(KTSG) - Sau khi ghi nhận mức giảm từ trên 25.400 đồng/đô la Mỹ về gần 24.500 đồng/đô la Mỹ trong tháng 9-2024, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng bất ngờ tăng trở lại. Sự biến động này đặt ra câu hỏi, liệu đây có phải là dấu hiệu của một sự đảo chiều trong tỷ giá hay chỉ đơn giản là phản ứng tạm thời?
Áp lực bên ngoài lên tỷ giá đã giảm
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, xung đột địa chính trị lan rộng và gia tăng bất ổn, các quốc gia đã thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ, khiến dòng vốn quay trở lại các quốc gia phát triển. Tại Việt Nam, trong nửa đầu năm 2024, tổng thâm hụt ngoại tệ ròng vượt 7,4 tỉ đô la Mỹ, chủ yếu do các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng cường chuyển lợi nhuận về nước. Đồng thời, các doanh nghiệp và người dân giảm vay nợ nước ngoài và tập trung trả nợ nhằm tránh áp lực từ tỷ giá.
Trong giai đoạn này, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng đã tăng hơn 5% và đạt đỉnh vào khoảng tháng 6-2024, dẫn đến việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện nhiều biện pháp can thiệp như kiểm soát cung tiền, điều chỉnh lãi suất và cuối cùng là bán ngoại tệ trực tiếp ra thị trường. Tình trạng thắt chặt thanh khoản trên thị trường kéo dài đến giữa tháng 9-2024, và chỉ giảm bớt khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Nguyên nhân chính của việc tỷ giá tăng gần đây đến từ việc chỉ số DXY tăng từ gần 100 điểm lên gần 103 điểm trong nửa đầu tháng 10-2024. Mặc dù vậy, xu hướng chính của các nước phát triển vẫn đang là nới lỏng chính sách tiền tệ, do đó áp lực lên tỷ giá không quá lớn...
Trước khi Fed cắt giảm lãi suất, các ngân hàng trung ương ở các nước phát triển đã bắt đầu thực hiện một số biện pháp nới lỏng. Tuy nhiên, chỉ sau khi Feb cắt giảm lãi suất, áp lực lên tỷ giá tại các nước đang phát triển mới thực sự giảm đáng kể. Cụ thể, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã giảm lãi suất 0,25% vào tháng 6-2024, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) giảm 0,25% vào tháng 8-2024, và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) tiếp tục giảm thêm 0,1% vào tháng 7-2024 sau chuỗi giảm trước đó. Ngược lại, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) là ngân hàng duy nhất tăng lãi suất hai lần trong năm 2024 tính đến thời điểm tháng 10-2024, sau thời gian dài duy trì lãi suất âm, với lần tăng gần nhất là vào tháng 7-2024, mức tăng 0,15%, nâng lãi suất cơ bản lên 0,25%.
Hiện nay, làn sóng nới lỏng chính sách tiền tệ trên thế giới đang diễn ra, lãi suất tại các nước phát triển có xu hướng giảm, áp lực lên tỷ giá cũng giảm theo, tạo thêm dư địa cho NHNN thực hiện các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ của mình.
Thanh khoản thị trường bắt đầu dồi dào
Trong bảy tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 5,93%, trong khi tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (cung tiền) chỉ đạt khoảng 2,52%, chưa bằng một nửa so với tăng trưởng tín dụng. Mức cung tiền thấp này giúp kiểm soát tỷ giá và lạm phát nhưng cũng làm chậm tăng trưởng kinh tế.
Nguyên nhân của cung tiền thấp đến từ các yếu tố chính: (1) Sự điều tiết chủ động của NHNN để ổn định tỷ giá và lạm phát; (2) Dòng vốn bị chảy ra nước ngoài do trả nợ, các doanh nghiệp nước ngoài rút vốn; và (3) Không loại trừ khả năng xuất hiện hoạt động đầu cơ vàng, ngoại tệ.
Tuy nhiên, đến tháng 9-2024, tăng trưởng tín dụng và cung tiền đã bắt đầu tăng tốc, đạt lần lượt 8,53% và 5,1% (số liệu ngày 27-9-2024), với cung tiền tăng gấp đôi chỉ trong vòng hai tháng.
Từ khoảng tháng 8-2024, NHNN đã ngừng phát hành tín phiếu, đồng thời lãi suất trên thị trường mở (OMO) giảm liên tiếp hai lần trong tháng 8 và tháng 9, xuống mức 4%/năm. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng giảm mạnh, dao động từ 3,3-3,5%/năm cho kỳ hạn qua đêm đến hai tuần.
Với tăng trưởng GDP trong chín tháng đầu năm 2024 đạt 6,82% và CPI bình quân chỉ khoảng 3,88%, NHNN hiện có nhiều dư địa, nên có thể tiếp tục hạ lãi suất điều hành. Đặc biệt, lãi suất OMO có thể giảm thêm từ 0,25-0,5% trong thời gian tới.
Tỷ giá bất ngờ tăng có đáng lo?
Đầu tháng 10-2024, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng bất ngờ tăng nhẹ khoảng 200 đồng, đưa mức tăng lũy kế từ đầu năm lên gần 2,5%. Điều này đã khiến người dân và doanh nghiệp lo lắng liệu đợt tăng này có kéo dài hay không.
Nguyên nhân chính của việc tỷ giá tăng này đến từ việc chỉ số DXY (chỉ số sức mạnh của đô la Mỹ) tăng từ gần 100 điểm lên gần 103 điểm trong nửa đầu tháng 10-2024. Điều này phản ánh các yếu tố sau đây:
Thứ nhất, lo ngại xung đột leo thang và có thể mở rộng ở khu vực Trung Đông sau khi Iran tấn công Israel. Điều này thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư nắm giữ các ngoại tệ mạnh hơn và đặc biệt là đô la Mỹ.
Thứ hai, Trung Quốc đã công bố gói kích thích kinh tế lớn để hỗ trợ thị trường, bao gồm việc hạ lãi suất, cứu trợ thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán. Điều này sẽ khiến cho đồng nhân dân tệ bị mất giá, khiến đô la Mỹ trở nên có giá trị tương đối hơn thông qua hoạt động kinh doanh chênh lệch giá (arbitrage).
Thứ ba, một số dữ liệu vĩ mô của Mỹ trong tháng 9 tốt hơn kỳ vọng, như số lượng việc làm phi nông nghiệp mới (254.000 so với kỳ vọng 147.000) và tỷ lệ thất nghiệp (4,1% so với 4,2%). Điều này khiến giới đầu tư tin rằng việc giảm lãi suất của Fed có thể diễn ra nhẹ nhàng hơn, làm giảm xác suất về tỷ lệ giảm trong tháng 11 và 12 năm nay.
Cuối cùng, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng của Việt Nam cũng đã giảm, có thể khiến cho chênh lệch lãi suất âm giữa tiền đồng và đô la Mỹ gia tăng.
Mặc dù vậy, xu hướng chính của các nước phát triển vẫn đang là nới lỏng chính sách tiền tệ, do đó áp lực lên tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng không quá lớn, NHNN vẫn đang kiểm soát lãi suất và thanh khoản một cách thận trọng. Các số liệu vĩ mô cũng cho thấy thặng dư thương mại, nguồn vốn FDI, kiều hối, và vay nợ nước ngoài có thể tích cực trong nửa cuối năm nay. Hoạt động chuyển lợi nhuận về nước của các doanh nghiệp FDI, rút vốn từ đầu tư nước ngoài gián tiếp, và trả nợ nước ngoài dự kiến sẽ giảm dần. Vì vậy, có thể nói rằng biến động tỷ giá trong thời gian tới sẽ nằm trong biên độ hẹp và khó có nhiều biến động lớn xảy ra.