Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc đàm phán gia nhập CPTPP: Thách thức từ các nước thành viên

Dương Văn Học (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Ngoài thách thức từ trong các quy định thực chất của CPTPP, bối cảnh quan hệ kinh tế hiện tại cũng là một thách thức không nhỏ với Trung Quốc.

Trung Quốc đã nộp đơn gia nhập CPTPP. Nguồn: asia.nikkei.com

Ngày 16-9-2021, các kênh truyền thông quốc tế đưa tin Trung Quốc đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Cần nhớ nguyên tắc bỏ phiếu của CPTPP là đồng thuận – tức là các quyết định của CPTPP sẽ không được thông qua nếu có một nước thành viên nào đó bỏ phiếu chống. Hay nói cách khác, bất kỳ “xích mích” nào với một nước thành viên cũng có thể khiến cho con đường gia nhập CPTPP của Trung Quốc bị đứt đoạn. Trước tiên là đơn xin gia nhập của Trung Quốc phải được xem xét thông qua. Các nước thành viên sẽ thảo luận xem liệu có đủ tự tin với “năng lực” của Trung Quốc đối với các cam kết của CPTPP.

Giả sử Trung Quốc “đạt” được bước đi tiên khởi này, quá trình trao đổi, đàm phán với các nước thành viên CPTPP để “may” tấm áo mang tên CPTPP riêng cho Trung Quốc sẽ bắt đầu. Điều này có nghĩa, giống như cam kết gia nhập của Trung Quốc khi vào WTO (2001), ngoài các luật lệ mang tính khung nền ghi hẳn hoi trong CPTPP, các nước thành viên sẽ có đặc quyền đàm phán các cam kết riêng với Trung Quốc mà ở đó họ sẽ đưa ra những đòi hỏi mang đậm màu sắc lợi ích quốc gia.

Ở đây có thể là yêu cầu cao hơn CPTPP về hội nhập kinh tế và can thiệp chính phủ, hay cũng có thể là những yêu cầu nhằm “khóa tay” Trung Quốc trong không gian chính sách của mình như trường hợp cam kết về thuế xuất khẩu hay quy chế kinh tế thị trường trong Văn kiện gia nhập WTO của nước này.

Nếu cho rằng ngay cả những quy định khung nền của CPTPP đã là quá sức với Trung Quốc, thì các đòi hỏi “riêng và sâu” dạng này giống như thêm rào chắn, làm cho cơ hội gia nhập của Trung Quốc càng gần về số 0 hơn.

Ngoài ra, bối cảnh quan hệ kinh tế hiện tại giữa Trung Quốc và một số nước thành viên cũng không thuận lợi cho bước đi CPTPP này của Trung Quốc. Có thể kể hai nút thắt lớn từ phía các nước thành viên CPTPP trong bối cảnh hiện tại.

Đầu tiên là quan hệ kinh tế song phương đang ngày càng xấu đi giữa Trung Quốc và Úc. Vài năm gần đây, các tranh cãi thương mại giữa hai nước diễn ra thường xuyên khi Úc cho rằng Trung Quốc lợi dụng sức mạnh kinh tế để gây sức ép (Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Úc).

Gần đây nhất là Úc khởi kiện Trung Quốc lên WTO về việc nước này áp thuế chống bán phá giá lên các mặt hàng như rượu vang, trái cây, thịt bò… trị giá thương mại gần 20 tỉ đô la Mỹ. Sản phẩm nông nghiệp trong thương mại quốc tế luôn có sức nặng kinh tế – chính trị trong nước rất lớn, điều minh chứng là các đàm phán về trợ cấp nông nghiệp ở WTO hay ở bất cứ thỏa thuận thương mại nào, hoặc là chung chung mang tính ngoại giao nhiều hơn pháp lý, hoặc được liệt vào “chủ đề nhạy cảm”.

Có nguồn tin là Chính phủ Úc sẽ đòi hỏi Trung Quốc phải giải quyết bất đồng trước mắt này trước khi tính đến một vé vào CPTPP. Thêm nữa là vấn đề an ninh dữ liệu và đầu tư nước ngoài từ phía Trung Quốc mà nước Úc đang đề phòng.

Mất đi niềm tin, dù ở bất kỳ khía cạnh nào, thì mục tiêu hội nhập chính sách kinh tế được xem là tiến bộ của CPTPP coi như khó đạt được. Và cũng lưu ý rằng, sau đúng một ngày Trung Quốc thông báo nộp đơn xin gia nhập CPTPP (17-9-2021) thì Úc và Mỹ đã ra Tuyên bố Tham vấn chung, trong đó hai nước bày tỏ phản đối với các biện pháp cưỡng ép gây ảnh hưởng đến trật tự thương mại quốc tế dựa theo luật lệ. Không nghi ngờ gì, đối tượng được nhắm đến ở đây là Trung Quốc.

Tiếp theo là Mexico và Canada – hai nước thành viên trong Hiệp định thương mại tự do Mỹ, Mexico và Canada – USMCA (có hiệu lực vào tháng 7-2020). Đây là hiệp định thương mại tự do phiên bản 2.0 của NAFTA mà ba nước này đã ký kết năm 1992.

Mỹ đã cho thấy mình luôn là bậc thầy trong thiết kế luật chơi và cả điều khiển cuộc chơi. Điều 32.10 của hiệp định thương mại này nói về cách ứng xử khi một nước thành viên đàm phán, ký kết một hiệp định thương mại nào đó với một nước không phải là nền kinh tế thị trường, dĩ nhiên là ám chỉ Trung Quốc.

Khi đó, Mỹ có quyền đình chỉ Hiệp định USMCA nếu Mexico hay Canada đồng ý cho Trung Quốc gia nhập CPTPP. Tuy cũng có chuyên gia nghi ngờ hiệu quả của điều khoản này, nhưng với giấy trắng mực đen rõ ràng như thế thì đây có vẻ là áp lực khó có thể vượt qua đối với hai nước thành viên CPTPP này.

Có chuyên gia cho rằng đây là bước đi mang tính biểu tượng từ phía Trung Quốc để lấp chỗ trống từ Mỹ, một bước “đi tiên” để vô hiệu hóa mong muốn gia nhập CPTPP của Đài Loan. Cũng là một bước đi mà Trung Quốc muốn thể hiện mình là tôn trọng “luật chơi” đa phương, đối lập với các chính sách đơn phương mang màu sắc dọa dẫm của Mỹ hiện tại. Nhưng dù tính toán gì đi chăng nữa, con đường đến CPTPP của Trung Quốc dường như là vô định.

(*) Khoa Luật, trường Đại học Cần Thơ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới