(KTSG Online) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, địa phương đang xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, tập trung vào những dự án trọng điểm, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững.
- Lấy ý kiến về quy định dạy thêm, học thêm đến 22-10
- Bộ GTVT đồng ý mở rộng cao tốc TPHCM – Long Thành lên 10 làn xe
Theo đó, Thủ tướng giao nhiệm vụ triển khai lập kế hoạch đầu tư công trung hạn nhằm tối đa hóa việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đã đề ra, TTXVN đưa tin.
Nguyên tắc chính của kế hoạch đầu tư công trung hạn là tập trung nguồn lực vào các dự án lớn, có tính liên kết vùng, quốc gia và quốc tế, nhằm tạo ra những công trình mang tính biểu tượng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách đồng đều.
Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng cũng nêu rõ số lượng dự án đầu tư công sẽ được tinh giản xuống khoảng 15-20% tổng số lượng, để giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án lớn.
Song song đó, chỉ thị cũng đề cao việc huy động tối đa các nguồn lực xã hội, khuyến khích hợp tác công tư để đầu tư vào các dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng.
Trên cơ sở đánh giá thực tế, các cấp, các ngành sẽ điều chỉnh và hoàn thiện kế hoạch đầu tư công, đảm bảo nguồn lực được phân bổ hợp lý, hiệu quả, phục vụ cho mục tiêu phát triển chung của cả nước.
Theo TTXVN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống kê, tổng số dự án đầu tư trung hạn nguồn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 là 4.533 dự án. Trong đó, số dự án khởi công mới là 2.272 dự án, giảm một nửa so với giai đoạn 2016 - 2020.
Bộ cũng đánh giá sự chuyển biến tích cực trong việc sử dụng vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Việc tập trung nguồn lực vào các dự án trọng điểm đã giúp tối ưu hóa hiệu quả đầu tư, khai thác tốt tiềm năng của đất nước.