(KTSG) - Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đang được Chính phủ khẩn trương hoàn thiện để đưa ra Quốc hội xem xét tại kỳ họp tháng 10-2023 này. Một trong những vấn đề được quan tâm, thảo luận trong bản dự thảo là các quy định về vấn đề lãi dự thu.
- Nhiều mục tiêu khi các ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu trở lại!
- Các ngân hàng thương mại lớn đồng thuận giảm thêm lãi suất
Vấn đề đặt ra là có nên đưa ra quy định chặt chẽ về hạch toán, ghi nhận lãi dự thu tại các tổ chức tín dụng (TCTD) hay không và nên quy định như thế nào để hạn chế tình trạng lãi giả, lỗ thật tại một số TCTD và kiểm soát rủi ro từ khoản mục phải thu này trên bảng cân đối của các TCTD.
Lãi dự thu và nguyên tắc ghi nhận chung
Lãi dự thu (hay đúng hơn là lãi phải thu) dùng để chỉ khoản lãi mà ngân hàng dự kiến/phải thu được trong tương lai từ các tài sản sinh lời (như cho vay khách hàng, đầu tư tài chính…). Ngân hàng chưa thu được tiền thật từ khoản này, nhưng vẫn được ghi nhận vào báo cáo thu nhập và tạo ra lợi nhuận. Theo quy định, lãi dự thu chỉ được tính cho các khoản nợ Nhóm 1. Nếu khoản nợ bị chuyển sang nhóm có rủi ro cao hơn về khả năng thu hồi thì ngân hàng phải thoái lãi dự thu, tiến hành theo dõi ngoại bảng để tiếp tục thu hồi.
Lãi dự thu, xét về bản chất là sự hiện thực hóa rõ ràng của nguyên tắc kế toán dồn tích (accrual basis). Nguyên tắc này yêu cầu kế toán ghi nhận thu nhập và chi phí khi chúng phát sinh và đủ điều kiện ghi nhận là thu nhập hoặc chi phí mà không nhất thiết phải gắn với dòng tiền thu vào hoặc chi ra. Đây là một nguyên tắc kế toán chung, được chấp nhận rộng rãi trên toàn thế giới và được Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Quốc tế ban hành và yêu cầu áp dụng. Nguyên tắc này cũng đã được áp dụng ở Việt Nam khá lâu, đặc biệt phổ biến trong ngành tài chính ngân hàng.
Lo ngại gì về công cụ lãi dự thu?
Xét về bản chất, lãi dự thu là một phần của khoa học kế toán. Tuy nhiên, việc sử dụng công cụ này không phải là không đáng lo ngại. Thứ nhất, lãi dự thu hàm chứa những rủi ro nhất định khi vẫn có nguy cơ không thu được. Khi đó, tác động của nó là tác động “kép” (ngân hàng vừa phải chuyển nhóm nợ của khách hàng; vừa phải thoái lãi dự thu trong khi trước đó đã ghi nhận vào thu nhập, thậm chí, có thể khoản thu nhập này đã được đưa vào lợi nhuận, chia cổ tức ở những kỳ kế toán trước). Thứ hai, lãi dự thu một phần cũng thể hiện khẩu vị tín dụng, đầu tư của mỗi ngân hàng. Khi khoản mục lãi dự thu trên báo cáo tài chính lớn, chứng tỏ ngân hàng ưa thích và tập trung tín dụng, đầu tư trung, dài hạn nhiều hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với rủi ro của ngân hàng tiềm ẩn trong tương lai. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều biến động khôn lường, lãi dự thu sẽ đe dọa đến tính bền vững trong hoạt động ngân hàng. Vì vậy, không thể ngó lơ với khoản mục lãi dự thu.
Nên ứng xử với lãi dự thu ra sao?
Từ những lo ngại nêu trên, rõ ràng, Việt Nam cần lưu ý hơn đến việc ghi nhận lãi dự thu của các TCTD trong quá trình xây dựng chính sách quản lý hoạt động ngân hàng, đặc biệt là ngay trong quá trình xây dựng Luật các TCTD (sửa đổi). Tuy nhiên, chúng ta cần phải rất hài hòa và khoa học khi ứng xử với lãi dự thu.
Khi khoản mục lãi dự thu trên báo cáo tài chính lớn, chứng tỏ ngân hàng ưa thích và tập trung tín dụng, đầu tư trung, dài hạn nhiều hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với rủi ro của ngân hàng tiềm ẩn trong tương lai.
Trước hết, cần tuyệt đối tôn trọng nguyên tắc kế toán dồn tích. Không can thiệp vào nguyên tắc kế toán đã là thông lệ, chuẩn mực quốc tế được chấp nhận và thực hành rộng rãi trên thế giới. Mọi sự điều chỉnh đối với nguyên tắc này sẽ dẫn đến méo mó chính sách, mất tính so sánh trong việc lập, trình bày báo cáo tài chính giữa các thực thể trong nền kinh tế. Theo đó, việc ghi nhận lãi dự thu vẫn cần được cho phép thực hiện đối với các khoản nợ tốt (đủ tiêu chuẩn), được TCTD đánh giá là có khả năng thu hồi được cả gốc và lãi.
Song, để có thể kiểm soát được những rủi ro từ việc ghi nhận lãi dự thu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần nghiên cứu tạo thêm một số quy định mang tính kỹ thuật trong quá trình quản lý, giám sát hoạt động của các TCTD như:
(i) Bổ sung quy định về thời hạn ghi nhận lãi dự thu vào quá trình phân loại nợ và trích lập dự phòng của các TCTD. Theo đó, cần có thời hạn nhất định cho việc ghi nhận lãi dự thu (ví dụ: quy định rõ, lãi dự thu đối với một khoản nợ chỉ được ghi nhận trong khoảng thời gian tối đa 12, 18 hoặc 24 tháng; quá thời hạn này, nếu không thu được thì phải thực hiện chuyển khoản nợ sang nhóm có rủi ro cao hơn, thoái khoản dự thu và chuyển ra theo dõi ở ngoại bảng cân đối kế toán). Tất nhiên, cũng cần có quy định mở cho các dự án vay vốn tín dụng rất đặc thù do thời hạn đầu tư dài hơn, dòng tiền từ dự án phát sinh sau thời gian đó. Đồng thời, cũng cần lưu ý bổ sung một điều khoản chuyển tiếp để có thể xử lý cho những khoản vay hiện hữu tại các TCTD.
(ii) Ban hành quy định hạn chế chia cổ tức đối với khoản thu nhập đến từ lãi dự thu. Cơ chế này sẽ bảo toàn tài chính cho TCTD khi không thu hồi được khoản phải thu đã hạch toán vào thu nhập của TCTD.
(iii) Bổ sung quy định giới hạn về tỷ lệ lãi dự thu trên tổng thu nhập, và/hoặc tỷ lệ lãi dự thu trên tổng tài sản, xem đây là một tiêu chí trong việc quản lý, giám sát hoạt động của các ngân hàng thương mại. Quy định này cần đi kèm một chế tài cụ thể hơn, theo đó, nếu vượt ngưỡng này, NHNN cần đặc biệt lưu tâm và có thể phải tiến hành thanh tra, kiểm tra để xác định nguyên nhân cụ thể và có giải pháp xử lý phù hợp.
Với cách ứng xử này, Nhà nước vừa có thể tôn trọng tuyệt đối nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế về kế toán dồn tích; vừa có thể kiểm soát việc ghi nhận, hạch toán lãi phải thu của các TCTD. Quan trọng hơn, từ những gợi ý mang tính kỹ thuật nêu trên, bản thân các TCTD sẽ điều chỉnh hành vi, khẩu vị của mình trong quá trình hoạt động, hướng đến hoạt động an toàn, bền vững và thực chất hơn. Pháp luật được ban hành với mục đích quan trọng nhất là điều chỉnh hành vi của các chủ thể trong xã hội. Do đó, trong trường hợp này, pháp luật sẽ đạt được mục tiêu, sứ mệnh của mình.
Đây không chỉ là câu chuyện riêng về quản trị tài chính của ngân hàng. Lãi dự thu của ngân hàng còn là tiền thực thu của ngân sách.