Thứ sáu, 21/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ưu đãi xe điện: cần đánh giá kỹ tác động và đồng bộ chính sách

Dũng Nguyễn - Hoàng Thắng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nhà quản lý nói chính sách “đạt mục tiêu đề ra” khi kéo dài thêm 2 năm ưu đãi 100% lệ phí trước bạ xe điện. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm phù hợp để đánh giá lại và đồng bộ các chính sách hỗ trợ thị trường nói chung trong thời gian tới.

Một lượng không nhỏ xe VinFast bán ra phục vụ cho GSM, nền tảng gọi xe thuần điện đa dịch vụ của tập đoàn VinFast. Ảnh: DNCC.

Cần đánh giá kỹ tác động

Mới đây, Bộ Tài chính đề xuất kéo dài thời gian miễn toàn bộ lệ phí trước bạ cho ô tô điện đến năm 2027, thay vì giảm về mức 50% vào cuối tháng 2 như quy định hiện hành, theo dự thảo lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 10/2022 của Chính phủ.

Động thái này diễn ra sau tranh luận về việc có nên tiếp tục sửa Nghị định hay không, khi phía Bộ Tài chính đưa ra hai phương án giữ nguyên hoặc sửa, còn Bộ công thương nói rằng cần nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của chính sách miễn lệ phí trước bạ với ô tô điện chạy pin (BEV) thời gian qua, từ đó đưa ra các kiến nghị chính sách phù hợp thời gian tới.

Đề nghị của Bộ Công Thương được đưa ra sau khi VinFast, hãng xe điện thuộc tập đoàn Vingroup, kiến nghị kéo dài thời gian miễn lệ phí trước bạ thêm ba năm, từ ngày 1-3-2025 tới 28-2-2028 và áp dụng mức giảm 50% cho ba năm tiếp theo. Như vậy, dự thảo đưa ra mức hỗ trợ ít hơn đề xuất của doanh nghiệp.

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nói rằng bối cảnh các chính sách hỗ trợ thuế, phí ra đời trong giai đoạn nền kinh tế tăng trưởng chậm và doanh nghiệp khó khăn, không chỉ hướng tới xe điện nói riêng mà còn các chính sách hỗ trợ khác. Do đó, thực tế hiện nay mức hỗ trợ 50% đối với xe điện vẫn còn là đang ưu đãi chứ không phải là ngừng, trong bối cảnh các hoạt động kinh trở lại bình thường.

Dù vậy, ông Thịnh ủng hộ và hỗ trợ thực thiện giao thông xanh sạch trong thời gian tới là điều cần thiết nhưng cần cân đối với các yếu tố vĩ mô khác. “Vấn đề là cần nghiên cứu, làm nhanh và làm rõ”, ông Thịnh nói với KTSG Online.

Tại một toạ đàm về công nghiệp ô tô Việt Nam, ông Dương Bá Hải, Phó trưởng phòng Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính), nói Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí với ngành ô tô, công nghiệp hỗ trợ ô tô để khuyến khích ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ ô tô phát triển, cũng như thực hiện có hiệu quả các cam kết tại hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên.

Với các dòng xe thân thiện với môi trường, chính sách ưu đãi khá nổi bật. Chẳng hạn, xe ô tô chạy bằng điện, trong đó xe ô tô sử dụng pin nhiên liệu, xe ô tô điện chạy pin, xe ô tô điện chạy bằng năng lượng mặt trời... áp dụng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt trong khoảng 5-15%, theo quy định tại Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) hiện hành.

Trong văn bản dự thảo, Bộ tài chính cũng đánh giá các chính sách ưu đãi cho xe điện đang “ở mức cao”, không chỉ người dùng mà còn cả nhà sản xuất lắp ráp, nhập khẩu linh kiện, phụ tùng và cả chính sách dành riêng cho pin xe điện.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc triển khai chính sách giảm lệ phí trước bạ đã “đạt được các mục tiêu đề ra khi ban hành”. Theo đó, chính sách có tác động đến người tiêu dùng, nhà sản xuất và phân phối, môi trường không khí và nguồn thu ngân sách nhà nước.

Theo báo cáo của VinFast, tổng lượng ô tô đã bàn giao của cả năm chỉ riêng tại Việt Nam lên hơn 87.000 xe, dẫn đầu phân khúc xe điện. Trong đó đứng đầu doanh số là dòng VF5 (32.000 xe), tiếp theo sau là mẫu đô thị cỡ nhỏ VF3 (25.000 xe).

Từ năm 2024, VinFast bắt đầu mở rộng mạnh mẽ thông qua việc mở rộng dải sản phẩm, từ tiêu dùng cá nhân đến dịch vụ vận tải, nhượng quyền trạm sạc cho đến khuyến mãi sạc pin khách hàng cá nhân đến giữa năm 2027.

Với hình ảnh xe VinFast chạy trên đường ngày càng nhiều hơn, nhà sản xuất xe điện này đang thay đổi không nhỏ bức tranh xe điện của Việt Nam cũng như tác động liên quan đến các hình thái sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ của xã hội. Dù vậy, việc đánh giá lại các chính sách tổng thể của thị trường là điều cần thiết, chứ không chỉ đơn thuần nói về lệ phí trước bạ.

Lượng giao xe tháng 1-2025 của mẫu xe điện đô thị cỡ nhỏ VF3 là 4.000 xe, dẫn đầu các dòng xe điện của VinFast. Ảnh minh họa: DNCC.

Cần đồng bộ chính sách

Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa xây dựng cơ chế dài hạn, hỗ trợ  mục tiêu giảm thiểu phát thải carbon, hướng đến net-zero vào năm 2050 với nhiều chính sách riêng ở từng ngành, từng phân khúc sản phẩm. Lệ phí trước bạ dành riêng cho xe thuần điện chỉ là một phần nhỏ trong tổng thể thị trường xe điện nói riêng.

Do đó, điều cần thiết hiện nay là đánh giá lại những chính sách đã xây dựng và thực hiện để có cái nhìn tổng thể hơn, trong bối cảnh thị trường xe xanh trên thế giới cũng đã thay đổi nhiều trong 5 năm qua.

Bối cảnh đầu tiên là thị trường xe điện thế giới đang chững lại, đặc biệt là Trung Quốc với dư thừa sản lượng. Trong khi Châu Âu đánh thuế lên xe điện của Trung Quốc, Tổng thống mới của Mỹ lại ưu ái nhiên liệu hóa thạch hơn là năng lượng tái tạo. Trào lưu đầu tư xanh cũng đang được đánh giá lại sau nhiều năm bùng nổ, nhiều định chế rút lui khỏi các tổ chức hướng xanh trong khi khái niệm “rửa xanh” ngày càng nhắc đến nhiều hơn.

Thị trường Việt Nam trong năm qua cũng thay đổi đáng kể khi các hãng xe Trung Quốc ồ ạt gia nhập, trong đó có hãng xe điện Trung Quốc lớn nhất BYD cũng đang đối mặt với tình trạng dư sản lượng.

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp, Viện thương mại và kinh tế quốc tế, Trường Đại học kinh tế quốc dân, tỏ ý lo ngại về khả năng cạnh tranh của các dòng xe Trung Quốc khi Việt Nam áp dụng nhiều chính sách ưu đãi thuế và phí với ô tô điện, đặc biệt là khi đầu tư về hạ tầng trạm sạc hay chất lượng.

Một số hãng đang định hướng vào các dòng xe lai để giải quyết bài toán thiếu trạm sạc. Hiệp hội sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) nhiều lần đề xuất chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt dành cho phân khúc này.

Trong định hướng chung giảm phát thải carbon, lĩnh vực vận tải được chú ý vì là một trong những nguồn gây ô nhiễm lớn nhất. Chính phủ có nhiều chính sách ưu đãi để khuyến khích việc sản xuất của doanh nghiệp và cả kích cầu tiêu dùng. Chẳng hạn như đề án sàn giao dịch tín chỉ carbon, giúp huy động vốn cho các bên liên quan.

HSBC ước tính Việt Nam cần khoảng 12,3 tỉ đô la Mỹ đầu tư và 14tWh năng lượng cộng dồn trong giai đoạn 2024-2040 dành riêng lắp đặt đủ hạ tầng sạc xe điện và công suất phát điện tái tạo đủ cho lượng xe điện mới. “Chìa khóa để vượt qua những rào cản phổ biến ô-tô điện ở Việt Nam nằm ở đầu tư cơ sở hạ tầng, vốn cũng là một trở ngại đối với chuyển dịch năng lượng nói chung của quốc gia này”, báo cáo đánh giá.

Người dùng xe điện cần gì?

Nghiên cứu về hành vi của người tiêu dùng Việt Nam đối với xe điện (EV), thực hiện bởi KPMG Việt Nam và Chợ Tốt Xe, dựa trên khảo sát 1.106 người tham gia thuộc nhiều nhóm nhân khẩu học khác nhau và phỏng vấn sâu với 6 đại lý có kinh nghiệm bán cả xe động cơ đốt trong (ICE) và xe điện, cho thấy có ba yếu tố quan trọng nhất khi mua xe điện:

  • Cơ sở hạ tầng trạm sạc: Đây là mối quan tâm hàng đầu của người mua xe điện tiềm năng.... Việc nâng cao cơ sở hạ tầng này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến quyết định mua xe điện. Vị trí trạm sạc ưa thích bao gồm khu dân cư, trung tâm mua sắm, nơi làm việc, trạm dừng trên đường cao tốc, bãi đậu xe, nhà hàng và quán cà phê.
  • Tính năng sản phẩm cốt lõi: Độ bền, hiệu suất, sự thoải mái/nội thất và không gian xe là những yếu tố quan trọng hàng đầu khi mua xe.
  • Các yếu tố tài chính: Giá cả cạnh tranh, hỗ trợ tài chính và tổng chi phí sở hữu là những yếu tố được cân nhắc.

Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, giám đốc Whatcar Việt Nam, cho rằng xe điện vẫn chưa thể so sánh với xe động cơ đốt trong (ICE) về độ thuận tiện khi sử dụng. Khách hàng chỉ ưu tiên lựa chọn xe điện khi chi phí lăn bánh và chi phí sử dụng thấp hơn. Ở nhiều nước như Trung Quốc hay Châu Âu, chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích cho xe điện phát triển như hạn chế đăng ký xe ICE để ưu tiên đăng ký xe điện, hạn chế xe phát thải cao đi vào một số khu vực thành phố lớn đang bị ô nhiễm nặng, hay hỗ trợ người dân mua xe điện thông qua hỗ trợ tài chính. Trúc Nhã ghi

 

2 BÌNH LUẬN

  1. Yêu cầu quan trọng hàng đầu của cải cách và đổi mới thể chế, là phải chuyển đổi sớm và nhanh từ tư duy quản lý “xin – cho” sang “nhà nước kiến tạo”. Thuế trước bạ, tuy không phải nguồn thu lớn, nhưng qua đó thể hiện cách nhìn và xử lý của nhà điều hành nhằm động viên khát vọng của toàn xã hội hướng đến mục tiêu NetZero 2050. Mỗi bước đi tích cực, khích lệ, đúng mức và đúng tầm, ngay từ “bây giờ” chứ không phải đợi đến “bao giờ”, thực sự rất cần thiết, mang tính sống còn. Phải hành động khẩn trương vì một môi trường sống trong lành, không chỉ cho hôm nay, mà quan trọng hơn là cho rất nhiều thế hệ tương lai.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới