Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ưu tư trên dặm đường quê hương

Đỗ Hòa (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Gần đây tôi có cơ hội đi dọc duyên hải miền Trung, xuyên qua một số tỉnh, thành bằng đường bộ. Vậy là tôi tranh thủ để tìm hiểu về tình hình kinh tế tại các nơi này bằng cách tránh đường cao tốc, tránh quốc lộ khi có thể.

So với chuyến đi hai năm trước, chuyến đi lần này tôi quan sát thấy một số sự phát triển, đổi thay ở một vài địa phương. Bên cạnh những cơ sở hạ tầng mới, có khá nhiều khu đô thị, dự án thương mại mới mọc lên, mọc lên rồi vì một lý do nào đó mà dừng lại trong tình trạng dở dang.

Có thể do chủ đầu tư vướng vào vòng lao lý, có thể do thủ tục giấy phép của dự án chưa xong, có thể do nguồn cung tài chính gặp khó khăn, nhưng cũng có thể do nhà đầu tư tự ngưng lại vì thấy rủi ro thất bại về mặt hiệu quả kinh tế của dự án.

Và đồng thời trong chuyến đi tôi cũng quan sát thấy ở hầu hết các nơi khác, không có một sự thay đổi đáng kể nào. Mọi người có vẻ an phận và chờ đợi. Chờ Nhà nước, chờ nhà đầu tư từ một nơi khác đến giúp mình?

Tình hình kinh tế chung năm 2023 theo đánh giá của tôi qua chuyến đi là khá khó khăn, và sang năm 2024 có khả năng vẫn còn khó khăn. Tôi nghĩ những lúc như thế này chúng ta, chính quyền các địa phương và người dân, cần năng động hơn để “cái khó ló cái khôn”, để mà tự “cứu mình trước khi trời cứu”.

Một trong những cái “khôn” mà tôi nghĩ trong tầm tay chúng ta ai cũng có thể “ló” ra, ai cũng có thể làm được, địa phương nào cũng làm được, không cần đến ngân sách hay chính sách đặc biệt gì của Chính phủ, đó là tìm cách tạo ra giá trị gia tăng ngay từ những thứ mà thiên nhiên ban tặng, những thứ tại địa phương mình đang có.

Vẫn rẻo đất ấy, nhưng nếu được dọn dẹp sạch sẽ, kênh rạch được khơi thông, trồng cỏ đều hai bên lề đường, rồi điểm xuyến thêm vài loại hoa đặc thù của địa phương, là trông đẹp đẽ hẳn lên, có thể thu hút nhiều người đến đây để tham quan, chụp ảnh “selfie”. Rồi nhờ mọi người chia sẻ hình ảnh mà dần dần nhiều người biết đến, rồi nó trở thành một điểm đến du lịch. Từ đó dân trong vùng có thêm công việc và thu nhập, rồi nhờ làm ăn được mà giá trị đất tăng lên. Đó cũng chính là cách mà các điểm du lịch bên Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Indonesia bắt đầu và hình thành.

Những việc trên nghe thì đơn giản nhưng người dân không thể tự phát làm được, mà cần có vai trò của chính quyền địa phương. Chính quyền phải giáo dục nhận thức, rồi phải tổ chức cho người dân chung tay thực hiện, và phân công quản lý, chăm sóc, duy trì.

Tôi tin là vùng đất nào trên đất nước ta cũng có những giá trị, mang bản sắc riêng rất độc đáo. Chứ không đợi phải có hang động như Quảng Bình, phải có vùng vịnh đẹp như Quảng Ninh, có phố cổ như Hội An, Huế, hay có bờ biển cát trắng như Đà Nẵng, Nha Trang... thì mới có thể tạo ra sản phẩm du lịch được. Thực tế trên thế giới cho thấy vai trò của lợi thế thiên nhiên chỉ đóng một phần nhỏ, cái chính là sự sáng tạo của con người. Chính sự sáng tạo của con người mới làm nên những điểm đến hấp dẫn, những địa danh có hàm lượng giá trị gia tăng cao.

Chẳng hạn như từ một vùng sa mạc toàn cát trắng, người Dubai đã biến thành một trung tâm du lịch, tài chính, thương mại hiện đại. Từ một làng chài, một bến thuyền nhỏ, Singapore đã phát triển dần thành một đô thị hiện đại bậc nhất ở châu Á. Từ một vùng chăn nuôi bình thường, người Nhật Bản có thể làm nên thương hiệu bò có giá trị cao, nổi tiếng thế giới. Từ một làng nghề chưng cất rượu truyền thống đáp ứng cho nhu cầu tại chỗ trong mùa lạnh, người Scotland đã làm nên thương hiệu rượu lừng danh thế giới. Còn rất nhiều điển hình như thế khắp nơi trên thế giới, mà tôi gọi là “làm gia tăng giá trị” từ những điều bình thường.

Lác đác ở duyên hải miền Trung, trong chuyến đi vừa rồi tôi cũng thấy những nỗ lực nhằm biến những đụn cát thành điểm vui chơi du lịch, những mỏm đá nhô ra biển thành điểm tham quan, cắm trại gần gũi với thiên nhiên. Nhưng phần giá trị tăng thêm từ những nỗ lực này là chưa nhiều. Nếu có sự định hướng tốt, sự đồng lòng của chính quyền địa phương với người dân, thì chúng ta còn có thể tạo ra nhiều giá trị hơn cho những đụn cát, những bãi đá, những mép núi, những con sông, những bãi cỏ, những cánh đồng, những nông trại, những căn nhà lá của mình.

Bắt đầu từ những gì mà thiên nhiên ban tặng cho chúng ta, chúng ta có thể tạo ra thêm giá trị gia tăng dựa trên cái đặc thù độc đáo của vùng mình. Rồi sau đó chúng ta có thể tiến đến tạo thêm giá trị gia tăng bằng dịch vụ, rồi bằng sản xuất, chế biến..., khi đó những chương trình như OCOP sẽ càng phát huy hiệu quả tốt hơn.

Nhưng vấn đề đơn giản vậy tại sao lâu nay chúng ta không làm, mà người Trung Quốc làm, người Thái Lan, người Indonesia, người Singapore, người Malaysia, người Philippines, người Dubai làm?

Tôi nghĩ có lẽ chúng ta chưa làm vì chúng ta còn thiếu một cái gì đó, cái mà tôi gọi là nhận thức về giá trị. Thiếu nhận thức này, cho dù có ngồi trên mỏ vàng chúng ta vẫn nghèo, dù sống chung quanh toàn dược liệu mà chúng ta vẫn chấp nhận chết vì bệnh tật.

Vậy giá trị là gì? Tôi thường phải mất cả buổi để giải thích, làm cho mọi người hiểu về khái niệm này trong các lớp về marketing. Không hiểu về giá trị thì không làm marketing được!

Cảnh thôn quê yên bình với hàng cây xanh mát rượi có giá trị to lớn đối với dân vùng đô thị đông đúc chật chội, cảnh phố cổ với những căn nhà cũ kỹ nhỏ hẹp, nằm yên tĩnh ở vùng thưa người có giá trị to lớn đối với những người đến từ các đô thị phát triển hiện đại. Con đường ven mỏm núi dọc bờ biển có giá trị giảm stress vô cùng hữu hiệu đối với những doanh nhân quanh năm bận rộn làm ăn. Tương tự, những đụn cát, những con đường xuyên rừng, những nông trại cạnh con sông, những làng quê êm đềm... cũng có giá trị to lớn với người đến từ vùng có đặc điểm địa lý, người có lối sống và văn hóa khác. Việc của chúng ta chỉ là bỏ ra chút công để chỉnh sửa, chăm sóc, nhằm tôn tạo vẻ đẹp ấy, nhằm giúp cho những thứ ấy có giá trị hơn.

Nhận thức về giá trị không chỉ phát huy trong lĩnh vực du lịch như tôi chỉ ra ở trên, nó còn là nền tảng của hoạt động sản xuất, dịch vụ. Một người trồng trọt, nếu chịu khó bỏ công tìm hiểu, nghiên cứu để trồng được loại sản phẩm trông đẹp hơn, ngon hơn, hoặc phù hợp với nhu cầu của một nhóm người nào đó, thì bản chất công việc ấy chính là tạo ra giá trị (giá trị cho nhóm người mua nào đó). Nếu anh ta nghiên cứu cách sơ chế và đóng gói giúp sản phẩm duy trì tình trạng tươi ngon lâu hơn, thì cũng chính là tạo ra giá trị, rồi nếu ai đó có thể chế biến sẵn, tiện lợi cho việc sử dụng, thì cũng chính là tạo ra giá trị... Cứ thế chúng ta hình thành cái gọi là “chuỗi giá trị”.

Thời gian gần đây, chúng ta nghe nhiều về “chuỗi giá trị”, “hội nhập chuỗi giá trị thế giới”, “tham gia chuỗi giá trị ngành”... nhưng hầu hết chúng ta chỉ nói vậy chứ ít người hiểu, nhận thức đầy đủ về khái niệm giá trị trong kinh doanh, kinh tế. Vậy nên nói thì nhiều mà chưa thấy có chuyển biến kết quả gì nhiều.

Đầu năm đầu tháng, thay vì lì xì bằng tiền, tôi xin lì xì bà con một vài ý tưởng, nhận thức về giá trị, với mong muốn rằng nhờ tạo ra giá trị tốt hơn mà bà con mình sẽ có cuộc sống sung túc hơn.

Tôi cũng mạnh dạn đề xuất chính quyền các địa phương, các cấp, nghiên cứu về việc này. Tôi tin là nếu chúng ta tạo ra được sự chuyển biến về nhận thức giá trị, thì chúng ta sẽ khai thác giá trị đang có của mình tốt hơn, dẫn đến sẽ tạo ra được những sản phẩm, dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao hơn.

(*) Công ty Tinh Hoa Quản Trị

2 BÌNH LUẬN

  1. Chạy xe máy ngửi mùi rác hôi thối khắp nơi mới thấy môi trường sống ô nhiễm, phát triển du lịch làm cho tình trạng càng tệ hại hơn. Mong mọi người hãy quan tâm trước khi làm du lịch.

  2. Cũng không hẳng là người dân không biết làm, chính quyền càng biết nhiều hơn. Nhưng vì những việc làm này tạo ra giá trị ít hơn và chậm hơn so với những thứ khác. Tư duy làm giàu nhanh kiểu”mỳ ăn liền” đã ăn sâu vào đại bộ phận người Việt Nam rồi. Bây giờ mới thấy có chút thay đổi. Hy vọng ở thế hệ trẻ thôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới