nếu đến từ diễn biến thị trường ngoại hối có lẽ là việc đồng nhân dân tệ bất ngờ tăng giá gần 0,8% so với đô la Mỹ trong giai đoạn 26-11 đến 8-12.

Là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam hiện nay, sự biến động của nhân dân tệ cũng có nhiều ảnh hưởng lên sức mạnh của tiền đồng. Thực tế là trong gần hai năm qua, song hành cùng với sự tăng giá của nhân dân tệ so với đô la Mỹ, tiền đồng cũng ít khi chịu áp lực mất giá mạnh so với đô la Mỹ như giai đoạn trước đây, thậm chí có những giai đoạn duy trì xu hướng tăng giá.

Ngoài ra, việc tỷ giá điều chỉnh tăng mạnh sau khi báo cáo bán thường niên “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ” của Bộ Tài chính Mỹ trình lên Quốc hội Mỹ hôm 3-12, trong đó tái khẳng định Việt Nam không thao túng tiền tệ, dường như cũng giúp nhà điều hành có thêm không gian để điều chỉnh chính sách.

Với mục tiêu giữ tiền đồng không mất giá quá 2% mỗi năm so với đô la Mỹ, nhưng đến cuối tháng 11 vừa qua tỷ giá trung tâm chỉ mới tăng 0,03% , vì vậy việc cặp tỷ giá này sẽ tiếp tục đi lên trong tháng cuối năm là có thể hiểu được, nhất là khi thực tế những năm gần đây cũng cho thấy tỷ giá trung tâm thường được điều chỉnh tăng đáng kể khi càng về cuối năm.

Áp lực tiền đồng mất giá trở lại cũng là điều tất yếu khi càng về cuối năm, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa phục vụ giai đoạn cao điểm sản xuất kinh doanh cuối năm cũng sẽ thúc đẩy cầu ngoại tệ gia tăng tương ứng. Trong khi đó, cung ngoại tệ vẫn ổn định chứ không có nhiều đột biến trong thời điểm hiện nay. Số liệu cán cân thương mại hàng hóa cho thấy sau khi xuất siêu 2,74 tỉ đô la Mỹ trong tháng 10, tháng 11 ước tính xuất siêu chỉ đạt 100 triệu đô la Mỹ.

Ở hoạt động đầu tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 17,1 tỉ đô la Mỹ, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý là nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang bán ròng không dứt trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trong khi một báo cáo gần đây của Bloomberg cho rằng khối ngoại rút khỏi chứng khoán Việt để chuyển sang tiền ảo và chứng khoán Mỹ.

Một yếu tố nữa cũng có thể tác động lên diễn biến tỷ giá tăng mạnh trong hai tuần vừa qua là khả năng một số ngân hàng phải mua lại lượng ngoại tệ đã bán ra trước đây để cân bằng trạng thái. Trong suốt 11 tháng đầu năm nay, với xu hướng tỷ giá ổn định, một số ngân hàng đã tích cực bán ngoại tệ để chuyển đổi sang tiền đồng kinh doanh nhằm đạt được lợi suất cao hơn. Nay khi về cuối năm, trước nhu cầu ngoại tệ phục vụ cho thanh toán xuất nhập khẩu đang tăng trở lại, cũng như lo ngại xu hướng đô la Mỹ trong nước có thể quay đầu tăng mạnh trở lại đẩy rủi ro tỷ giá lên cao hơn, các ngân hàng này phải nhanh chóng khôi phục lại vị thế đã bán.

Ảnh hưởng lan tỏa đến lãi suất?

Cùng với diễn biến tiền đồng mất giá trở lại, lãi suất tiền đồng cũng có dấu hiệu nhấp nhổm đi lên trở lại trong những ngày gần đây, khi một số ngân hàng có động thái tăng lãi suất tiền gửi về cuối năm. Về cơ bản, đồng nội tệ mất giá cũng có thể gây áp lực lên lãi suất, khi nhà đầu tư đòi hỏi lãi suất phải cao hơn để bù đắp rủi ro mất giá của tiền đồng, nhất là trong bối cảnh những lo ngại về lạm phát quay trở lại đang phủ sóng trong những tuần gần đây.

Cụ thể dù trong tháng 11 NHNN đã bơm ròng ra thị trường lượng tiền lớn hơn 60.000 tỉ đồng qua kênh ngoại tệ, hỗ trợ lớn cho thanh khoản của hệ thống, nhưng từ cuối tháng 11 đến nay chứng kiến một loạt ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động vốn. Có thể kể đến VPBank, Eximbank, OCB, Kiên Long, Bảo Việt, GPBank,… Có thể thấy nhóm điều chỉnh tăng lãi suất có cả các NHTM quy mô nhỏ lẫn các ngân hàng tốp đầu, thuộc nhóm được nới room tín dụng cao nhất.

Dĩ nhiên mặt bằng lãi suất tiền gửi chịu áp lực gia tăng trở lại về cuối năm cũng chịu sự tác động bởi hoạt động cho vay đang tăng tốc trong những ngày này. Theo báo cáo của Công ty chứng khoán SSI, tín dụng của tháng 11 đã tăng tích cực gần gấp đôi so với tháng 10 và gấp 3 lần so với thời điểm giữa năm (tháng 8 và 9). Còn số liệu gần đây của NHNN cho biết tín dụng đã tăng thêm 1,38 điểm phần trăm, từ mức 8,72% hôm 29-10 lên 10,1% vào thời điểm 25-11.

Sau đợt nới room tín dụng hồi giữa tháng 11, NHNN tiếp tục khẳng định chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ được thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể theo Phó thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà, dư nợ toàn hệ thống ngân hàng tăng trên 10% tính đến cuối tháng 11 là phù hợp với mục tiêu 12% đề ra. Đồng thời, NHNN cũng phát tín hiệu có thể nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong tháng 12-2021 cho những ngân hàng có chất lượng tài sản tốt.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới