(KTSG Online) - Sau hai năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) thực thi, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng chứng nhận xuất xứ ưu đãi theo hiệp định tăng cao. Đáng chú ý, nửa đầu năm nay, tỷ lệ này đã tăng trên 32%, cao hơn gấp 4 lần so với tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong Hiệp định CPTPP.
- Năm đầu thực hiện EVFTA: Vẫn là vấn nạn dư lượng hóa chất
- Trung Quốc đàm phán gia nhập CPTPP: Thách thức từ các nước thành viên
Ngày 1-8 tới đánh dấu tròn 2 năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực.
Hiệp định EVFTA là một trong số ít những hiệp định có tiêu chuẩn rất cao mà Việt Nam đã tham gia trong thời gian vừa qua, với tỷ lệ tự do hóa thuế quan về cơ bản trên 90% trong vòng 7 năm thực hiện.
Trong giai đoạn đầu thực thi, mặc dù bối cảnh quốc tế không hoàn toàn thuận lợi do đại dịch Covid-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu nhưng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn đạt trên 14%.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Âu tiếp tục tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 28,61 tỉ đô la Mỹ. Và ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ khu vực này của Việt Nam đạt 10,46 tỉ đô la, giảm 3%.
Đánh giá kết quả này, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng đây là tỷ lệ khá trong bối cảnh khó khăn, đặc biệt do năm đầu tiên thực hiện hiệp định biên độ ưu đãi, mức độ thuế quan được cắt giảm mà Việt Nam được hưởng còn chưa lớn, nhưng ngay năm đầu tiên đã có bước tăng trưởng.
Đây cũng là một trong những hiệp định có tỷ lệ tận dụng ưu đãi cao nhất so với những hiệp định khác trong năm đầu tiên thực thi. Sang năm thứ hai, tỷ lệ tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp Việt Nam thông qua giấy chứng nhận xuất xứ mà doanh nghiệp được cấp để tận hưởng ưu đãi khi hàng hóa đi vào EU khá cao.
Theo vụ này, 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ này đã có tốc độ tăng cao, lên đến trên 32%, cao hơn khoảng hơn 4 lần so với tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong Hiệp định CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương).
Theo ngành hàng, trong năm đầu tiên thực thi, mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU tăng nhưng hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU lại giảm, ví dụ như mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện (giảm 27,9% so với năm 2020), hàng dệt may (giảm 15,2% so với năm 2020) và giày dép các loại (giảm 11,3%).
Tuy nhiên, sang năm thực thi thứ hai, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam đã phục hồi và gia tăng đáng kể, với hàng dệt may tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước, gạo tăng 42,9%, hạt tiêu tăng 81,3%, thuỷ sản tăng 22,7%, máy móc thiết bị phụ tùng tăng 20,9%...
Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất là điện thoại các loại và linh kiện, máy tính và linh kiện, máy móc thiết bị phụ tùng, hàng dệt may, sắt theo các loại và sản phẩm từ sắt thép. Các mặt hàng có tốc độ tăng trưởng lớn nhất là sắt thép và sản phẩm từ sắt thép (147%), hạt tiêu (81,3%), cà phê (62,7%), gạo (42,9%), hải sản (22,7%).
Để đẩy nhanh thực thi EVFTA hiệu quả, lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên lưu ý, hiện nay, thị trường EU đang có xu hướng dịch chuyển rất mạnh mẽ sang tiêu dùng hàng hóa xanh, sạch và đáp ứng tiêu chuẩn về lao động, về môi trường… tức là họ không chỉ đơn thuần yêu cầu về giá cả, chất lượng mà còn quan tâm đến quy trình sản xuất hàng hóa đó như thế nào. Do đó, doanh nghiệp cần đón đầu xu hướng này, nếu như thành công theo xu hướng này, giá trị thu được trong quá trình xuất khẩu sang EU sẽ lớn hơn rất nhiều.
Ngoài ra, EU là thị trường cơ bản rất khó tính với nhiều yêu cầu về kỹ thuật, kiểm dịch động thực vật, thậm chí có cả những tiêu chuẩn doanh nghiệp tự đặt ra. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần có những chuyển đổi mô hình, để đáp ứng tốt nhất thị hiếu ở thị trường EU, từ đó khai thác một cách có hiệu quả, lâu dài và bền vững.