Tỷ giá - lo ngại cuối năm?
Tuệ Nhiên
(KTSG) - Giá mua bán đô la Mỹ trên thị trường tự do bất ngờ giảm mạnh trong những ngày gần đây, trái ngược với diễn biến tỷ giá trung tâm đô la Mỹ/tiền đồng (USD/VND) vẫn lầm lũi đi lên. Vì sao lại có sự ngược pha này, nhất là khi nguồn cung ngoại tệ trong nước gần đây đang cho thấy sự suy yếu?
Không còn đồng pha
Sau khi giảm 86 đồng trong tháng 4-2021 và giảm tiếp 23 đồng trong tháng 5, tỷ giá trung tâm USD/VND đã tăng trở lại 43 đồng trong tháng 6, đặc biệt xu hướng tăng chỉ tập trung vào nửa cuối tháng 6 với mức tăng mạnh đến 79 đồng tính từ ngày 15-6 đến 30-6. Đà đi lên được tiếp nối từ đầu tháng 7 đến nay, khi tỷ giá trung tâm tính đến ngày 23-7 nằm tại mốc 23.209, tăng 31 đồng so với cuối tháng 6, dù vậy so với đầu năm thì chỉ mới tăng 78 đồng, tương ứng tăng 0,34%.
Diễn biến tăng trở lại của tỷ giá trung tâm tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi xu hướng phục hồi của đô la Mỹ trên thị trường quốc tế. Chỉ số USD Index sau khi tạo đáy ở vùng 89,6 điểm vào ngày 25-5, đã phục hồi mạnh mẽ kể từ đó đến nay, hiện đã leo lên gần mốc 93 điểm, tăng xấp xỉ 3,8%. Đây cũng là mức cao nhất tính từ giai đoạn cuối tháng 3 đầu tháng 4 đến nay.
Việc tiền đồng tăng giá mạnh trong những ngày gần đây trên thị trường phi chính thức có lẽ còn chịu tác động bởi thông tin Việt Nam và Mỹ đã đạt được thỏa thuận về hoạt động tiền tệ của Việt Nam. Cụ thể, theo theo thông cáo của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, thỏa thuận mới đây giữa Bộ Tài chính Mỹ và NHNN đã cung cấp một giải pháp thỏa đáng cho vấn đề được điều tra, do đó hiện chưa cần có hành động thương mại đối với Việt Nam. |
Việc dịch Covid-19 đang bùng phát phức tạp trở lại, ngay cả tại những quốc gia phát triển đã có tỷ lệ tiêm chủng cao như Mỹ cũng hứng chịu làn sóng lây nhiễm mới với chủng Delta, khiến giới đầu tư có khuynh hướng chạy vào lại các tài sản trú ẩn rủi ro như đô la Mỹ, khi lo ngại sự mở cửa của nền kinh tế có thể lại tạm ngừng.
Cộng thêm việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp gần nhất tuyên bố có thể tăng lãi suất sớm hơn từ năm 2023, cũng như đang thảo luận phương án thu hẹp chương trình mua tài sản, càng làm tăng sức hút của đô la Mỹ.
Tuy nhiên, giá giao dịch đô la Mỹ tại các ngân hàng lẫn trên thị trường tự do lại đang biến động theo chiều ngược lại. Theo đó, giá niêm yết tại các ngân hàng đang hướng đến tháng thứ 4 đi xuống liên tiếp, với tổng mức giảm đã lên tới 150-160 đồng, giá mua bán trên thị trường tự do cũng đã giảm mạnh xấp xỉ 150 đồng chỉ tính riêng từ đầu tháng 7 đến nay, gần như xóa sạch mức tăng đạt được trong tháng 6 và hiện cũng đã rớt thấp hơn tỷ giá trung tâm.
Sự ngược chiều này gây ra khá nhiều bất ngờ, nhất là khi nhìn vào nguồn cung ngoại tệ thời gian qua có dấu hiệu suy yếu. Sau khi nhập siêu hơn 2 tỉ đô la Mỹ trong tháng 5, tháng 6 tiếp tục chứng kiến cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 1 tỉ đô la Mỹ, đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp nhập siêu, nâng mức nhập siêu lũy kế sáu tháng lên 1,47 tỉ đô la Mỹ. Ngoài ra, nhập siêu dịch vụ trong sáu tháng đầu năm nay cũng lên đến 7,7 tỉ đô la Mỹ.
Ở hoạt động đầu tư, dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam cũng đang cho tín hiệu chững lại khi dịch bệnh bùng phát trong nước trong gần ba tháng qua. Thống kê cho thấy tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20-6-2021, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, đạt gần 15,27 tỉ đô la Mỹ, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng lưu ý là trong tháng 7 này cũng chứng kiến một lượng lớn đô la Mỹ bị rút ra khỏi thị trường, khi các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn sáu tháng mà các ngân hàng thương mại ký với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) hồi đầu năm nay bắt đầu đáo hạn dần, với giá trị lên đến 7-8 tỉ đô la Mỹ nếu không bị hủy ngang. Với lượng ngoại tệ bị rút ra như thế cộng thêm nguồn cung suy giảm từ hoạt động thương mại và đầu tư nước ngoài, việc tỷ giá trên thị trường tự do giảm mạnh cho thấy thị trường ngoại hối dường như không mấy chịu áp lực.
Áp lực những tháng cuối năm
Việc tiền đồng tăng giá mạnh trong những ngày gần đây trên thị trường phi chính thức có lẽ còn chịu tác động bởi thông tin Việt Nam và Mỹ đã đạt được thỏa thuận về hoạt động tiền tệ của Việt Nam. Cụ thể, theo thông cáo của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, thỏa thuận mới đây giữa Bộ Tài chính Mỹ và NHNN đã cung cấp một giải pháp thỏa đáng cho vấn đề được điều tra, do đó hiện chưa cần có hành động thương mại đối với Việt Nam. Đó là kết quả từ cuộc gặp trực tuyến giữa Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen với Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng hôm 19-7.
Theo tuyên bố chung sau cuộc gặp, hai bên cho biết tâm điểm của khung chính sách tiền tệ của NHNN nhằm thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Cần nhắc lại rằng dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, Bộ Tài chính Mỹ từng đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, cáo buộc này đã được gỡ bỏ vào tháng 4-2021 sau khi ông Joe Biden đắc cử tổng thống, khi cho rằng không có đủ bằng chứng để kết luận Việt Nam thao túng tiền tệ. Với thỏa thuận trên, rõ ràng Việt Nam càng dỡ bỏ thêm được mối nguy có thể lại bị cáo buộc thao túng tiền tệ trong tương lai.
Trước đó, hồi đầu tháng 6, NHNN đã bất ngờ giảm mạnh 150 đồng ở giá mua ngoại tệ kỳ hạn sáu tháng, như là một hành động thể hiện thiện chí chủ động tăng giá đồng nội tệ theo diễn biến và nhu cầu thị trường, cho thấy sự can thiệp trên thị trường ngoại hối không nhất thiết chỉ diễn ra một chiều. Ngoài ra, động thái này cũng được cho là hàm ý dự báo xu hướng đi xuống của đô la Mỹ trên thị trường quốc tế sẽ chưa dừng lại, hay nói cách khác là dư địa tăng giá của tiền đồng trong sáu tháng cuối năm vẫn còn.
Tuy nhiên, sự bật tăng lại của chỉ số USD Index trong hơn một tháng qua có thể khiến kịch bản này phải được đánh giá lại, trong đó giới phân tích gần đây cho rằng thị trường ngoại hối có thể biến động mạnh hơn trong thời gian còn lại của năm nay và tiền đồng sẽ chịu áp lực mất giá trở lại.
Ngoài việc cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục chịu áp lực nhập siêu, thì dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, chính sách giãn cách xã hội ngày càng chặt chẽ hơn tại các đầu tàu kinh tế, khiến hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp xuất khẩu chịu nhiều ảnh hưởng, do đó đe dọa lên giá trị kim ngạch xuất khẩu những tháng tới.
Ngược lại, xu hướng giá hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu tăng cao sẽ càng tạo áp lực lên kim ngạch nhập khẩu đầu vào của nền kinh tế. Sự tăng vọt của giá hàng hóa toàn cầu còn gây áp lực lên lạm phát trong nước, mà hệ quả là cũng làm giảm đi sức hấp dẫn của đồng nội tệ, đặc biệt là đặt trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay.
Ngoài ra, thị trường ngoại hối trong nước thời gian tới có thể còn chịu tác động đáng kể từ diễn biến thị trường quốc tế. Với việc các ngân hàng trung ương lớn (NHTƯ) trên thế giới đang thắt chặt chính sách trở lại, dòng vốn đầu tư toàn cầu sẽ có sự đảo lộn là tất yếu. NHTƯ lớn nhất thế giới là Fed dù cho đến nay vẫn đang giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục, nhưng với việc lạm phát hai tháng vừa qua liên tục nằm ở mức cao trên 5%, cách xa mục tiêu 2%, Fed khó có thể tiếp tục bình thản, theo đó một kịch bản khác là tăng lãi suất sớm hơn ngay trong năm sau cũng cần phải dè chừng.
Nếu điều này thật sự xảy ra, hoặc chỉ cần Fed bất ngờ giảm dần quy mô chương trình mua vào trái phiếu sớm hơn dự báo, dòng vốn đầu tư quốc tế sẽ ồ ạt chạy về lại Mỹ kéo theo hiện tượng bán tháo các đồng tiền của các nước khác, tình trạng đã từng diễn ra cách đây tám năm với tên gọi Taper Tantrum.