(KTSG Online) - Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Việt Nam nằm trong quốc gia có tỷ lệ lao động thất nghiệp thấp. Theo đó, tỷ lệ lao động tham gia vào thị trường đạt 68,7%, tỷ lệ thất nghiệp đến thời điểm này chỉ 2,28%.
- Doanh nghiệp ở nước ngoài sử dụng lao động tại Việt Nam: Các vấn đề pháp lý cần nắm
- Nâng kỹ năng nghề cho 50% lực lượng lao động
Website của Bộ LĐ-TB&XH dẫn lời Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn 6 tháng so với dự báo các tổ chức quốc tế. Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp.
Trong đó, thị trường lao động đạt quy mô 51,9 triệu người (tăng 2,8 triệu người so với cùng kỳ). Tỷ lệ lao động tham gia vào thị trường đạt 68.7% và tỷ lệ thất nghiệp đến thời điểm này chỉ 2,28%. So sánh với Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp hiện tại là 3,5%.
Công tác giáo dục nghề nghiệp có chuyển biến tích cực cả quy mô và chất lượng. Tỷ lệ người học nghề và kỹ năng nghề của lao động được cải thiện đáng kể. Chất lượng đào tạo được nâng lên.
Theo đó, tỷ lệ người lao động làm việc phù hợp với ngành nghề đào tạo tăng lên. Lao động Việt tham gia vào nhiều khâu quản lý tại các doanh nghiệp FDI, đảm nhận nhiều vị trí, việc làm phức tạp mà trước đây đều phải do chuyên gia nước ngoài phụ trách. Đặc biệt là trong các lĩnh vực cơ điện tử, hàn, viễn thông, dầu khí…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thêm, tại cuộc thi tay nghề thế giới tổ chức tại Đức với gần 100 quốc gia tham gia, Việt Nam lần đầu giành được 2 huy chương bạc. Đó là thành tích tốt nhất từ trước đến nay của Việt Nam.
Tuy nhiên, ông cũng nêu ra những điểm còn hạn chế trong lĩnh vực lao động và giáo dục nghề nghiệp năm qua như Việt Nam đang thiếu lao động cục bộ. Nhất là lao động chất lượng cao dẫn đến năng suất lao động chưa cao. Lao động khu vực phi chính thức còn chiếm tỷ lệ cao, dịch chuyển lao động còn thấp. Kết quả giảm nghèo năm 2022 tuy đạt chỉ tiêu nhưng ở mức thấp nhất trong những năm qua.
Ngoài ra, vài cơ quan quản lý nhà nước còn vướng mắc với việc công nhận học sinh cấp 2, cấp 3 trong các trường nghề. Theo thống kê, cả nước có 63 địa phương tiến hành cho các trường nghề dạy văn hóa, 625 trường nghề vừa tổ chức vừa học nghề vừa học văn hóa, có trên 400.000 học sinh đang theo học chương trình như vậy. Vừa học nghề vừa học văn hóa được xác định là việc phù hợp với luật Giáo dục và được Bộ GD-ĐT áp dụng nhiều năm qua.
Mục tiêu đề ra là tiếp cận với phương thức đào tạo chất lượng cao của các nền kinh tế phát triển như Đức, Nhật Bản, Úc; và Việt Nam sẽ vào danh sách ASEAN 4 về trường đào tạo nghề đạt chuẩn quốc tế.
Định hướng được nêu ra là thực hiện đào tạo kép, áp dụng cơ chế nhà nước và người học cùng tham gia, mỗi doanh nghiệp quy mô lớn sẽ là một trường thực hành. Bên cạnh đó, nâng cao tỷ lệ lao động có chứng chỉ, bằng cấp, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo nghề nghiệp, nhất là kỹ năng nghề.
Theo Bộ LĐ-TB&XH