Thứ bảy, 26/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Unilever hành động cho tương lai xanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Unilever hành động cho tương lai xanh

Thuận An

Hơn một tháng nay, cứ sáng thứ Bảy, bà Khang (trú tại khu tập thể số 25 phố Nguyễn Gia Thiều, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại xách một túi to vỏ chai nhựa đến điểm thu gom rác gần nhà. Số chai lọ bỏ đi mang đến đây lại đổi thành quà mang về. Hôm thì bà nhận chai nước rửa chén, bữa lại gói bột giặt. Chưa bao giờ bà thấy thói quen vốn đã hình thành nhiều năm của mình: phân loại rác lại có tác dụng như vậy.

Unilever hành động cho tương lai xanh
Từ đầu năm 2020, Unilever cùng hai doanh nghiệp khác là SCG và Dow đã cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường thiết lập mô hình hợp tác công tư đầu tiên tại Việt Nam nhằm xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa. Ảnh: DNCC

Bà Khang chỉ là một trong hàng ngàn cư dân sống tại quận Hoàn Kiếm đang tham gia chương trình “Phân loại rác tại nguồn gắn liền với Thu gom và xử lý rác thải nhựa tại Hà Nội" do Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) và Unilever Việt Nam phối hợp thực hiện.

Ngoài việc có thể mang rác có thể tái chế đến các điểm “Green day” cố định vào sáng thứ Bảy hàng tuần và đổi lấy sản phẩm Unilever, người dân cũng có thể sử dụng app Mgreen để chủ động chọn quà, hẹn ngày/giờ để nhân viên môi trường đô thị đến thu gom.

Rác tái chế và không tái chế sẽ được thu gom riêng biệt và xử lý. Trong đó rác thải là nhựa có thể tái chế sẽ được tái chế thành viên nhựa để tiếp tục tạo ra các sản phẩm phục vụ đời sống dân sinh. Rác thải nhựa còn lại sẽ được xử lý theo kỹ thuật và công nghệ hiện có. Unilever Việt Nam và URENCO đã ký kết hợp tác thực hiện chương trình vào tháng 6 vừa qua.

Trong đó, nhiệm vụ của URENCO là thu gom, vận chuyển, tái chế các loại rác thải. Unilever hỗ trợ một phần kinh phí triển khai chương trình và thực hiện công tác truyền thông khuyến khích người dân duy trì thói quen phân loại rác tại nguồn. 

Trong kế hoạch đã định, sang năm 2021, chương trình sẽ mở rộng ra 4 quận nội thành với mục tiêu hình thành thói quen và thực hành việc phân loại rác tại nguồn cho người dân. Hai bên cũng đang xây dựng và sẽ chia sẻ mô hình cho các công ty môi trường đô thị khác để nhân rộng trên phạm vi toàn quốc. 

Ông Đỗ Thái Vương, Phó chủ tịch Phát triển bền vững và Đối ngoại của Unilever Việt Nam chia sẻ, cách tiếp cận của Unilever toàn cầu là xây dựng nền kinh tế tuần hoàn cho nhựa, trong đó nhựa được thu gom, phân loại, tái chế và quay về phục vụ nhu cầu của con người. Vị trí của nhựa là tạo ra giá trị trong nền kinh tế tuần hoàn, không nên kết thúc là rác thải trong môi trường tự nhiên.

“Tại Việt Nam, nút thắt lớn nhất trong việc thu gom và tái chế rác thải nhựa một cách bền vững, chuyên nghiệp và quy mô để phục vụ nền kinh tế tuần hoàn chính là khâu phân loại rác tại nguồn. Chính vì vậy, Unilever đã bắt tay thực hiện dự án này cùng URENCO, tiên phong tại thành phố Hà Nội”, ông Vương cho biết.

Hợp tác với URENCO chỉ là một trong bốn trụ cột chiến lược mà Unilever Việt Nam đang thực hiện khi xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn cho nhựa. Từ đầu năm 2020, Unilever cùng hai doanh nghiệp khác là SCG và Dow đã cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường thiết lập mô hình hợp tác công tư đầu tiên tại Việt Nam nhằm xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa.

Những trụ cột còn lại được xác định là công nghệ và kỹ thuật trong lĩnh vực tái chế; xây dựng chính sách, quy định pháp luật hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn; và truyền thông giáo dục. Hiện tại Unilever và Bộ Tài nguyên và Môi trường là đồng chủ trì nhóm Hợp tác công tư này, Unilever đồng thời chịu trách nhiệm chính phát triển hai trụ cột truyền thông giáo dục, xây dựng chính sách và có những dự án đóng góp và hỗ trợ phát triển hai trụ cột còn lại.  

Ông Vương nhấn mạnh, rác thải khi được phân loại đúng cách rồi được tái chế sẽ quay trở lại phục vụ sản xuất của doanh nghiệp rồi từ đây phục vụ đời sống người tiêu dùng. Cao hơn, từ một hành động nhỏ là phân loại rác tại nhà, người dân đã trực tiếp giảm lượng chất thải chôn lấp, và góp phần giúp rác thải được xử lý để trở thành nguyên vật liệu trong sản xuất, qua đó giảm phát thải khí carbon, gìn giữ môi trường sống xanh, sạch, đẹp. 

Hợp tác với URENCO chỉ là một trong bốn trụ cột chiến lược mà Unilever Việt Nam đang thực hiện khi xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn cho nhựa.

Trong chiến lược giảm một nửa tác động đến môi trường trong hoạt động sản xuất và kinh doanh, Unilever đã hiện thực hóa bằng rất nhiều hành động cụ thể. Unilever đã liên tục nghiên cứu và cải tiến để hiện nay các nhà máy của Unilever không xả thải ra môi trường, 100% khí thải từ nhà máy là carbon tích cực. Công ty cũng sử dụng 48% năng lượng tái tạo và giảm 43% lượng nước trong sản xuất. 

Unilever Việt Nam cũng đang trên đường thực hiện cam kết về nhựa cho đến 2025 mà tập đoàn đưa ra trên toàn cầu, đó là giảm 50% lượng nhựa nguyên sinh trong sản xuất bao bì, sử dụng 100% nhựa có thể tái chế và thu hồi và xử lý số lượng bao bì nhiều hơn lượng bán ra.

Trong năm nay, Unilever Việt Nam đã giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn nhựa trong thiết kế bao bì, sản phẩm; lắp các trạm nạp sản phẩm mang tên “Love Beauty and Planet” để người dân mang dụng cụ đựng sản phẩm đến mua/nhận dung dịch sữa tắm, dầu gội, dầu xả…

Tất nhiên, theo ông Vương, xây dựng kinh tế tuần hoàn cho quản lý rác thải nhựa là một hành trình bền bỉ và cần sự chung tay, góp sức và nỗ lực của nhiều thành phần kinh tế, cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức trong và ngoài nước, và không thể thiếu sự ủng hộ của người dân.

“Dù biết hành trình xây dựng nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam còn nhiều khó khăn nhất định, Unilever vẫn tự hào là đơn vị đặt những viên gạch đầu tiên, và chúng tôi tin rằng với sự chung tay góp sức, góp ý của những đơn vị đồng hành, những viên gạch này sẽ đủ vững chãi để nâng tầm cuộc sống, vững vàng tương lai cho kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam”, ông Vương chia sẻ. 

Trong 25 năm thành lập và không ngừng phát triển tại Việt Nam, Unilever kiên trì theo đuổi chiến lược phát triển bền vững nhằm nâng tầm cuộc sống, vững vàng tương lai cho người dân Việt Nam. 

Bên cạnh chiến lược giảm tác động đến môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Unilever Việt Nam đã thực hiện các chương trình nhằm cải thiện điều kiện vệ sinh và sức khỏe cho hơn 22 triệu người Việt Nam; nâng cao chất lượng cuộc sống và mang đến cơ hội cho phụ nữ bằng việc hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm và phát triển mô hình kinh doanh, giúp hơn 2 triệu người được hưởng lợi và cải thiện sinh kế. 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới