Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ứng xử với kinh tế vỉa hè qua góc nhìn của du học sinh người Thái Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ứng xử với kinh tế vỉa hè qua góc nhìn của du học sinh người Thái Lan

Mananya Techalertkamol(*)

(TBKTSG Online) – Tại một số quốc gia trên thế giới, sau chính sách “dẹp” vỉa hè, thành phố trở nên trật tự, an toàn và sạch sẽ hơn nhưng lại đánh mất văn hóa vỉa hè đặc sắc không thể thay thế được. Việt Nam cũng đang dọn dẹp vỉa hè ở các đô thị lớn nhưng không khéo lại rơi vào tình cảnh như một số nước đã từng ứng xử với vỉa hè.

Ứng xử với kinh tế vỉa hè qua góc nhìn của du học sinh người Thái Lan
Chợ cuối tuần Chatuchak, Bangkok, Thái Lan.

Mạnh tay dẹp vỉa hè ở Bangkok

Cùng với TPHCM, Bangkok (Thái Lan) là một trong ba thành phố duy nhất của Đông Nam Á được CNN xếp vào tốp 20 điểm đến có nền ẩm thực vỉa hè đặc sắc nhất. Các gánh hàng rong, các quầy đồ ăn vỉa hè được công nhận là một trong những điều cần trải nghiệm khi đến các thành phố này.

Bangkok hiểu rõ nét văn hóa vỉa hè gắn liền với thành phố này từ xa xưa. Các con đường Khao San, Chợ Hoa (Pak Klong Tarat), đường Tha Pra Chan (chợ bán đồ tâm linh), chợ bán sỉ trong khu phố cổ… với vỉa hè tấp nập hàng quán đều là những điểm thu hút du khách. Do đó, trước đây, chính quyền thành phố đã cò chính sách thúc đẩy du lịch văn hóa vỉa hè và cho phép hơn 700 điểm buôn bán trên vỉa hè hoạt động, tập trung ở hầu hết các khu kinh tế, du lịch.

Tuy nhiên, mới đây, thành phố này đã “quay ngoắt” 180 độ khi đưa ra chính sách dẹp vỉa hè bởi lý do đảm bảo công bằng trong xã hội, giữa người buôn bán trên vỉa hè và các đối tượng khác như người đi bộ, người tham gia giao thông.

Một trong những vấn đề then chốt được nhắc đến nhiều nhất trong chiến lược phát triển Bangkok năm 2015-2020 là quy hoạch đô thị và quản lý việc buôn bán đang lấn chiếm vỉa hè. Từ tháng 5-2016 đến tháng 8-2017, dựa trên quy tắc “5 không” là không đậu xe và chạy xe, không bán chui, không đặt bảng quảng cáo chưa được cấp phép, không xả rác và không bày bừa đồ trên vỉa hè, chính quyền thành phố đã yêu cầu giải tán dần 700 điểm buôn bán trên.

Trong vòng 16 tháng, với công cụ là 3 luật gồm Luật Giao thông đường bộ, Luật Đảm bảo trật tự và Luật an ninh quốc gia, cùng các biện pháp nghiêm ngặt như xử phạt vi phạm đến 2.000 baht (khoảng 1,2 triệu đồng), thành phố thực hiện cưỡng chế những người không tuân theo, đồng thời đưa ra chính sách hỗ trợ như chuẩn bị nơi di đời, trung tâm đào tạo nghề nghiệp cho những đối tượng buôn bán trên vỉa hè, vốn là người nhập cư có trình độ học vấn và thu nhập thấp.

(*) Mananya Techalertkamol là du học sinh người Bangkok, Thái Lan. Cô tốt nghiệp trường Đại học Thammasat, Thái Lan, được cấp học bổng du học nước ngoài và cô chọn Việt Nam. Cô đã học tại Khoa Việt Nam học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM. Hiện tác giả theo học tại Fulbright Việt Nam.

Ngay sau khi tuyên bố chính sách, các cuộc biểu tình của những người buôn bán trên vỉa hè nổ ra liên tục. Tuy nhiên, cuối cùng, nhờ hình phạt nghiêm, 79 con đường và 1 con kênh dài đã được dọn dẹp sạch sẽ; hơn 55.000 người buôn bán trên vỉa hè buộc di dời sang khu vực mới xa trung tâm; 18.649 người bị thiệt hại nặng nề và không thể tiếp tục buôn bán.

Sau khi thực thi chính sách, Bangkok đã được chỉnh trang sạch sẽ và an toàn hơn đối với người tham gia giao thông. Tuy nhiên, đối với đối tượng bị di dời thì chính quyền chưa có sự hỗ trợ để phát triển nhanh khu buôn bán mới, nên thu nhập của họ thấp đi, chất lượng cuộc sống giảm sút. Do đó, cần thời gian để đánh giá sự hiệu quả của chính sách này.

Trung tâm hàng rong ở Singapore

Trước những năm 50, hình ảnh kẻ mua người bán trên vỉa hè xuất hiện nhan nhản ở Singapore. Dù kinh tế vỉa hè góp phần phát triển kinh tế – xã hội, cung cấp nguồn thực phẩm giá rẻ và giảm tỷ lệ thất nghiệp nhưng lại ngược với chiến lược phát triển của Thủ tướng Lý Quang Diệu. Vì thế, khoảng những năm 50, chính sách dọn dẹp vỉa hè được ban hành nghiêm ngặt.

Giai đoạn đầu, chính phủ áp khung hình phạt và ra quân rà soát dọn dẹp vỉa hè. Tuy nhiên, biện pháp này không đem lại hiệu quả, người dân không thi hành và đường phố chỉ tạm thiết lập được trật tự khi chính quyền có mặt. Mãi cho đến khi chính phủ đưa ra biên pháp “hawker centers” (trung tâm hàng rong) thì Singapore mới xử lý hiệu quả vấn đề buôn bán trên vỉa hè. Theo đó, người buôn bán trên vỉa hè tập trung vào các các hawker centers theo quy hoạch của thành phố dưới hình thức đăng ký và bốc thăm. Các trung tâm này nằm gần khu vực người dân đã buôn bán và đảm bảo cơ sở vật chất thuận tiện.

Điều đáng bàn là việc phát triển đô thị đã đánh mất nét văn hóa đặc trưng của vỉa hè Singapore. Ký ức chỉ còn được lưu giữ qua hình ảnh trang trí tại mặt trước cửa hàng ở các con phố từng diễn ra cảnh mua bán trên vỉa hè.

Bãi giữ xe thành phố Zurich, Thụy Sĩ

Trong quá trình phát triển đô thị, chính quyền Zurich, thủ đô của Thụy Sỹ đã cân nhắc giữa các giá trị kinh tế, mức độ thuận tiện kinh doanh và lợi ích của người đi bộ để ban hành chính sách xóa bỏ các bãi giữ xe trên lề đường và tràn xuống lòng đường. Theo đó, chính quyền đã nỗ lực đàm phán với các nhóm lợi ích liên quan và đưa ra giải pháp thay thế bằng việc phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu giữ xe. Từ năm 1996 đến năm 2013, khoảng 800 bãi giữ xe trên vỉa hè và lòng lề đường đã xóa bỏ, trả lại diện tích cho thành phố và trở thành không gian sinh hoạt công cộng có giá trị cao đối với xã hội.

Việc thực hiện chính sách này nhận được sự hỗ trợ từ các nhóm lợi ích vì khách hàng của họ vẫn có thể đến cửa hàng thuận tiện và tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân hoạt động bãi giữ xe thay thế. Dù thành phố mất đi phí vỉa hè nhưng phúc lợi của toàn xã hội tăng lên. Ngoài ra, việc quy hoạch và phát triển thành phố cũng hiệu quả hơn vì có thêm không gian. Sự thành công của Thụy Sỹ là do hệ thống phương tiện công cộng tốt và dân chúng tích cực tham gia trong việc phát triển thành phố.

Nhìn về TPHCM

Chính sách thu phí vỉa hè và xây dựng trật tự thành phố không phải là chính sách mới trên thế giới. Tuy nhiên, tùy theo điều kiện và mục đích mà mỗi đất nước đều có thách thức riêng nhưng đa số tuân thủ như sau:

  • Quy hoạch mang tính lâu dài và bền vững để tối thiểu hóa chi phí, đảm bảo niềm tin và tính ổn định. Cần cân nhắc các vấn đề phát sinh cho các bên liên quan từ người đi bộ, người tham gia giao thông, doanh nghiệp, chủ nhà cho đến người bán hàng rong.
  • Để đảm bảo sự hợp tác tham gia và ủng hộ chính sách, luật và hình phạt chỉ mang tính tạm thời và có thể gây tâm lý bất công và không công bằng. Do đó, chính sách thu phí vỉa hè cần đưa ra giải pháp di dời, xây dựng và quảng cáo, tiếp thị các khu buôn bán tập trung, có kế hoạch chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ về tài chính… để cho người bán hàng rong, các hộ buôn bán tích cực ủng hộ chính sách.
  • Đảm bảo công bằng và hiệu quả đối với việc bố trí khu tập trung hoặc bãi giữ xe mới. Chống độc quyền, lợi ích nhóm và ưu tiên cho nhóm yếu thế có thể tiếp cận cơ hội.
  • Đối với thành phố có nét văn hóa hè phố đặc trưng như TPHCM, cần cân nhắc kỹ về sự đánh đổi giữa lợi ích và chi phí. Như tình huống của Thái Lan và Singapore đã cho thấy, sau chính sách vỉa hè, thành phố trật tự, an toàn và sạch sẽ hơn nhưng lại đánh mất văn hóa mà không thể thay thế bằng công nghệ nào.
  • Phân bổ phí vỉa hè hiệu quả, có thể tham khảo mô hình của Thụy Sỹ khi xóa bỏ các bãi giữ xe trên vỉa hè thì thay thế bằng việc phát triển phương tiện công cộng và xây dựng bãi giữ xe thay thế nên vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và người mua sắm.
  • Chính sách thu phí vỉa hè tác động trực tiếp đến các hộ kinh doanh, doanh nghiệp, người buôn bán nhỏ lẻ và gián tiếp đến sinh hoạt của cư dân, do đó cần tính minh bạch và sự tham gia của người dân. Chính quyền cần phát huy vai trò trong việc phân bổ nguồn thu hiệu quả và hài hòa nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho toàn xã hội.

Mời xem thêm:

Hài hòa lợi ích công cộng và kinh tế trên… vỉa hè

Ứng xử với kinh tế vỉa hè thế nào cho hợp lý?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới