(KTSG Online) - Ngân hàng Nhà nước lưu ý về tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng so với cùng kỳ năm trước, từ mức 1,53% tại thời điểm tháng 6-2022 đến tháng 6-2023 đã tăng lên 2,47%.
- Tiềm ẩn rủi ro nợ xấu bất động sản khi hàng ngàn tỉ trái phiếu đáo hạn
- Nợ xấu bất động sản chiếm 18,4% tổng nợ xấu toàn hệ thống
TTXVN dẫn thông tin tại hội thảo về tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng 22-8 tại Hà Nội cho biết, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước.
Tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 20% so với tín dụng chung, khi tín dụng bất động sản tăng cao sẽ kéo theo tín dụng toàn hệ thống tăng. Tuy nhiên, hiện tín dụng bất động sản tăng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung.
Dư nợ kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng trưởng 17,41%, vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%) nhưng dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản chiếm đến 65% dư nợ tín dụng bất động sản lại giảm 1,12%. Đây là năm đầu tiên xuất hiện xu hướng giảm trong ba năm gần đây.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng lưu ý về tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cùng kỳ năm trước. Nợ xấu trong tháng 6-2022 là 1,53% đến tháng 6-2023 đã tăng lên mức 2,47%.
Tính đến hết tháng 7-2023, tín dụng toàn hệ thống tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, đạt khoảng 12,47 triệu tỉ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022. Tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm nay cũng thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (khoảng 9,54%), thậm chí chưa đạt được một nửa tăng trưởng năm ngoái. Trong khi đó, định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay lên tới 14-15%.
Đáng chú ý, theo công bố trước đó, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 4, tháng 5, tháng 6 đạt lần lượt 3,03% - 3,27% - 4,73%. Như vậy, sau khi có sự hồi phục tích cực trong tháng Sáu, tín dụng lại bất ngờ chững lại, thậm chí là tăng trưởng âm trong tháng Bảy.
Bàn luận về vấn đề nợ xấu hiện tại chúng ta hẫy xét khía cạnh chữa bệnh trong y học khi cơ thể người bệnh quá yếu thì các y bác sĩ phải cho tẩm bổ để nâng thể trạng trước lúc sử dụng thuốc tấn công vi trùng, mặc dù biết là tẩm bổ cũng sẽ làm cho vi trùng mạnh thêm nhưng nếu chẳng làm thế thì sao cứu người !!! Cũng vậy khi kinh tế đang lúc suy thoái với nhiều hệ luỵ phát sinh nhìn đâu cũng thấy yếu kém, khuyết điểm để chỉnh sữa.., nhưng điều quan trọng phải lấy đại cục làm trọng phải lấy sự sống còn của kinh tế vĩ mô là trọng yếu nên các giải pháp tiền tệ phải nới lỏng để tạo sức hồi sinh, khi đã đủ mạnh thì lúc đó áp dụng từng bước các tiêu chuẩn kiểm soát đưa nó trở về quĩ đạo an toàn cần thiết. Vì vậy không nên nhìn sai phương hướng trọng tâm và áp dụng sai phương pháp, đường lối sẽ dẫn đến hệ quả xấu cho kinh tế còn to lớn hơn vấn đề nợ xấu tăng lên lúc này, thế thôi !