Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ứng dụng LEAN: chuyện cũ trong bối cảnh mới

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ứng dụng LEAN: chuyện cũ trong bối cảnh mới

Đức Tâm

Ứng dụng LEAN: chuyện cũ trong bối cảnh mới
Hình ảnh các đại biểu tham dự hội thảo sáng nay. Ảnh: Dạ Quyên

(TBKTSG Online) – LEAN, nói nôm na là phương pháp sản xuất tinh gọn, đã từ lâu được áp dụng trong doanh nghiệp Việt Nam nhưng chưa nhiều doanh nghiệp thành công và điều này cần được nhìn lại trong bối cảnh hội nhập ngày nay.

Phát biểu tại hội thảo "Tư duy Lean – tư duy thay đổi" được tổ chức bởi Vietnam Supply Chain (1) sáng nay (26-8), ông Pieter Pennings, Giám đốc phụ trách Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tại Vietnam Supply Chain chia sẻ, hầu hết doanh nghiệp mong muốn đạt kết quả khi triển khai LEAN nhưng thật sự chỉ có khoảng 2% doanh nghiệp thành công, số còn lại đa phần đều cảm thấy “mệt mỏi” và chưa đạt được hiệu quả như mong muốn (2).

Điều này, theo ông Pennings, cần phải thay đổi vì trong giai đoạn hội nhập ngày nay, việc triển khai LEAN hiệu quả là một yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp tăng sức mạnh cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.

Nguyên nhân dẫn đến việc triển khai LEAN thất bại thì nhiều nhưng nhìn chung theo các diễn giả phát biểu tại hội thảo thì vấn đề chính nằm ở ban lãnh đạo doanh nghiệp không cảm nhận được sự cần thiết phải thay đổi, phải áp dụng LEAN và không quyết tâm theo đuổi việc triển khai LEAN trong doanh nghiệp.

Trong phần trình bày của mình, ông Ngô Công Trường – Giám đốc Công ty tư vấn John & Partners, chia sẻ rằng có không ít doanh nghiệp mà ông tư vấn luôn đặt câu hỏi rằng tại sao họ cần phải thay đổi khi họ đang dẫn đầu trong ngành.

Ngay tại hội thảo, một vị đại biểu cũng nêu vấn đề tương tự khi đặt câu hỏi rằng tại sao phải thay đổi và làm sao thuyết phục các nhân viên thay đổi khi mọi thứ đang vận hành rất tốt, doanh thu tăng mỗi năm hai con số?

Với câu hỏi này, ông Trường bắt đầu với câu chuyện doanh nghiệp mà ông đã tư vấn.

"Khi doanh nghiệp khẳng định rằng họ đang dẫn đầu trong ngành và không có lý do gì phải thay đổi, tôi hỏi họ dẫn đầu ở khía cạnh nào: chất lượng, doanh thu, thị phần… Sau đó thu thập dữ liệu, so sánh và chỉ cho họ thấy vị trí họ thật sự đang đứng trong ngành so với các doanh nghiệp trong nước và khu vực. Khi đó họ mới vỡ lẽ ra rằng vị trí dẫn đầu chỉ là cái mà họ tưởng tượng", ông Trường kể và đặt câu hỏi ngược lại cho vị đại biểu rằng quan trọng là doanh nghiệp bạn đang rất tốt nhưng tốt so với ai?

Nói tiếp về câu chuyện tại sao phải thay đổi, ông Trường dẫn ví dụ về câu nói của đại diện Nokia trong buổi thông báo được Microsoft mua lại, "chúng tôi đã không làm gì sai, nhưng, theo cách nào đó, chúng tôi đã thất bại". Một ví dụ khác được ông Trường đưa ra là trường hợp của mì gói Miliket, từng một thời thống trị thì trường mì Việt nhưng hiện nay nhãn hiệu này chỉ chiếm khoảng 2% thị phần.

Tóm lại, theo ông Trường, nguyên tắc đầu tiên, sự thay đổi chỉ diễn ra khi người lãnh đạo doanh nghiệp cảm thấy sự khẩn thiết phải thay đổi. Và để quản trị sự thay đổi, ông Trường chia sẻ thêm về mô hình 8 bước thay đổi do chuyên gia John Kotter lập nên để mọi người có cái nhìn tổng quan và tham khảo thêm.

Bổ sung góc nhìn về câu chuyện thay đổi, ông Trần Ngọc Minh Trí, Giám đốc Chương trình LEAN khu vực Nam Á, công ty TNHH Decathlon Việt Nam, cho rằng sự thay đổi chỉ diễn ra khi mọi người thấy được lợi ích liên quan trực tiếp mà sự thay đổi mang lại. Bởi, nếu không có lợi ích kèm theo thì dù có hiểu rõ sự cần thiết của thay đổi thì mọi người cũng không có động lực để thực hiện.

Minh họa cho nhận xét của mình, ông Trí kể ví dụ về việc triển khai dự án LEAN tại hai nhà máy khác nhau. Một thành công, một thất bại. Một yếu tố quan trọng của dự án thành công là vì mọi người thống nhất rằng doanh thu và lợi nhuận tăng thêm nhờ sự cải tiến sẽ được nhà máy giữ lại và toàn quyền quyết định chứ không chuyển về tập đoàn.

Trước khi kết thức bài trình bày của mình, ông Trí đề nghị mọi người cùng tham gia một trò chơi nhỏ, bắt đầu bằng việc dùng tay thuận viết chữ "Continuous Improve" – Cải tiến liên tục, sau đó viết bằng tay nghịch để cảm nhận sự thay đổi. Qua đó, ông muốn chuyển tải thông điệp rằng sự thay đổi luôn khó khăn và do vậy, rất cần động cơ lợi ích để làm động lực dẫn dắt việc thay đổi và lưu ý rằng lợi ích không nhất thiết phải luôn là tiền bạc mà tùy từng vị trí có thể đưa ra những lợi ích khác nhau.

(1) Vietnam Supply Chain là một tổ chức độc lập phi lợi nhuận được hình thành từ năm 2008 nhằm giúp chia sẻ các kiến thức và hoạt động trong ngành chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

(2) Kết quả khảo sát nêu trên được Vietnam Supply Chain thực hiện tại Việt Nam trong năm 2016 với sự tham gia của khoảng 100 doanh nghiệp, 80 trong đó hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, và phần còn lại hoạt động trong mảng dịch vụ.

Mời xem thêm:

Tay phải, tay trái và chuyện đổi mới sáng tạo

Tăng năng suất bằng các công cụ quản lý

 

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới