Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ứng dụng chống ùn tắc tại cửa khẩu: Thông tin sơ sài, tính năng chưa đủ

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Để hạn chế tình trạng xe chở hàng hóa ùn tắc tại các cửa khẩu giáp Trung Quốc, từ đầu năm nay một số ứng dụng công nghệ thông tin được ngành hải quan và chính quyền tỉnh Lạng Sơn đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp. Đáng tiếc là, các sản phẩm này được đưa ra khá vội vã khi chưa hoàn thiện nên hoặc thiếu thông tin hoặc chưa hoàn thiện tính năng nên doanh nghiệp - người thụ hưởng - lại than trời khi được các công cụ này “phục vụ”.

Ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu biên giới phía Bắc. Ảnh: baochinhphu.vn

Thông tin quá sơ sài

Nhằm giảm tình trạng ùn tắc, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất nhập khẩu được giao thương thuận lợi qua các cửa khẩu đường bộ, từ ngày 27-1-2022, chức năng cảnh báo chống ùn tắc đã được Tổng cục Hải quan triển khai trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Tuy nhiên, từ bước đầu tiên là truy cập trang web Cổng thông tin một cửa quốc gia đã không thuận tiện. Người viết bài này click vào địa chỉ https://www.vnsw.gov.vn theo thông tin hướng dẫn trên báo Hải Quan Online(1) nhưng không truy cập được mà phải nhập chính xác là https://vnsw.gov.vn/

Lẽ ra người dùng chỉ cần nhập bất kỳ dạng nào của địa chỉ web như “vnsw.gov.vn” hay “www.vnsw.gov.vn” hoặc “https://www.vnsw.gov.vn” là hệ thống sẽ tự chuyển qua địa chỉ https://vnsw.gov.vn cho người dùng truy cập dễ dàng. Trang web này đã mắc lỗi sơ đẳng về kỹ thuật vì để làm như vậy chỉ cần khai báo trong phần quản lý tên miền. Đây là điều mà bất cứ nhân viên kỹ thuật quản lý trang web nào cũng phải biết.

Một vấn đề kỹ thuật khác là ứng dụng cảnh báo chống ùn tắc hàng hóa được nhúng trong một iframe. Như vậy, một khi khung chứa ứng dụng bị di chuyển đi vị trí khác trên trang web, người dùng sẽ không biết phải tìm ở đâu. Để thuận tiện cho doanh nghiệp sử dụng và chia sẻ/lưu trữ dữ liệu, lẽ ra khi công bố phải đưa địa chỉ gốc của dụng này là https://khaibaohoso.vnsw.gov.vn/common/drvn mới đúng.

Ngoài hai lỗi kỹ thuật như trên, thông tin là vấn đề đáng bàn hơn vì dù mang tên gọi rất hoành tráng là “ứng dụng cảnh báo chống ùn tắc hàng hóa” nhưng trên trang web chỉ có duy nhất một loại thông tin là số lượng xe ở mỗi cửa khẩu.

Mà nếu chỉ đơn thuần là thông tin số lượng xe như vậy thì rõ ràng ứng dụng này chưa giúp được gì nhiều cho doanh nghiệp. Trong quá trình ra quyết định điều phối hàng hóa, doanh nghiệp cần rất nhiều thông tin khác như tình hình thông quan, tốc độ thông quan, chính sách hiện hành từ phía Trung Quốc ra sao, các loại hàng hóa đang bị ách tắc, số lượng xe và loại hàng hóa từ các tỉnh/thành phố đang trên đường đến cửa khẩu…

Kèm theo những thông tin chi tiết như vậy, cơ quan chức năng cần đưa ra những khuyến cáo kèm theo để doanh nghiệp cân nhắc khi biết được tổng thể tình hình hàng hóa, xe tải đang bị kẹt ở cửa khẩu.

Để có những số liệu chi tiết như vậy thì ứng dụng này cần kết nối đến các nguồn dữ liệu của các ban quản lý cửa khẩu, các cơ quan chức năng địa phương như hải quan, các sở công thương, nông nghiệp, giao thông vận tải… và nguồn dữ liệu này đã có sẵn. Một ví dụ minh họa là thông tin từ Ban quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) cung cấp cho báo chí hôm 15-3-2022 cho biết, tổng số phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu còn tồn trên địa bàn tính đến 20 giờ ngày 14-3 là 1.459 xe. Cũng theo thông tin này, tại ba cửa khẩu đường bộ của tỉnh Lạng Sơn là Chi Ma, Tân Thanh và cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa diễn ra bình thường nhưng năng lực thông quan là tương đối hạn chế và rất chậm (2).

Đáng tiếc là từ sau ngày đi vào hoạt động đến nay, ứng dụng này đã giậm chân tại chỗ, không có thêm những cải tiến, cập nhật gì mới. Như vậy, khả năng hỗ trợ cho doanh nghiệp từ một ứng dụng sơ sài như vậy có thể thấy là gần như không đáng kể.

Nền tảng cửa khẩu số: làm khó chứ chưa giúp doanh nghiệp

Chỉ thị về phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia vừa được ban hành hồi cuối tháng 4 vừa qua đánh giá, “một trong những điểm nghẽn quan trọng cần tập trung tháo gỡ là vấn đề chia sẻ dữ liệu. Thực tiễn cho thấy người dân vẫn phải khai báo, cung cấp dữ liệu nhiều lần khi thực hiện thủ tục hành chính”. (3)

Nền tảng cửa khẩu số của Lạng Sơn là minh họa rõ nét cho điểm nghẽn nói trên. Từ ngày 21-2 năm nay, UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, vận tải, người điều khiển phương tiện xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị của tỉnh này bắt buộc phải thực hiện khai báo trên nền tảng cửa khẩu số, nếu không khai báo sẽ bị tạm dừng hoạt động. Mục tiêu được chính quyền tỉnh đặt ra là “khi áp dụng cửa khẩu số, việc xuất nhập khẩu hàng hóa sẽ được tự động hóa quy trình, giúp giảm thời gian cho doanh nghiệp, đồng thời công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý tại cửa khẩu”(4).

Tuy nhiên, để làm được như vậy thì Tổng cục Hải quan phải nâng cấp hệ thống của phía hải quan để phục vụ việc kết nối, cung cấp cho nền tảng cửa khẩu số Lạng Sơn hàng loạt thông tin về doanh nghiệp, số tờ khai, mã hải quan… và dự kiến lúc đầu là phải đến tháng 4-2022 thì mới kết nối xong.

Tuy nhiên, dù nền tảng này chưa kết nối dữ liệu xong, doanh nghiệp đã bị buộc phải sử dụng từ ngày 21-2 năm nay. Đến ngày 13-4-2022, thông tin trên trang web của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh này cho biết vẫn còn “họp rà soát”, điều này có nghĩa là việc kết nối dữ liệu đến lúc đó vẫn chưa sẵn sàng để đưa vào sử dụng.

Việc đưa một hệ thống công nghệ nửa vời như vậy - dù với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp - đã gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Theo nhận xét của doanh nghiệp sử dụng nền tảng cửa khẩu số Lạng Sơn trong giai đoạn đầu, việc hỗ trợ thực hiện thủ tục thông quan còn nhiều điểm chưa hoàn thiện, nhiều lỗi khi đăng ký, bố cục phần mềm rườm rà. Một số công ty vận tải than phiền hệ thống yêu cầu doanh nghiệp khai báo thông tin xe hàng một lần nữa, dù trước đó các công ty phải khai báo qua hải quan điện tử, nguyên nhân là do nền tảng chưa kết nối được vào hệ thống của hải quan. Ngoài ra, hệ thống đường truyền cũng bị trục trặc, mỗi lần lỗi mạng, tắc ở khâu khai báo trực tuyến nào, nhân viên công ty phải đến tận nơi để nhờ cán bộ hỗ trợ (5).

Trong chuyển đổi số, cần tránh tối đa việc đưa các sản phẩm công nghệ nửa vời ra để phục vụ như một kiểu vừa làm vừa sửa, đặc biệt là đối với dịch vụ công phục vụ người dân. Như trong trường hợp tỉnh Lạng Sơn, doanh nghiệp bị bắt buộc sử dụng một sản phẩm chưa hoàn thiện mà lẽ ra cơ quan chức năng của tỉnh phải chờ hệ thống hoạt động suôn sẻ, đầy đủ tính năng và phải có giai đoạn thử nghiệm trước.

Không nên vì chạy theo các mốc thời gian đã đặt ra để bằng mọi giá phải cho ra đời những sản phẩm công nghệ “sinh non” như vậy. Ngoài ra, đối với sản phẩm công nghệ, sau khi đưa ra sử dụng còn phải liên tục được nâng cấp, cải tiến chớ không thể đứng yên tại chỗ như trường hợp của ứng dụng cảnh báo chống ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu.

------------

(1) https://haiquanonline.com.vn/ung-dung-canh-bao-chong-un-tac-hang-o-cua-khau-chinh-thuc-van-hanh-tu-271-158658.html

(2) https://bnews.vn/thong-quan-hang-hoa-tai-lang-son-van-rat-cham/236716.html

(3) https://vietnamnet.vn/go-diem-nghen-du-lieu-huong-toi-chinh-phu-so-va-thuc-day-chuyen-doi-so-quoc-gia-2013395.html

(4) https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nang-cap-he-thong-cua-hai-quan-dong-bo-voi-nen-tang-cua-khau-so-cua-lang-son-102730.html

(5) https://tuoitre.vn/doanh-nghiep-xuat-khau-than-troi-vi-cua-khau-so-nhieu-loi-20220227135153934.htm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới