(KTSG) - Ứng dụng AI trong khu vực công không chỉ đơn thuần là vấn đề công nghệ, mà còn đòi hỏi sự xem xét kỹ lưỡng các vấn đề về đạo đức, xã hội, tự do, pháp quyền. Việc sử dụng AI một cách thông minh, có trách nhiệm sẽ giúp tận dụng được tiềm năng của AI, tạo ra một khu vực công hiệu quả, công bằng, minh bạch.
Hội thảo về tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong khu vực công ở Việt Nam diễn ra đúng thời điểm lũ lụt tràn về nhiều tỉnh miền núi phía Bắc. Thật tình cờ mà dễ hiểu, các diễn giả đều nhắc đến vụ sạt lở đất trong chớp mắt đã xóa sổ Làng Nủ ở Lào Cai, khiến hàng chục người thiệt mạng, hàng chục người mất tích.
Trước đó, một nghiên cứu ở Việt Nam đã tìm ra cách ứng dụng AI để nhận biết, cảnh báo nguy cơ sạt lở đất; nếu được triển khai trên thực tế sớm hơn, chính quyền địa phương có thể biết trước nguy cơ và có biện pháp di dời dân làng đến nơi an toàn. Đây chỉ là một ví dụ trong nhiều tiềm năng của AI có thể được ứng dụng trong khu vực công để nâng cao hiệu quả, cải thiện dịch vụ, hỗ trợ quá trình ra quyết định.
Tuy nhiên, AI cũng đặt ra những thách thức, tiềm ẩn rủi ro cần phải được xem xét cẩn trọng. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là tận dụng thế mạnh, đồng thời giảm thiểu rủi ro của AI để có một khu vực công hiệu quả, trách nhiệm, công bằng hơn.
Tiềm năng của AI đối với khu vực công
Một trong những lợi ích lớn nhất của AI là khả năng tự động hóa các nhiệm vụ lặp đi lặp lại như xử lý hồ sơ, cấp phép, dịch vụ công trực tuyến. Ví dụ, chatbot/trợ lý ảo đang được sử dụng ở nhiều nước để trả lời câu hỏi của người dân, hỗ trợ các dịch vụ trực tuyến, sắp xếp cuộc hẹn, xử lý đơn từ. Các hệ thống AI có thể tự động hóa việc rà soát, tra cứu thông tin pháp lý, lịch sử lập pháp, tổng hợp ý kiến từ công chúng cho các nghị sĩ. Một số địa phương ở Việt Nam ứng dụng AI để hỗ trợ cán bộ, công chức sắp xếp, hệ thống hóa, xử lý hồ sơ công việc. Nhờ đó, nghị sĩ, công chức có thể tập trung vào các nhiệm vụ phức tạp và có giá trị cao hơn; tiến độ công việc nhanh hơn, tiết kiệm chi phí, thời gian đáng kể.
Chính quyền cần có câu trả lời về những vấn đề cụ thể như: lắp bao nhiêu camera công cộng là đủ (tức là có thêm nữa thì cũng không có ích), ở những vị trí nào, để vừa đạt mức an toàn, vừa không xâm phạm sự riêng tư của người dân; ai có quyền truy cập dữ liệu, dữ liệu được lưu trữ bao lâu, sau bao lâu phải xóa. Chỉ được phân tích dữ liệu thu thập được sau khi đã ẩn danh, hoặc dữ liệu dưới dạng mã hóa.
Các chính phủ sử dụng AI để phân tích, hỗ trợ hoạch định chính sách sát nhu cầu hơn. Ví dụ, trong lĩnh vực y tế công cộng, AI giúp các cơ quan quản lý y tế dự đoán dịch bệnh bằng cách phân tích dữ liệu từ các bệnh viện và các nguồn khác, cho phép can thiệp kịp thời hơn.
AI giúp dự báo, cảnh báo sớm thảm họa; xác định mức độ nghiêm trọng, phạm vi của lũ lụt, sạt lở đất, cháy rừng ngay khi chúng phát sinh để ứng phó hiệu quả; giúp điều phối nguồn lực cứu hộ, cứu trợ; đánh giá thiệt hại và phục hồi sau thảm họa hiệu quả hơn.
AI giúp chính quyền cung cấp các dịch vụ công tốt hơn, từ giao thông đến quản lý chất thải, môi trường, giám sát ô nhiễm. Chẳng hạn, hệ thống bảo trì dựa trên AI giúp chính quyền xác định các vấn đề rủi ro tiềm ẩn của các công trình cơ sở hạ tầng để khắc phục trước khi chúng bị hư hỏng nặng, đòi hỏi sửa chữa tốn kém. Như ở Việt Nam, một số địa phương đã đưa AI vào hệ thống camera giao thông để giúp theo dõi, chống ùn tắc, điều hành tốt hơn.
Tòa án và các cơ quan thực thi pháp luật ở nhiều nước đang tận dụng AI để đẩy nhanh quá trình xử lý hồ sơ. Các công cụ được tích hợp AI có thể xem xét tài liệu pháp lý, xác định các án lệ liên quan và hỗ trợ thẩm phán đưa ra quyết định chính xác hơn. Ở Việt Nam, trợ lý ảo đã hỗ trợ gần 15.000 cán bộ, công chức ngành tòa án tìm kiếm nội dung văn bản pháp luật, bản án; hướng dẫn, giải đáp pháp luật và các tình huống pháp lý cụ thể; lập kế hoạch giải quyết vụ án, quản lý công việc, tạo các văn bản tố tụng; mã hóa, công bố bản án. Trợ lý ảo đã giúp các thẩm phán giảm 30% khối lượng công việc hành chính so với phương pháp truyền thống.
Các mô hình dự đoán tội phạm dùng AI có thể giúp ngăn chặn tội phạm và cải thiện trật tự, an toàn công cộng. AI cũng được sử dụng để phát hiện các hoạt động gian lận trong thu thuế, phân phối phúc lợi xã hội, mua sắm công. AI giúp đánh giá điều kiện tham gia các chương trình phúc lợi và đảm bảo rằng tài nguyên được phân phối công bằng. Trên phương diện này, AI có thể giúp tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, đảm bảo sử dụng hiệu quả tiền thuế của người dân.
AI trong khu vực công: đang thiếu những gì?
Đối với những nước như Việt Nam, để biến các tiềm năng nói trên của AI đối với khu vực công thành hiện thực thì còn nhiều thách thức tiềm ẩn ngay trong AI và vướng mắc, khó khăn từ phía các cơ quan nhà nước.
Từ phía AI, sự phức tạp của luật, văn bản hành chính, bản án về cấu trúc, ngôn ngữ, phong cách, kiến thức chuyên môn dễ làm cho AI rối trí, sai lệch. Trên thế giới, “nhà soạn thảo AI” vẫn mắc nhiều lỗi về cấu trúc, kỹ thuật lập pháp, thiếu tính hệ thống, tính toàn diện. Còn ở Việt Nam, một trợ lý ảo dựa trên AI được thiết kế nhằm hỗ trợ cơ quan nhà nước rà soát văn bản quy phạm pháp luật, nhưng lại chưa làm được việc này, văn bản nào cũng bị “nó” coi là trái Hiến pháp.
Các hệ thống AI được huấn luyện từ dữ liệu có thể phản ánh sự thiên kiến trong xã hội về giới, chủng tộc, giàu - nghèo. Ví dụ, AI sử dụng trong dự đoán tội phạm có thể cho ra thông tin thiếu công bằng đối với các cộng đồng thiểu số dựa trên dữ liệu thiên lệch. Đồng thời, nếu không có các biện pháp bảo vệ thích hợp, ứng dụng AI trong khu vực công có thể dẫn đến vi phạm quyền riêng tư nghiêm trọng. Hơn nữa, nhiều hệ thống AI hoạt động như “hộp đen”, không rõ các quá trình ra quyết định, làm cho cả cơ quan chính phủ và người dân không hoàn toàn tin tưởng hoặc hiểu được lý do đằng sau các quyết định do AI đưa ra.
AI vẫn không thể thay thế con người khi cần đưa ra những nhận định đạo đức, hoặc xử lý các vấn đề xã hội phức tạp, đòi hỏi sự mặc cả, thương lượng, đánh đổi. AI không thể đưa ra các quyết định về các giá trị như công bằng, bình đẳng, dân chủ, hay pháp quyền vốn đòi hỏi phải xem xét bối cảnh xã hội, văn hóa, và chính trị. Đồng thời, AI không thể đánh giá hay phản ứng khi cần sự đồng cảm, lòng trắc ẩn, cảm xúc, tương tác trực tiếp, mang tính chất nhân văn với người dân. AI có thể chỉ trong vài phút cho ra hàng loạt dữ liệu về đất đai, về rừng, về lũ lụt. Nhưng liệu AI có đau, có khóc được trước những nỗi đau của đất mẹ, của đồng bào?
Từ phía khu vực công, một trở ngại không nhỏ hiện nay ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, là việc soạn thảo, tham vấn, xem xét, đánh giá các dự luật, các văn bản hành chính chủ yếu vẫn thủ công, mất nhiều thời gian, công sức nhưng cũng không đảm bảo tính toàn diện, sự chính xác. Muốn ứng dụng AI, phải đầu tư kinh phí khổng lồ để xây dựng cơ sở dữ liệu lớn; chuyển đổi quy trình truyền thống sang quy trình dựa trên các nền tảng công nghệ số hiện đại. Trong khi đó, ở Việt Nam, các cơ sở dữ liệu luật và những cơ sở dữ liệu khác về dân cư, đất đai, y tế, giáo dục, hộ tịch còn rời rạc, chưa được kết nối, chia sẻ chặt chẽ.
Thách thức lớn là các nhà lập pháp, quan chức hành chính, thẩm phán thậm chí còn hiểu biết rất ít về AI. Như chia sẻ của hạ nghị sĩ Mỹ Jay Obernolte: “Quý vị sẽ ngạc nhiên khi biết tôi đã phải mất nhiều thời gian chỉ để giải thích với các đồng nghiệp của mình rằng mối nguy hiểm chính của AI không phải như những con robot độc ác với tia laze đỏ phát ra từ mắt”. Ngay cả ở Mỹ, một quốc gia đi đầu về công nghệ còn như vậy, thì dễ hiểu khi hiểu biết về AI của khu vực công ở những nước như Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Một vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều là nguy cơ lạm dụng AI, xâm phạm phẩm giá, quyền con người, coi con người là máy móc như dùng AI để theo dõi, chấm điểm công dân. Đồng thời, như Giáo sư Phan Dương Hiệu nhận xét, đó là một sự đánh giá “nghèo nàn và nguy hiểm”, “đưa cái phong phú đa dạng của cuộc sống cho vừa khuôn của một bộ quy tắc”.
Không chậm trễ trong cuộc chơi này
Dù sao chăng nữa, với những lợi ích mang lại, việc ứng dụng AI trong khu vực công là điều hiển nhiên; “chúng ta không thể chậm trễ trong cuộc chơi này”. Nhưng muốn vậy, trước hết cần hiểu mình, hiểu AI. Hiểu mình tức là rà soát tổng thể khu vực công và từng cơ quan đang phải làm gì, và đối chiếu với tiềm năng của AI để “khớp” lại, chức năng, nhiệm vụ nào có thể ứng dụng AI. Chưa hết, cần đánh giá kỹ lưỡng năng lực về con người, hạ tầng - kỹ thuật, dữ liệu, tài chính của khu vực công, của mỗi cơ quan có thể ứng dụng AI ở phạm vi, mức độ nào. Trong số các điều kiện này, dữ liệu đóng vai trò không thể thiếu để huấn luyện AI. Như trường hợp ứng dụng AI trong ngành tòa án ở Việt Nam, vào giữa năm 2024, đã có 173.206 văn bản pháp luật, 27.610 câu hỏi giải đáp tình huống pháp lý và 1,4 triệu bản án được tích hợp vào trợ lý ảo cho thẩm phán.
Học, học, học - giới lập pháp, quan chức, công chức cũng phải đi học về công nghệ, như bức ảnh chụp một nghị sĩ Mỹ đang “cắp sách đi học” khóa buổi tối về AI. Nhà nước cần đào tạo, trang bị kiến thức cho cán bộ, công chức về cách làm việc với AI, hiểu rõ về những điểm mạnh và giới hạn của AI, từ đó có thể áp dụng đúng cách, hiệu quả. Quan trọng không kém, học để ra quyết định cuối cùng của đại biểu Quốc hội - người đại diện cho các nhóm cử tri khác nhau, của quan chức, công chức hành chính - người cung cấp dịch vụ công cho công dân, của thẩm phán - người “cầm cân nảy mực”.
Đồng thời, việc sử dụng AI trong khu vực công cần sự tham gia và đồng thuận của cộng đồng. Đặc biệt quan trọng là không để AI làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng, tránh việc tạo ra thiên lệch hoặc phân biệt đối xử; để AI phục vụ lợi ích của tất cả các nhóm dân cư, đặc biệt là những nhóm người dễ bị tổn thương như người khuyết tật, trẻ em. Việc sử dụng AI cần minh bạch, trong đó có giải thích rõ ràng cho công chúng về cách thức AI hoạt động, ra quyết định, ai chịu trách nhiệm khi AI mắc lỗi.
Việc bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân của công dân phải được đặt lên hàng đầu. Chính quyền cần có câu trả lời về những vấn đề cụ thể như: lắp bao nhiêu camera công cộng là đủ (tức là có thêm nữa thì cũng không có ích), ở những vị trí nào, để vừa đạt mức an toàn, vừa không xâm phạm sự riêng tư của người dân; ai có quyền truy cập dữ liệu, dữ liệu được lưu trữ bao lâu, sau bao lâu phải xóa. Chỉ được phân tích dữ liệu thu thập được sau khi đã ẩn danh, hoặc dữ liệu dưới dạng mã hóa.
Các nguyên tắc đạo đức và khung pháp lý rõ ràng là cơ sở để AI được phát triển và sử dụng theo hướng bảo vệ quyền lợi của người dân, hướng tới sự công bằng, minh bạch trong quy trình lập pháp, hoạt động của bộ máy hành chính, cơ quan thực thi pháp luật, tòa án. Có thể theo cách tiếp cận kiểm soát rủi ro của Liên minh châu Âu (EU), cấm hẳn những ứng dụng AI như hệ thống tính điểm công dân. Khung pháp lý như vậy là đặc biệt cần thiết, bởi lẽ bản thân quyền lực nhà nước đã rất lớn, dễ bị lạm dụng; kiểm soát quyền lực của Nhà nước đã được đặt ra từ hàng ngàn năm nay. Cùng với sự ra đời của AI có sức mạnh “khủng”, càng cần đến khung pháp lý nhằm kiểm soát “liên minh” giữa Nhà nước với AI, hạn chế sự lạm dụng quyền lực.
Ứng dụng AI trong khu vực công không chỉ đơn thuần là vấn đề công nghệ, mà còn đòi hỏi sự xem xét kỹ lưỡng các vấn đề về đạo đức, xã hội, tự do, pháp quyền. Việc sử dụng AI một cách thông minh, có trách nhiệm sẽ giúp tận dụng được tiềm năng của AI, tạo ra một khu vực công hiệu quả, công bằng, minh bạch. AI có thể là một khối óc siêu việt giúp bắt mạch những biến động của cuộc sống; nhưng nhà lập pháp, quan chức, công chức, thẩm phán vẫn phải có trái tim để bắt mạch những nhịp đập của phận đời, dựa trên những giá trị chung của loài người.
(*) Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông