Chủ Nhật, 29/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ủy ban của Quốc hội nhất trí đầu tư đường vành đai 3 TPHCM và vành đai 4 Hà Nội

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nhất trí với Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 3 TPHCM và vành đai 4 Hà Nội, tuy nhiên lưu ý rằng việc hai dự án này theo phân kỳ thiết kế thiếu làn dừng xe khẩn cấp sẽ khó bảo đảm an toàn, dễ xảy ra tình trạng tắc nghẽn giao thông.

Đường vành đai 3 TPHCM

Ngày 6-6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội tờ trình về chủ trương đầu tư 2 dự án nêu trên. Ông Dũng cho biết 2 dự án đường vành đai này có vai trò liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, giúp mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư khu đô thị. Hai dự án này cơ bản hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.

Dự án đường vành đai 4 Hà Nội có tổng chiều dài gần 113 km đi qua các địa phận Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh với mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 85.813 tỉ đồng sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn BOT của nhà đầu tư để thực hiện đầu tư dự án.

Dự án đường vành đai 3 TPHCM có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 76 km đi qua các địa phận TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án khoảng 75.378 tỉ đồng sử dụng vốn ngân sách nhà nước để đầu tư dự án.

Trình bày báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư 2 dự án trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết đầu tư 2 dự án trên, trong đó yêu cầu “khẩn trương chuẩn bị đầu tư, sớm khởi công và cơ bản hoàn thành các dự án đường vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, TPHCM”.

Song, ông Thanh cho biết một số ý kiến cho rằng đề xuất của Chính phủ đầu tư 2 dự án theo quy mô phân kỳ mặt đường 17 m và 19,75 m là chưa phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 5729:2012) về đường ô tô cao tốc. Đồng thời việc đầu tư theo quy mô này sẽ không có làn dừng xe khẩn cấp mà chỉ bố trí điểm dừng xe khẩn cấp - khó bảo đảm an toàn giao thông và dễ xảy ra tình trạng tắc nghẽn làm giảm hiệu quả đầu tư... Ủy ban Kinh tế đề nghị trong bước nghiên cứu khả thi, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, chuẩn xác phương án thiết kế của 2 dự án nhằm xác định phương án tối ưu.

Đối với cơ chế, chính sách dự án vành đai 4 Hà Nội, đa số ý kiến của Ủy ban Kinh tế cho phép phần vốn nhà nước tham gia tối đa 66% tổng mức đầu tư dự án.

Đối với cơ chế, chính sách dự án vành đai 3 TPHCM, Ủy ban Kinh tế nhất trí với chủ trương dự án sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng cần tổ chức thực hiện thu phí để thu hồi vốn đầu tư cho ngân sách trung ương và địa phương. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ trong bước nghiên cứu khả thi cần xác định chính xác tỷ lệ góp vốn ngân sách trung ương và địa phương đối với phần đường cao tốc để làm cơ sở xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư hoàn trả ngân sách.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới