Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tỷ giá và hụt thu ngân sách là rủi ro lớn nhất

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tỷ giá và hụt thu ngân sách là rủi ro lớn nhất

Tư Hoàng

Tỷ giá và hụt thu ngân sách là rủi ro lớn nhất
Phát hành TPCP đã có dấu hiệu cải thiện. Ảnh TL.

(TBKTSG Online) – Tỷ giá và thất thu ngân sách là hai thách thức nghiêm trọng nhất được khuyến nghị trong bản báo cáo tháng 7 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia phục vụ phiên họp Chính phủ thường kỳ.

Tỷ giá “bị ảnh hưởng”

Theo báo cáo này, mục tiêu điều hành tỷ giá sẽ bị “ảnh hưởng nhất định”. Báo cáo phân tích, trong nước, cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao; đặc biệt trong bối cảnh sản xuất phục hồi tốt, khu vực doanh nghiệp mở rộng quy mô.

Bên ngoài, triển vọng tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào cuối năm làm tăng xu hướng đảo chiều của dòng vốn gián tiếp ra khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam (mặc dù tác động này tới Việt Nam không lớn); cũng như làm giảm tính hấp dẫn của đồng Việt Nam. Mặt khác, đồng đô la Mỹ tăng giá cũng ảnh hưởng nhất định lên tỷ giá trong nước.

Tuy nhiên, báo cáo cho biết, thị trường ngoại hối tiếp tục duy trì ổn định trong bảy tháng đầu năm 2015, tỷ giá đồng Việt Nam/đô la Mỹ chủ yếu đi ngang trong biên độ 21.805 – 21.815 đồng ăn 1 đô la Mỹ.

Các yếu tố giúp thị trường ngoại hối duy trì sự ổn định bao gồm ba yếu tố.

Thứ nhất, NHNN cho thấy sự nhất quán trong điều hành tỷ giá. Và mức giá bán ra của NHNN 21.820 vẫn giữ vai trò ngưỡng chặn, duy trì sự vững chắc của thị trường;

Thứ hai, cán cân thương mại có sự cải thiện trong nửa cuối tháng 6, cả tháng 6 nhập siêu 140 triệu đô la Mỹ, thấp hơn mức ước tính 700 triệu đô la Mỹ trước đây;

Thứ ba, kiều hối năm 2015 dự kiến lên tới 13 – 14 tỉ đô la Mỹ; vốn FDI giải ngân 6 tháng đầu năm 2015 đạt 6,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 9,6% so với cùng kỳ 2014.

Báo cáo cho biết, hệ thống tài chính ổn định.

Ủy ban nhận xét, thanh khoản của hệ thống tổ chức tính dụng (TCTD) ổn định. Tỷ lệ LDR (cho vay trên vốn huy động) tăng nhẹ từ 83,3% (năm 2014) lên 84,7% (tháng 5/2015). Tiền gửi và vay liên ngân hàng giảm đáng kể so với cuối năm 2014 (giảm 16,83%), do đó tỷ trọng vốn liên ngân hàng/tổng nguồn vốn cũng giảm từ 13,9% (tháng 12/2014) xuống còn 11,5% (tháng 5/2015). Trừ một số ngân hàng đang trong diện tái cơ cấu, cần hỗ trợ thanh khoản, các TCTD khác thanh khoản tương đối ổn định.

Bên cạnh đó, theo Ủy ban, kết quả kinh doanh toàn hệ thống TCTD tương đối khả quan. Tín dụng tăng khá, tính đến ngày 20-7 tăng trưởng tín dụng đạt 7,32% so với cuối năm 2014; mức tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2014 là 3,15%. Thu nhập lãi thuần tăng 14,91%, tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD tăng trích lập dự phòng.

Ủy ban cho biết, nợ xấu có xu hướng giảm. Theo số liệu của NHNN, nợ xấu giảm từ 3,81% (tháng 3-2015) xuống còn 3,15% (tháng 5-2015); nợ xấu sẽ được đưa về dưới 3% trước ngày 01-10-2015.

Ngân sách khó khăn

Ủy ban cho biết, tháng 7-2015, phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) chỉ đạt 34% so với kế hoạch cả năm. Lũy kế 7 tháng phát hành TPCP vẫn thấp so với kế hoạch năm, mặc dù tỷ lệ trúng thầu TPCP trong tháng 7 cải thiện hơn.

Tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu trong tháng 7 tăng lên 63,8%, mức cao nhất kể từ tháng 3-2015. Lãi suất phát hành giữ ở mức cao là 6,4%, 6,7% và 7,65% cho các kỳ hạn tương ứng 5 năm, 10 năm và 15 năm.

Tính từ đầu năm đã phát hành được 86.106,69 tỉ đồng TPCP qua Kho bạc Nhà nước, đạt 34,4% kế hoạch năm với tỷ lệ huy động thành công là 58,4% và kỳ hạn phát hành bình quân đạt 8,48 năm. Đây là kỳ hạn cao nếu so sánh với kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu Chính phủ năm 2014 là 4,95 năm, năm 2013 là 3,21 năm; năm 2012 là 2,97 năm.

Kho bạc Nhà nước (KBNN) cũng vừa ban hành kế hoạch phát hành TPCP quí 3/2015. Theo đó, tổng mức phát hành quí 3/2015 là 60.000 tỉ đồng, trong đó loại trái phiếu có kỳ hạn 5 năm có khối lượng phát hành cao nhất là 30.000 tỉ đồng, tiếp đến là loại trái phiếu 15 năm: 16.000 tỉ đồng, 10 năm: 10.000 tỉ đồng và 20 năm: 4.000 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, KBNN cũng thông báo phát hành TPCP kỳ hạn 20 năm. Lần đầu tiên phát hành TPCP kỳ hạn 20 năm nhằm huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển năm 2015 với tổng mức phát hành khoảng 6.000-7.000 tỉ đồng nhắm đến đối tượng mục tiêu là các công ty bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam, phương thức phát hành là bán lẻ trực tiếp qua KBNN. Thời gian phát hành từ ngày 29-7-2015 đến 31-12-2015. Lãi suất TPCP kỳ hạn 20 năm do Bộ Tài chính thỏa thuận với tổ chức đăng ký mua trái phiếu. (xem thêm: Huy động vốn trái phiếu chính phủ được cải thiện)

Thu ngân sách đến ngày 15-07 đạt 52,3% so với dự toán cả năm 2015, thấp hơn so với cùng kỳ 2014 (57,3%).

Giá dầu giảm (tính đến 15-07, giá dầu thanh toán bình quân 60 đô la Mỹ/thùng, giảm 40 đô la Mỹ/thùng so với giá xây dựng dự toán), là nguyên nhân chính khiến thu ngân sách khó khăn; thu từ dầu thô giảm (-32,5%) so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ thu nội địa tăng khá khá (tăng 15,1% so với cùng kỳ) và dự kiến tiếp tục cải thiện 5 tháng cuối năm, dự báo thu ngân sách đạt dự toán.

Ủy ban cho biết, dự báo tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2015 ở mức 6,4% và cả năm 2015 có khả năng ở mức 6,5%.

Xem thêm:
Ngân sách tìm nguồn vay để chi tiêu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới