Thứ tư, 25/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tỷ lệ nợ công của Việt Nam giảm hơn 19% sau 6 năm

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tỷ lệ nợ công của Việt Nam bằng 43,1% GDP tính tới cuối năm 2021, giảm 19,1% so với thời điểm cuối năm 2016 và thấp hơn nhiều so với mức trần dưới 60% GDP do Quốc hội giao.

Tại tin nợ công số 14, Bộ Tài chính cho biết tỷ lệ nợ công/GDP có xu hướng giảm trong 6 năm qua, từ mức 62,2% năm 2016 về 43,1% GDP năm 2021. Với quy mô GDP năm 2021 là 368 tỉ đô la Mỹ, mức nợ công của Việt Nam năm 2021 tương đương 157 tỉ đô la.

Nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương cũng đang giảm. Cụ thể, nợ Chính phủ giảm từ 51,7% GDP năm 2017 xuống còn 39,1% GDP năm 2021, tương đương gần 144 tỉ đô la. Nợ Chính phủ bảo lãnh giảm từ 9,1% GDP năm 2017 xuống còn 3,8% GDP năm 2021, tức gần 14 tỉ đô la. Nợ chính quyền địa phương giảm từ 1,1% GDP năm 2017 xuống còn 0,6% năm 2021.

Còn nợ nước ngoài của quốc gia giảm từ 49% GDP năm 2017 xuống còn 38,4% năm 2021.

Nợ công năm 2022 của Việt Nam dự kiến tiếp tục giảm nhờ biến động tỷ giá. Ảnh minh hoạ: TTXVN.

Về cơ cấu nợ, nợ vay trong nước lại tăng đáng kể, chiếm 67,2% dư nợ Chính phủ, tương đương 2,2 triệu tỉ đồng đến hết 2021, còn nợ nước ngoài có xu hướng giảm dần.

Lý giải xu hướng này vào thời điểm đầu năm 2020, ông Đinh Tiến Dũng, khi đó là Bộ trưởng Bộ Tài chính, cho biết ngành đã cơ cấu lại danh mục nợ Chính phủ theo hướng huy động nguồn vốn vay qua hoạt động phát hành trái phiếu tại thị trường vốn trong nước và các khoản vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Điều này giúp dịch chuyển cơ cấu vay theo hướng tăng vay trong nước để giảm rủi ro tỷ giá.

Cụ thể, tỷ trọng vay nước ngoài chiếm hơn 61% dư nợ Chính phủ năm 2011, nhưng tới năm 2019 thì tỷ trọng vay trong nước lên tới 62,3% tổng dư nợ của Chính phủ.

Kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) trong nước bình quân giai đoạn 2012-2015 khoảng trên 4 năm, thì từ đầu năm đến nay bình quân là 13,44 năm, đã phát hành được trái phiếu kỳ hạn 20 - 30 năm. Kỳ hạn còn lại danh mục nợ TPCP, nếu như trước kia bình quân trên 3 năm thì nay xấp xỉ đạt 7,42 năm.

Ngoài ra, lãi suất vay đã giảm sâu, từ mức 12-13% một năm trong giai đoạn 2011-2013 xuống mức 4,51% trong bình quân 12 tháng đầu năm 2019.

Những yếu tố này, theo ông Dũng, đã giúp áp lực vay đảo nợ giảm mạnh.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng hạn chế tối đa cấp bảo lãnh, tăng vay về cho vay lại và rà soát các hiệp định đảm bảo đúng quy định.

Về nghĩa vụ trả nợ, nghĩa vụ trả nước ngoài của quốc gia và trả nợ của Chính phủ lại tăng nhẹ, lần lượt tương ứng 6,8% tổng kim ngạch xuất khẩu và 21,8% thu ngân sách năm 2021.

Về chủ nợ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức là các chủ nợ song phương lớn nhất của Việt Nam. Đến 2021, Nhật Bản cho Việt Nam vay hơn 316.000 tỉ đồng, Hàn Quốc cho vay hơn 32.000 tỉ đồng, Pháp cho vay 30.000 tỉ đồng.

Đứng đầu danh sách trong số đối tác đa phương cho Việt Nam vay nhiều nhất là Ngân hàng Thế giới (WB) với 380.000 tỉ đồng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với hơn 188.000 tỉ đồng.

Với năm 2022, Chính phủ dự kiến vay tối đa 673.546 tỉ đồng, tương đương gần 29,3 tỉ đô la, theo kế hoạch vay và trả nợ công 2022 được Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký ngày 13-4. Mức vay này tăng hơn 159.240 tỉ đồng so với 2021.

96% khoản vay này dùng để cân đối cho ngân sách trung ương, tương ứng 646.849 tỉ đồng. Khoản vay về cho vay lại là 26.697 tỉ đồng.

Nguồn huy động vốn vay chủ yếu từ phát hành trái phiếu chính phủ, vay ODA, ưu đãi nước ngoài. Trường hợp cần thiết sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép phát hành bằng ngoại tệ hoặc phát hành trái phiếu chính phủ trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước.

Về trả nợ, Chính phủ sẽ trả khoảng 335.815 tỉ đồng trong năm nay, tương đương gần 14,6 tỉ đô la. So với năm 2021 thì mức trả nợ năm nay thấp hơn khoảng 30.117 tỉ đồng.

Trong đó, khoản nợ trực tiếp Chính phủ là 299.849 tỉ đồng, trả cho các dự án cho vay lại 35.966 tỉ đồng.

Với giai đoạn 2022-2024, Chính phủ dự kiến vay hơn 2 triệu tỉ đồng. 96% trong số này là vay cho ngân sách trung ương, còn lại là vay về cho vay lại.

Tổng trả nợ Chính phủ 3 năm tới hơn 1,1 triệu tỉ đồng, gồm trả nợ trực tiếp 971.000 tỉ đồng và nợ vay lại 145.000 tỉ đồng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới